2,6 tỷ USD kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh trong 5 tháng

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Dịch bệnh xảy ra, song lượng kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; riêng trong tháng 5 đạt 600 triệu USD...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, bất chấp dịch bệnh phức tạp, lượng kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh qua hệ thống ngân hàng đạt tới 2,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, đây là con số tích cực trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Trước đó, kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm đạt 2 tỷ USD, tăng 7% so với cuối năm 2020 và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng cung ngoại tệ, từ đó giúp ổn định tỷ giá và tiền đồng. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh dự báo cả năm nay, lượng kiều hối về Thành phố sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, sau khi tăng 15% lên mức kỷ lục 6,1 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những thị trường kiều hối chính của Việt Nam là Mỹ, Australia, Canada. Bên cạnh đó, kiều hối còn đến từ các thị trường xuất khẩu lao động có nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc...

Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn vì có lượng kiều bào khá lớn và những người này chủ yếu đi từ các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt từ TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh từ trước đến nay thường chiếm tỷ trọng khoảng 30-40% kiều hối cả nước.

Theo lý giải từ Ngân hàng Thế giới (WB), nguyên nhân phục hồi của kiều hối trong đại dịch là người di cư cắt giảm tiêu dùng hoặc tiết kiệm để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ngoài ra, còn một số yếu tố ảnh hưởng khác như chính sách kích thích tài chính ở các nước sở tại, tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển dòng chảy từ các kênh không chính thức sang kênh chính thức do sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.

Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2021 (ADO2021) của ADB đánh giá, gia tăng dự trữ ngoại hối là thành công của Ngân hàng Nhà nước và giúp cơ quan quản lý có nhiều dư địa, giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tạo thuận lợi cho việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng. Đây là bộ đệm cần được làm dày thêm hơn nữa nhằm giúp Việt Nam chống đỡ được những cú sốc bên ngoài nếu có, và củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư.