Hiện trạng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Trong giai đoạn 2016-2018, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Thái Nguyên có mức độ phát triển tương đối ổn định, đóng góp gần 50% GDP, trên 30% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn Tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các quỹ đầu tư, chính sách cho phát triển khối doanh nghiệp này còn hạn chế. Bài viết sử dụng mô hình phân tích SWOT để làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp này, từ đó đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả cho khối doanh nghiệp này trong bối cảnh mới.

Thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các quỹ đầu tư, chính sách cho phát triển khối doanh nghiệp này còn hạn chế.
Thực tế việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, các quỹ đầu tư, chính sách cho phát triển khối doanh nghiệp này còn hạn chế.

Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố nói riêng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Trong giai đoạn 2016-2018, số DNNVV hoạt động trên địa bàn TP. Thái Nguyên chiếm trên 57% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Bảng 1). Khu vực DNNVV này đã góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, khai thác và sử dụng tiềm năng về vốn, tay nghề và những nguồn lực còn tiềm ẩn trong dân cư, phát triển đa dạng các ngành nghề.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, khu vực DNNVV trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như: Vốn, lao động, công nghệ, khả năng quản lý, tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả của sản xuất kinh doanh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh... Để khu vực DN này phát triển cả về lượng và chất thì ngoài hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển các DNNVV của Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên nói chung, TP. Thái Nguyên nói riêng cũng cần có những giải pháp thiết thực để tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ DNNVV này phát triển.

Hiện trạng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên - Ảnh 1

SWOT về hiện trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên

Mô hình phân tích SWOT là một công cụ hữu dụng được sử dụng nhằm hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ trong một dự án hoặc tổ chức kinh doanh. Thông qua phân tích SWOT, DN sẽ nhìn rõ mục tiêu của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà DN đề ra. Sử dụng mô hình phân tích này, bài viết nhận diện về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên như sau:

Điểm mạnh

- Các DNNVV của Thành phố đã sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương, điều này đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.

- Một số DNNVV đã sẵn sàng áp dụng công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới trong sản xuất. Điều này đã giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

- Một số DN hoạt động sản xuất trong những ngành nghề truyền thống lâu đời nên họ có kinh nghiệm sản xuất như đan lát mây tre đan, dệt, đặc biệt là chè.

Điểm yếu

- Năng lực kết nối thị trường cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các DNNVV của TP. Thái Nguyên còn nhiều hạn chế. Điều này làm cho sản phẩm của các DNNVV ít được phân phối qua các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị.

- Hầu hết các sản phẩm chưa có nhãn hiệu và thương hiệu đã làm hạn chế trong việc tiêu thụ sản phẩm.

- Năng lực quản lý kinh doanh của các DNNVV còn hạn chế. DN thiếu khả năng phân tích thông tin của thị trường, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xúc tiến thương mại, khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và kiến thức quản lý còn hạn chế.

- Hầu hết các DNNVV còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng thương mại của các DNNVV còn hạn chế, bởi do thiếu điều kiện thế chấp và khả năng xây dựng phương án kinh doanh.

- Hầu hết các DN thiếu sự liên kết để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và kinh doanh do nhận thức về lợi ích liên kết còn hạn chế.

Cơ hội

- Hiện nay đã có một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đặt mua sản phẩm được tạo ra từ DNNVV với các sản phẩm như chè, may tre đan thông qua hội chợ, triển lãm, festival.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ chi phí và hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho DN. Với chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các DN xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm và giúp cho DN tiêu thụ được sản phẩm dễ dàng hơn.

- Tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV như: chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2015; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Thái Nguyên…

Thách thức

-  Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc các nhà đầu tư, các DN nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam là điều không tránh khỏi. Điều này sẽ khiến các DN trong nước, đặc biệt là các DNNVV đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh.

- DN không có thị trường đầu ra ổn định, chưa tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường do giá cả đầu ra không ổn định.

- Xu hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đòi hỏi độ an toàn ngày càng cao sẽ là mối nguy cơ cho các DNNVV nếu như DN không đáp ứng được với môi trường kinh doanh mới này.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên phát triển

Thông qua phân tích mô hình SWOT về hiện trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Thái Nguyên có thể thấy rằng, khu vực DNNVV trên địa bàn TP. Thái Nguyên có rất nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên để khu vực DN này tranh thủ được các cơ hội phát triển, thời gian tới TP. Thái Nguyên cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng.

- Tăng cường điều tra, khảo sát, nắm thông tin, phân tích đưa ra những dự báo tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh, Thành phố phục vụ công tác lập kế hoạch vốn và phục vụ đầu tư tín dụng phát triển DNNVV.

- Tổ chức các hoạt động nhằm thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới DN các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng như: hoạt động đầu tư tín dụng, điều kiện và hồ sơ vay vốn, cơ chế xử lý rủi ro.

- Tổ chức các lớp tập huấn cho DNNVV tìm hiểu về cơ chế, chính sách liên quan đến việc vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao năng lực trong xây dựng phương án, dự án đầu tư và hoàn thiện các thủ tục vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục cải tiến phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục phù hợp quy định của pháp luật, điều kiện, khả năng nắm bắt, tiếp cận của DN.

- Tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế cho DN.

Thứ hai, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật cho các DNNVV.

- Khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

- Bố trí và huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

- Tiếp cận và tạo điều kiện cho DN tham gia các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm.

- Thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các DN phát triển khoa học công nghệ…

Thứ ba, cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất bằng cách hoàn thành công tác lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất ở các cấp tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn; Thực hiện tốt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được phê duyệt; Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; Tạo Quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng, ban hành khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường...

- Cải thiện chỉ số thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, cụ thể là ban hành Quy chế phối hợp trong việc thực hiện Luật Đầu tư, tạo cơ chế hài hoà về các thủ tục đầu tư - xây dựng - đất đai - thuế theo cơ chế liên thông nhằm rút ngắn tối đa thời gian và chi phí, nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí chính thức cho nhà đầu tư…

- Cải thiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Cụ thể là công khai, thông tin các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính; Hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện. Đồng thời, công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời các quy hoạch như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất 2016 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan ngay sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó cải thiện  tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin.

- Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, chính quyền Tỉnh và Thành phố.

- Cải thiện chỉ số thiết chế pháp lý bằng cách nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn trên địa bàn Tỉnh; Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản…

- Cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Chính quyền Tỉnh và TP. Thái Nguyên cần có cơ chế hỗ trợ DN trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; Thực hiện tốt việc đối xử bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đào tạo nghề…

Thứ tư, DNNVV trên địa bàn TP. Thái Nguyên cần tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường… để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị DN, quản lý rủi ro…   

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ;
2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ năm 2015 - 2018;
3. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên từ năm 2016 đến năm 2018, NXB Thống kê, Hà Nội;
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thái Nguyên đến 31/12/2018;
5. Nguyễn Cúc (2000), Đổi mới cơ chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đến năm 2005, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.