Cục Thuế TP. Hà Nội tham gia đoàn liên ngành kiểm tra thực hiện đóng kinh phí Công đoàn


Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 25/9, Cục Thuế TP. Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020-2025 với Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chương trình phối hợp nhằm vận động, tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên toàn TP. Hà Nội nhận thức, hiểu rõ về Luật Công đoàn; Luật Thuế; Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết về Tài chính Công đoàn và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Một trong những nội dung phối hợp là trong quá trình đôn đốc thực hiện Luật Công đoàn nếu doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện đóng kinh phí Công đoàn thì cơ quan Công đoàn phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện đóng kinh phí Công đoàn của doanh nghiệp vi phạm.

Thông qua Quy chế phối hợp để từng bước nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Thành phố và xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển.

Theo Chương trình, hai bên sẽ đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp nộp thuế trên địa bàn quản lý thực hiện đóng kinh phí Công đoàn và các nghĩa vụ thuế; giải đáp, hướng dẫn về chính sách, pháp luật về tài chính công đoàn cho đơn vị, doanh nghiệp biết để thực hiện. Trên cơ sở thông tin quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế, cơ quan thuế định kỳ cung cấp số liệu giúp cơ quan Công đoàn cùng cấp các thông tin liên quan đến đối tượng phải đóng kinh phí Công đoàn trên địa bàn.

Trên cơ sở thông tin quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế, cơ quan thuế định kỳ cung cấp số liệu giúp cơ quan Công đoàn cùng cấp các thông tin liên quan đến đối tượng phải đóng kinh phí Công đoàn trên địa bàn, cụ thể, trước ngày 5 hàng tháng, cơ quan thuế cung cấp thông tin về người nộp thuế đăng ký mới của tháng trước: Tên người nộp thuế, ngành nghề kinh doanh, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...Trước ngày 10 tháng đầu của quý, cơ quan thuế cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động hoặc thay đổi thông tin của người nộp thuế trong quý trước cho cơ quan Công đoàn cùng cấp như: thay đổi đăng ký thuế, chia tách, sáp nhập, giải thể, thời gian tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động; thời gian đóng mã số thuế…

Thông qua hệ thống quản lý của từng cấp Công đoàn, định kỳ 6 tháng cơ quan Công đoàn đối chiếu hoặc cung cấp cho cơ quan thuế những thông tin liên quan đến doanh nghiệp, số lao động và những thông tin có trong hệ thống mà cơ quan Công đoàn đang quản lý.

Tháng 10 hàng năm, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã cung cấp danh sách, số kinh phí Công đoàn phải nộp của các doanh nghiệp không chấp hành Luật Công đoàn để cơ quan thuế đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra của năm tiếp theo.

Cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế và trích nộp kinh phí Công đoàn 2%. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra về thuế, nếu phát hiện người nộp thuế chưa thu, chưa trích và chưa nộp hoặc đã thu, đã trích nhưng chưa nộp kinh phí Công đoàn thì đoàn thanh tra, kiểm tra thuế ghi nhận số liệu báo cáo của doanh nghiệp, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện thu, trích, nộp kinh phí Công đoàn cho cơ quan Công đoàn, đồng thời thông báo đến cơ quan Công đoàn phối hợp để đôn đốc.

Trong quá trình đôn đốc thực hiện Luật Công đoàn nếu doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện đóng kinh phí công đoàn thì cơ quan Công đoàn phối hợp với cơ quan thuế và cơ quan liên quan thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện đóng kinh phí Công đoàn của doanh nghiệp vi phạm, đồng thời kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật lao động, pháp luật Công đoàn.