AVFMM năm 2020:

Đảm bảo ổn định tài chính khu vực Châu Á – Thái Bình Dương


Tối ngày 25/9/2020, theo giờ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà đã thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2020 (AVFMM) theo lời mời của Bộ trưởng Tài chính Malaysia - nước chủ nhà APEC năm 2020.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại đầu cầu Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại đầu cầu Việt Nam.

Tại Hội nghị, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có để hỗ trợ ứng phó kịp thời đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm.

Các thành viên đều khẳng định cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm, đảm bảo ổn định tài chính trong khu vực.

Phát biểu tại điểm cầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã nhấn mạnh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn và kịp thời để đạt được "mục tiêu kép" là chống dịch, ngăn chặn bệnh dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hội nghị là dịp để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống Covid-19 thành công bằng các giải pháp tài khóa - tiền tệ hiệu quả và kịp thời, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, giúp đảm bảo an sinh xã hội giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội ở mức cao nhất.

Trong dài hạn, Việt Nam hướng tới thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và quản lý nợ công bền vững. Việt Nam tiếp tục thực hiện các khâu đột phá cho phát triển bao gồm các vấn đề như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hạ tầng phục vụ kinh tế xã hội; hoàn thiện hệ thống thể chế tận dụng các cơ hội để thúc đẩy thương mại khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Đại biểu ở các điểm cầu.
Đại biểu ở các điểm cầu.

Bên lề Hội nghị, phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng Tài chính APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) cũng đã được tổ chức. ABAC đã đưa ra khuyến nghị lên các Bộ trưởng Tài chính APEC về thúc đẩy phục hồi và tái thiết lập hệ thống dịch vụ tài chính trong thời kỳ Covid-19, đặc biệt là gợi ý chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vi mô.

Các Bộ trưởng Tài chính APEC đã ghi nhận các khuyến nghị và chia sẻ giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ kinh tế sẽ phục hồi trong giai đoạn Covid-19 và hậu Covid-19.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC về kiểm soát và phục hồi kinh tế do Covid-19, trong đó nhận định các khó khăn và thách thức về kinh tế vĩ mô trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương do đại dịch Covid-19, hoan nghênh các giải pháp tài chính và tiền tệ ứng phó với đại dịch kịp thời của các thành viên hỗ trợ phục hồi kinh tế và kêu gọi hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp trên toàn khu vực.

Mặc dù Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC đã bị gián đoạn trong năm 2020 do Covid-19, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được tiếp tục duy trì dưới sự chủ trì của New Zealand trong năm 2021.