Gỡ vướng cho doanh nghiệp trong thực thi chính sách lĩnh vực công nghiệp ô tô


Sáng 3/11/2020, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức Tọa đàm về chủ đề “Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm.
Các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cùng đại diện lãnh đạo VAMA; Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), đại diện các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tham dự Tọa đàm còn có gần 100 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô thuộc các Hiệp hội VAMA, VASI; các ngân hàng thương mại cổ phần và các nhà tài trợ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng phát biểu chỉ đạo tại buối Tọa đàm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng phát biểu chỉ đạo tại buối Tọa đàm.

Tọa đàm nhằm mục tiêu tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật mới, đồng thời tiếp tục lắng nghe, ghi nhận phản ánh từ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô về những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ, tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại buối Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh, từ đầu năm đến ngày 15/10, cả nước nhập khẩu 73.685 xe ô tô các loại với tổng kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD và trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 2,86 tỷ USD.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, tính đến ngày 19/10/2020, có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại Điều 7a Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, được sửa đổi tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn theo Chương trình, từ ngày 16/11/2017 – 31/12/2019 là 9.557 tỷ đồng. Số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn từ ngày 01/02/2020 – 30/6/2020 là 2.854 tỷ đồng.

Nhằm đồng hành cùng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô ngày càng phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, ngành Hải quan đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách đã được Chính phủ ban hành như: Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2017 về sửa đổi, bổ sung Nghị đinh số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ban hàng ngày 25/5/2020 sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2020, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được về 0%, đồng thời đề ra yêu cầu sản lượng cực thấp ở 2 kỳ ưu đãi đầu tiên, mở đường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Nghị định đã hướng tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản biểu thuế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế của cơ quan Hải quan và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định tại Nghị định cũng khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên để sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024. Đây được xem là một trong những giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thu Trang, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đã góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu.

Đánh giá về số thu ngân sách, bà Nguyễn Thu Trang chia sẻ, tuy giảm thuế nhập khẩu linh kiện nhưng lại góp phần tăng thu ở các sắc thuế nội địa. Cụ thể như theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp tham gia Chương trình đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước năm 2018 ghi nhận tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với năm 2017, năm 2019 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cũng tại buổi Tọa đàm, các đại biểu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, tổ chức tín dụng đã trao đổi thẳng thắn những nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, thương mại, phát triển, cạnh tranh lành mạnh...