11 tháng, số thu ngân sách toàn ngành Hải quan đạt 83,3 % dự toán

PV.

Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố ngày 1/12 cho thấy, tính đến ngày 30/11/2020, thu ngân sách ngành Hải quan đã đạt 281.389 tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán, đạt 79,3% chỉ tiêu phấn đấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thu ngân sách toàn ngành Hải quan đạt 83,3 % dự toán trong 11 tháng

Cụ thể, số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 11/2020 đạt 30.002 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2020 đạt 281.389 tỷ đồng, bằng 83,3% dự toán, đạt 79,3% chỉ tiêu phấn đấu (giảm 11,81% so với cùng kỳ năm 2019).

Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong 11 tháng qua, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 489,09 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 254,59 tỷ USD, tăng 5,3% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Như vậy, trong 11 tháng, cán cân thương mại ước tính xuất siêu gần 21 tỷ USD, cao gần gấp đôi thặng dư của 11 tháng năm 2019 với 10,76 tỷ USD.

Về tình hình chống buôn lậu, toàn ngành Hải quan đã thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. 

Tính riêng trong tháng 11, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng không có tính chất phức tạp. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: Đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, gia cầm...

Tính từ ngày 16/10 đến 15/11/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện tổng số 882 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 275,081 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 6,55 tỷ đồng, khởi tố 3 vụ.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc, các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung chống thất thu, kiểm tra sau thông quan, không để nợ thuế xuất nhập khẩu phát sinh.

Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn xác định, kê khai trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức hải quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực trị giá hải quan.

Cơ quan hải quan cũng tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hoá khai giảm giá, mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu, hàng hoá khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hoá khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản hoàn thuế...

Phấn đấu đạt mức cao nhất số thu ngân sách

Trong tháng còn lại của năm, phấn đấu đạt mức cao nhất số thu ngân sách, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

Cùng với đó, tập trung rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu trong và sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế suất thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt;

Thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời. Tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan. Kiểm soát chặt chẽ công tác miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế, đảm bảo việc miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của nhà nước...

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, phân loại chính xác các nhóm nợ, các doanh nghiệp có đủ điều kiện, hồ sơ xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để thực hiện thủ tục khoanh nợ, xóa nợ theo quy định ngay trong năm 2020.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), bên cạnh nhiều đơn vị lớn khó có khả năng hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước như Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…, đến thời điểm hiện tại, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã thu đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu giao từ đầu năm. Điển hình là Cục Hải quan Khánh Hoà đã thu đạt 3.496 tỷ đồng, đạt và vượt tới trên 200% chỉ tiêu đề ra; Cục Hải quan Quảng Ninh, đã thu đạt 11.466,4 tỷ đồng, bằng 120,7% chỉ tiêu dự toán và vượt 7,93% chỉ tiêu phấn đấu; Cục Hải quan Thanh Hoá đã sớm cán đích với số thu 9.866,5 tỷ đồng, đạt 104,96% chỉ tiêu được giao (9.400 tỷ đồng), bằng 111,26% so với cùng kỳ năm 2019...