Chỉ rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn vay WB tại các bộ, ngành, địa phương


Tại Hội nghị trực tuyến các bộ, ngành, địa phương với Ngân hàng Thế giới (WB) về giải ngân năm 2020 do Bộ Tài chính phối hợp cùng WB tổ chức ngày 28/10/2020, đại điện các bộ, ngành, địa phương đã nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn vay WB và đề xuất các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại hội nghị.

Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai

Theo Bộ Tài chính, trị giá giải ngân vốn WB (theo phương thức trực tiếp và tạm ứng vào tài khoản đặc biệt) từ ngày 1/1-30/9/2020 tăng 55% so với trị giá giải ngân 9 tháng năm 2019. Theo dự toán vốn 2020 của phía Việt Nam, có 64 dự án/tiểu dự án thuộc 17 khoản vay được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.

Về số các khoản vay chưa giải ngân theo năm tài khóa 2021 của WB (tính từ 1/7/2020), có 18/36 khoản vay chưa giải ngân, dẫn đến tỷ lệ giải ngân theo cách tính của WB (số giải ngân/tổng vốn vay cam kết) năm 2021 mới đạt 1,7%. Tính đến 30/9/2020, có 34 dự án/tiểu dự án vay WB đề xuất trả lại kế hoạch vốn năm 2020 với tổng số kế hoạch vốn đề xuất trả lại bằng 34,6% tổng dự toán được giao của các dự án vay WB.

Là một trong những bộ có dự án sử dụng nguồn vốn vay WB, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đến nay, danh mục các dự án sử dụng vốn của WB của Bộ có 4 dự án. Đến ngày 30/10/2020, số giải ngân là 1125 tỷ đồng, đạt 30%. Tuy nhiên, có dự án chỉ giải ngân được 2% do đang hoàn thiện các bước chuẩn bị kỹ thuật để giải ngân. So với tổng vốn ODA của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn vốn của WB có tỷ lệ giải ngân thấp hơn, nguyên nhân là do đặc thù của Bộ không có dự án Ô (chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án), nhưng phạm vi triển khai toàn quốc và có sự tham gia của nhiều bộ.

Đại diện các bộ chia sẻ tại hội nghị.
Đại diện các bộ chia sẻ tại hội nghị.

Một nguyên nhân khác được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19  tới các hoạt động mang tính chất đào tạo, tập huấn... cũng như việc thẩm định dự án kéo dài đã dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn của WB đạt thấp. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nhà tài trợ xem xét thời gian gia hạn dự án vay; xem xét bố trí vốn hành chính sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương.

Tại điểm cầu Cần Thơ, đại diện Thành phố cho biết, Cần Thơ có 2 dự án vốn WB, trong năm 2020, Thành phố được bố trí 592 tỷ đồng, đến ngày 20/7/2020 đã giải ngân đạt 39%, tỷ lệ này cho thấy công tác giải ngân nguồn vốn này của địa phương còn chậm. Nguyên nhân được nêu là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, vấn đề tạm ứng vốn để thanh toán cho nhà thầu... Cần Thơ đề xuất tạm ứng vào tài khoản đặc biệt để sớm thanh toán cho nhà thầu.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Yên Bái thông tin, tổng vốn vay WB 5 dự án của Tỉnh là 547,2 tỷ đồng. Đến hết ngày 27/10/2020, đã giải ngân được 223 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch tính cả vốn năm 2019 kéo sang. Các dự án chậm triển khai do ảnh hưởng của đại dịch và vướng mắc trong thủ tục rút vốn. Tỉnh Yên Bái đề nghị các bộ, ngành là cơ quan chủ quản đối với dự án giải ngân theo cơ chế dựa trên kết quả đầu ra cần đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, xác minh kết quả, không chờ đủ các đơn vị trong chương trình có kết quả mới cho rút vốn; xem xét linh hoạt thủ tục rút vốn nước ngoài theo dự án, địa phương có đủ điều kiện rút vốn trước thì cần xem xét trước.

Quan trọng là phải có khối lượng thanh toán

Các bộ, ngành, địa phương khác cũng chung các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân nguồn vốn WB như: Tác động của đại dịch Covid-19; cơ chế, quy trình sửa đổi hiệp định vay phức tạp; thủ tục, hồ sơ triển khai dự án; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, đa phần các nguyên nhân trên đều thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và ban quản lý dự án trong việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục để triển khai dự án cũng như triển khai các hiệp định vay; vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác phân chia gói thầu, tổ chức thực hiện gói thầu, triển khai khối lượng thực hiện… Do đó, các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án cần chú trọng triển khai các nội dung này.

Đại diện các địa phương tham gia ý kiến tại các điểm cầu.
Đại diện các địa phương tham gia ý kiến tại các điểm cầu.

Về vấn đề tài khoản tạm ứng, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phối hợp với WB xem xét, nhưng tinh thần là phải theo quy định của hiệp định vay. Nếu tạm ứng nhiều mà không hoàn lại thì cũng có khó khăn, khi rút tiền về tài khoản tạm ứng nghĩa là Chính phủ Việt Nam đã phải nhận nợ, trả lãi; còn khi dự án không hoàn lại chứng từ tạm ứng thì sẽ không tính được vào chi ngân sách nhà nước. Do đó, khi đã được tạm ứng, có khối lượng thanh toán thì phải có chứng từ, hồ sơ hoàn lại.

"Quan trọng là phải có khối lượng thanh toán, từ đó có khối lượng kiểm soát chi; có khối lượng kiểm soát chi mới có khối lượng giải ngân, rút vốn; từ đó mới có khối lượng để ghi thu ghi chi. Có tiền mà không có khối lượng thanh toán cũng không chi được." - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các cơ quan chủ quản cần tập trung thúc đẩy việc hoàn tất các nhiệm vụ đầu tư của năm 2020; Khẩn trương hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án; Đẩy nhanh việc lập hồ sơ thanh toán, gửi Kho bạc Nhà nước để xác nhận khối lượng hoàn thành và thực hiện thanh toán từ các tài khoản đặc biệt hoặc thanh toán trực tiếp, khẩn trương báo cáo chi tiêu để hoàn ứng, giảm vốn nhàn rỗi không sử dụng; Các bộ chủ quản các dự án Ô đẩy nhanh góp ý cho các địa phương các vấn đề F/S, thiết kế… quản lý hiệu quả việc rút vốn và sử dụng tài khoản đặc biệt qua các bộ.