Điều chuyển để tận dụng vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại địa phương


Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, các địa phương cần rà soát khả năng giải ngân để có cơ sở báo cáo với các bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh dự toán, kế hoạch giải ngân cho phù hợp để tận dụng được dự toán và nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài của Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến Bộ Tài chính với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020 sáng ngày 31/8/2020.

Địa phương chậm giải ngân

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, 8 tháng đầu năm giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương ước đạt 22% so với dự toán giao. Nguồn vốn trung ương cho các địa phương vay lại khoảng 29,3% so dự toán được giao cho các địa phương.

Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản hoặc ghi nhận thông tin 05/62 địa phương đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617, 2 tỷ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953,4 tỷ đồng, vốn vay lại là 663,8 tỷ đồng. Trường hợp không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn cho các địa phương này thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt thấp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương tập trung vào giải ngân kế hoạch vốn năm 2019, dẫn đến chậm làm thủ tục giải ngân kế hoạch vốn 2020. Thêm vào đó, việc rút vốn tạm ứng về tài khoản của ban quản lý dự án nhiều, chậm làm thủ tục báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ dẫn đến việc Bộ Tài chính chưa kiểm tra và ghi nhận được trên hệ thống.

Trên thực tế, nhiều dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, phụ thuộc vào kết quả đầu ra, xác nhận kiểm đếm của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Thế giới; Chưa có khối lượng để giải ngân do: chậm đấu thầu, chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng…; Không tiếp nhận được thiết bị, chuyên gia từ nước ngoài do dịch bệnh Covid-19 cũng tác động làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài.

Điều chỉnh dự toán, kế hoạch giải ngân phù hợp

Nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, giải ngân là một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2020 và tạo đà cho những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.

8 tháng đầu năm giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương ước đạt 22% so với dự toán giao. Nguồn vốn trung ương cho các địa phương vay lại khoảng 29,3% so dự toán được giao cho các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án cần nâng cao trách nhiệm trong giải ngân. Nếu các đơn vị nào không giải ngân được thì phải báo cáo để Thủ tướng xem xét có điều chỉnh kế hoạch và điều chuyển dự toán cho các tỉnh thành, bộ, ngành khác có nhu cầu giải ngân.

"Ở khía cạnh khác, tính chất nguồn vốn là ODA và ưu đãi nước ngoài, tức là căn cứ vào hiệp định vay. Trong hiệp định có thời hạn dự án và thời hạn giải ngân, nếu không giải ngân kịp trong thời hạn mà không được gia hạn thì sẽ bị hủy vốn. Việc hủy vốn khiến Việt Nam phải chịu phí cam kết dẫn đến ảnh hưởng tới hiệu quả, chất lượng vốn đầu tư công cũng như việc vay nợ vốn."- Thứ trưởng cho biết thêm.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm không nhiều, các địa phương cần rà soát khả năng giải ngân, kể cả giai đoạn khóa sổ quyết toán và đối chiếu số liệu, ghi thu ghi chi…, khả năng sẽ giải ngân được bao nhiêu vốn để có cơ sở báo cáo với các bộ báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh dự toán, kế hoạch giải ngân cho phù hợp để tận dụng được dự toán và nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài của Chính phủ.

Theo đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn còn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn.

Các địa phương chỉ đạo các chủ dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn và kéo dài trên 03 tháng nhưng chưa báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ cần khẩn trương hoàn tất thủ tục lập đơn rút vốn hoàn chứng từ đối với khối lượng công việc đã hoàn thành và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi; không đợi dồn vào cuối năm mới làm thủ tục hoàn chứng từ.  

Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020 của các địa phương đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm đạt được kết quả giải ngân năm 2020.