Đẩy mạnh phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị

PV.

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đẩy mạnh phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị xây dựng nền tài chính quốc gia hiệu quả, phát triển bền vững”, trong giai đoạn 2021-2025, công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Toàn cảnh Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, giai đoạn 2021-2025 tổ chức ngày 31/10/2020 tại điểm cầu Hà Nội.
Toàn cảnh Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, giai đoạn 2021-2025 tổ chức ngày 31/10/2020 tại điểm cầu Hà Nội.

"Càng khó khăn, càng phải thi đua"

Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V, giai đoạn 2021-2025, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành Tài chính cho biết: "Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ thị quan trọng của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng như: Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; Chỉ thị số 34-CTTC/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 05 năm (2016-2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; trong 05 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính, các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực".

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Đại hội.

Theo đó, các phong trào này được chủ động triển khai với nhiều nội dung, hình thức thi đua phong phú, mục tiêu thi đua thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, đã trở thành động lực to lớn góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung của Ngành trong môi trường kinh tế - xã hội không thuận, thế giới, khu vực có nhiều biến động lớn, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn những rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 5 năm vừa qua; phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc toàn diện các nhiệm tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính hăng hái thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chính trị của Ngành đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể: Thực hiện nhiệm vụ động viên thu NSNN giai đoạn 2021-2025 đảm bảo nguồn lực tài chính - NSNN góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước; Quản lý NSNN chặt chẽ; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; quản lý bội chi NSNN, nợ công chặt chẽ đảm bảo an ninh cho toàn nền tài chính quốc gia (nợ công không quá 60% GDP); Phấn đấu đến năm 2025, về cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Phát triển đồng bộ các loại thị trường, tăng quy mô thị trường trái phiếu, phát triển nhanh và bền vững thị trường bảo hiểm; Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính trong các lĩnh vực tài chính - NSNN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Người người thi đua, ngành ngành thi đua" và "... càng khó khăn càng phải thi đua", toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2020 và cả giai đoạn 2021-2025.

Đối với công tác thi đua, khen thưởng, toàn ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua cụ thể như: Phấn đấu hàng năm, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Ngành tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực; 100% tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, 60% tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua; Phấn đấu tỷ lệ khen thưởng đối với người lao động trực tiếp đạt tỷ lệ 60% trở lên đối với khen thưởng thuộc thẩm quyền cấp Bộ và 20% trở lên đối với khen thưởng cấp Nhà nước; Phấn đấu duy trì tỷ lệ khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ đối với các tập thể nhỏ đạt tỷ lệ trung bình 85% trở lên; các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đạt tỷ lệ 60% trở lên; Thi đua xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ; xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; môi trường làm việc văn minh, hiện đại.

Đồng bộ các giải pháp 

Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn ngành Tài chính chủ động, quyết liệt triển khai, cụ thể:

Một là, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách; triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ngay trong năm 2020 và phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2021-2025, góp phần hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ba là, ngay sau khi Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V kết thúc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Ngành cần tập trung tuyên truyền về kết quả của Đại hội, những bài học kinh nghiệm, những Điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của ngành Tài chính trong giai đoạn vừa qua. Từ đó, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị trong giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng; các quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính.

Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước. Cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị; phối kết hợp với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong tổ chức triển khai, giám sát các phong trào thi đua. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, việc chấp hành các chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng.

Năm là, đổi mới công tác tổ chức, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành; gắn các nội dung, chỉ tiêu thi đua với các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị và hướng đến mục tiêu chung là hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2021-2025, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, nhiệm vụ cấp bách; gắn các phong trào thi đua với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai trong toàn Ngành các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"; phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc "chính xác, công khai, công bằng, kịp thời", khen thưởng đúng đối tượng, đúng quy định; có chính sách động viên khen thưởng kịp thời các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, chuyên đề và các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong xét khen thưởng phải bám sát vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, kết quả đánh giá, phân loại tập thể, cán bộ, công chức hàng năm và kết quả tham gia các phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân.

Bảy là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chính sách quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính, trong đó hệ thống các chính sách cần hướng dẫn kịp thời các quy định mới, các vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm động viên khen thưởng kịp thời các đối tượng khen thưởng là các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy chế xét khen thưởng chuyên đề, đột xuất trong các lĩnh vực thuế, hải quan...;

Tám là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính cần xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới, những tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; sáng tạo, dẫn đầu trong các lĩnh vực công tác được giao... để bồi dưỡng, nhân rộng và động viên khen thưởng kịp thời.

Chín là, kiện toàn và hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng công tác tham mưu, tư vấn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng, ổn định, lâu dài và có tính kế thừa. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng.

Mười là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng và trong quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính được triển khai hiệu quả và thông suốt.