Giám sát chặt để giảm thiểu rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp


Trước sự tăng trưởng và phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thị trường TPDN có dấu hiệu tăng trưởng nóng

Thị trường TPDN trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương.
Ông Nguyễn Hoàng Dương.

Thị trường TPDN có sự tăng trưởng nhanh về quy mô, đến cuối tháng 7/2020 ở mức tương đương 11,2% GDP năm 2019. So với một số nước trong khu vực, mặc dù quy mô thị trường TPDN còn ở mức thấp, tuy nhiên sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro đối với thị trường này. Các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án.

Hiện nay trên thị trường đang có xu hướng tăng huy động vốn từ phát hành TPDN khiến thị trường TPDN có dấu hiệu tăng trưởng nóng, theo số liệu công bố thông tin về phát hành TPDN, có một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, một số doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành và nhằm thu hút nhà đầu tư đã đẩy cao lãi suất phát hành.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) phân tích, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải  được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng.

Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường sự minh bạch cho thị trường TPDN

Bộ Tài chính thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường TPDN và khung khổ pháp lý để giúp các nhà đầu tư và các đối tượng tham gia thị trường nắm bắt và tuân thủ quy định của pháp luật, phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu. Ban hành nhiều thông cáo báo chí để khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường TPDN, cảnh báo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư TPDN, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết.

Song song với đó, cơ chế chính sách về phát hành TPDN liên tục được Bộ Tài chính hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.

Điển hình như, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về hạn chế giao dịch trong vòng một năm kể từ ngày phát hành để phân biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng; hoàn thiện cơ chế công bố thông tin và thiết lập chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ; yêu cầu trái phiếu phải được đăng ký, lưu ký nhằm kiểm soát nhà đầu tư và hạn chế khi giao dịch trái phiếu.

Hay như trước bối cảnh doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ vẫn được mua TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP nhằm nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành; khống chế khối lượng phát hành theo phương thức riêng lẻ; quy định khoảng cách giữa các đợt phát hành tối thiểu 6 tháng; chuẩn hóa hồ sơ phát hành; yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu tạo điều kiện để nhà đầu tư trái phiếu giám sát; tăng cường chế độ công bố thông tin, báo cáo.

Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trong đó quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ của các loại hình doanh nghiệp, phân biệt giữa kênh phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Theo đó TPDN riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn quy định về phát hành TPDN ra công chúng và phát hành riêng lẻ để thực hiện từ 1/1/2021.

Công tác quản lý giám sát được tăng cường thông qua các đoàn kiểm tra liên Bộ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các đối tượng tham gia thị trường tuân thủ quy định của pháp luật và chấn chỉnh việc phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tăng cường giám sát liên thông trên thị trường tài chính, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN của TCTD; Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, giao dịch và cung cấp dịch vụ về TPDN của công ty chứng khoán.

Hiện nay trên thị trường đang có xu hướng tăng huy động vốn từ phát hành TPDN khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng nóng, theo số liệu công bố thông tin về phát hành TPDN, có một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, một số doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành và nhằm thu hút nhà đầu tư đã đẩy cao lãi suất phát hành.