Hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2020


Sáng ngày 8/1/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021 với 62 điểm cầu các địa phương tham gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Bộ Tài chính (Hà Nội) có ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; ông Hoàng Đăng Quang, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Trần Quốc Cường, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Về phía Bộ Tài chính, tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Hội nghị còn có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở tài chính, cục thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, cục dự trữ các tỉnh, thành phố và toàn thể công chức, viên chức ngành Tài chính tại 62 điểm cầu.

Thu ngân sách tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh năm 2020, nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và hậu quả thiên tai, bão lụt, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Ước tính, trong năm 2020 đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, ngành Tài chính đã hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, ngành Tài chính đã hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Trong năm, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện 81,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính trên 70,6 nghìn tỷ đồng; xử lý thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.

Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, liên tục, đến nay, ước thực hiện thu cân đối NSNN năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP; trong đó: thu nội địa cơ bản đạt dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3%; tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, thì phần cân đối NSNN đạt 86,2% dự toán.

Cân đối ngân sách được đảm bảo

Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương. Nhờ chủ động trong điều hành, NSNN đã bố trí đủ nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán.

Đồng thời, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 37 và 42 của Chính phủ. Ngân sách trung ương đã dành 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, dự kiến mức bội chi NSNN năm 2020 bằng 3,93% GDP ước thực hiện (nếu so với GDP kế hoạch thì bằng 3,64%), số bội chi tuyệt đối tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với dự toán (Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng tối đa 133,5 nghìn tỷ đồng).

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với yêu cầu sử dụng NSNN. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân khoảng 13,94 năm (gấp trên 3,5 lần năm 2011), lãi suất bình quân khoảng 2,86%/năm, bằng ¼ lãi suất phải trả năm 2001, góp phần tiết kiệm cho NSNN, củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhìn lại năm 2020, trong bối cảnh năm 2020 kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh; nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2019, nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được đảm bảo; góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết  07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 ước đạt trên 29% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Bội chi NSNN bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6%GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Các Lãnh đạo bộ, ban, ngành tham dự hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh. 
Các Lãnh đạo bộ, ban, ngành tham dự hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính. Ảnh: Đức Minh. 

Trong top đầu các cơ quan trung ương về cải cách hành chính

Triển khai nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách hành chính, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020. Kết quả năm 2020, đã thực hiện 180/180 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch (100%).

Tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 977 thủ tục hành chính, đạt 100%, chiếm 55% tổng số dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ; hoàn thành kết nối, tích hợp 294/585 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ trên 50% (vượt mục tiêu 30% mà Chính phủ đặt ra). Đến nay, cơ bản tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng hệ thống khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, thực hiện thủ tục hải quan qua môi trường điện tử.

Năm 2020 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong top 3 cơ quan trung ương về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (riêng năm 2019, ở vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan trung ương); là Bộ dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin.

Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, đến nay, ngành Tài chính đã giảm được 4.328 đầu mối, giảm 6.460 biên chế (giảm 8,7% so với biên chế được giao năm 2015); riêng năm 2020 đã cắt giảm 276 đầu mối, nhờ vậy năm 2019, 2020, mỗi năm tiết kiệm được 1.500 tỷ đồng.

Chủ động, linh hoạt trong quản lý giá, thị trường tài chính

Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá, nhất là các mặt hàng do Nhà nước định giá (xăng dầu, điện, dịch vụ hàng không,...); đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá.

Trong năm, trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động cắt giảm các khoản phí cho các nhà đầu tư, nhờ đó duy trì và phát triển quy mô thị trường. Đến hết ngày 31/12/2020, chỉ số VN-Index đạt trên 1.103 điểm, tăng 14,9% so với năm 2019; quy mô thị trường đạt khoảng 87,7% GDP, tăng 20,8% so cuối năm 2019. Tính chung giai đoạn 2016-2020, quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2020 đã tăng gấp đôi so năm 2016 (43,3% GDP).

Thị trường bảo hiểm năm 2020 vẫn duy trì được sự tăng trưởng với tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, trong giai đoạn 2016-2020, tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 19%/năm; tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 19,4%/năm; tổng doanh thu ngành bảo hiểm tăng bình quân 19,3%/năm.

Về công tác quản lý sử dụng tài sản công, thông qua việc hoàn thiện về thể chế và tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2020 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm theo đúng tinh thần của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2021

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai..., để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.

Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01 ngày 4/1/2021 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BTC ngày 4/1/2021 giao kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, chỉ ra 11 nhóm nhóm công việc với 61 nhiệm vụ cụ thể. Bộ cũng ban hành Quyết định số 02/QĐ-BTC ngày 4/1/2021 kèm theo kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ với 78 sản phẩm đầu ra.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai 7 nhóm giải pháp với 24 nhiệm vụ cụ thể đã nêu trong báo cáo đầy đủ. Đồng thời, qua hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, nhất là các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn chỉnh các giải pháp, quyết tâm tổ chức thực hiện phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2021, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2025.

“Việc triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế có những thời cơ thuận lợi và thách thức đan xen, Bộ Tài chính tin tưởng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Tài chính, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.