5 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 57,1% dự toán

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu ngân sách 5 tháng đạt khá

Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng năm 2022 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5/2022 ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, giảm 68 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng 4/2022.

Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 96,3 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 62,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước, chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh...) phát sinh quý I/2022 các doanh nghiệp đã kê khai, nộp trong tháng 4, sang tháng 5 phát sinh thấp.

Thu từ dầu thô tháng 5/2022 ước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng so tháng trước. Giá dầu thanh toán bình quân trong tháng đạt khoảng 107,5 USD/thùng; sản lượng dầu trong tháng ước đạt 650 nghìn tấn. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 25,1 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 3,9 nghìn tỷ đồng so tháng trước.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 5/2022, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm ước tính đến hết tháng 5 khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu; quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; quản lý hóa đơn bán hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa, điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế, mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax-Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai cổng thanh toán điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định...

Với số thu tháng 5/2022 như trên, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách nhà nước ước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2021 (ngân sách trung ương ước đạt 58% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 56,1% dự toán). Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 646 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% dự toán, tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2021.

Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 55,5% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ (loại trừ các yếu tố tác động của chính sách miễn, giảm, gia hạn, thì số thu thuế, phí nội địa 5 tháng chỉ tăng 5,1% so cùng kỳ).

Có 10/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 42%), trong đó bao gồm các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (chiếm 52% tổng số thu nội địa) ước đạt 54,8% dự toán, tăng 11,8 % so cùng kỳ, cụ thể: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 50,7% dự toán, tăng 15,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 50,7% dự toán, tăng 0,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 60,6% dự toán, tăng 19%. Còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 41,4%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 40,1%).

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu ngân sách các tháng tiếp theo

Bộ Tài chính cho biết, xét theo sắc thuế, số thu ngân sách 5 tháng đầu năm đạt khá so dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ. Trong đó, thuế giá trị gia tăng ước đạt 49,8% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ, mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế suất từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, nhưng cũng có tác động tích cực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong những tháng đầu năm, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 60,8% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 68,3% dự toán, tăng 24,1% so cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 52,4% dự toán, tăng 7,2% so cùng kỳ; thuế tài nguyên ước đạt 46,8% dự toán, tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2021...

Về thu từ dầu thô, thu 5 tháng ước đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, bằng 104,4% dự toán, tăng 90,9% so cùng kỳ năm 2021, do giá dầu tăng mạnh, bình quân 5 tháng đạt khoảng 99 USD/thùng (tăng 39 USD/thùng so dự toán, tăng 62,8% so cùng kỳ); sản lượng dầu thô thanh toán đạt 3,6 triệu tấn, bằng 51,4% kế hoạch. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 130,8 nghìn tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán, tăng 29,7% so cùng kỳ năm 2021.

Thu từ dầu thô đạt khá nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5 tiếp tục tăng trưởng tích cực; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế lũy kế đến ngày 15/5/2022 đạt khoảng 56 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch các mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh như: xăng dầu, chất dẻo, hóa chất, điện thoại và linh kiện, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng, buộc nhiều nước phải điều chỉnh thắt chặt chính sách tiền tệ, việc thực thi chính sách phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã và đang khiến cho việc cung ứng các mặt hàng nhiên liệu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào khó khăn, giá cả tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh. Kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tiếp theo.