Đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với mặt hàng thuốc lá và phân bón

Việt Dũng

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển tới đề nghị sửa đổi, điều chỉnh nâng mức thuế suất đối với thuốc lá điếu và chế phẩm thuốc lá; đồng thời, kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT)...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, hiện nay, mức thuế suất áp dụng đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, được quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là 75% còn thấp, chưa hạn chế được tỷ lệ người hút thuốc lá. Cử tri kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh nâng mức thuế suất đối với thuốc lá điếu và chế phẩm này cao hơn 75%, để hạn chế lượng người tiêu dùng sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ cộng đồng.

Đồng thời, cử tri tỉnh Bình Định cho rằng, hiện tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón tăng cao. Để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân, cử tri kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

Trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị; đồng thời thực hiện Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá Luật thuế TTĐB để báo cáo Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội định hướng sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng thuốc lá.

Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, theo chính sách thuế GTGT quy định tại Điều 5 Luật thuế GTGT, mặt hàng trên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. 

Tuy nhiên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, tại Tờ trình số 570/TTr-CP ngày 29/10/2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón, đề nghị chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT 5%.

Ngày 04/5/2021, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4357/TB-TTKQH thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 55, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 4/2021.

Tại Thông báo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để sửa đổi tổng thể các luật về thuế nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất và theo đúng chiến lược cải cách về thuế. Trường hợp thật cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật thuế GTGT để báo cáo Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.

Việc sửa đổi đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022.

Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, căn cứ quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan quy định mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Phân tích rõ hơn, Bộ Tài chính cho biết, các mặt hàng phân bón thuộc các nhóm hàng 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu như sau:

Thứ nhất, các mặt hàng phân bón thuộc các nhóm 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 mà có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5%.

Thứ hai, các mặt hàng phân bón không thuộc trường hợp nêu tại điểm a khoản này áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định cho các nhóm 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng. Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3662/BTC-CST ngày 21/4/2022 gửi các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.