Hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước


Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được Bộ Tài chính triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được Bộ Tài chính triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả. Nguồn: internet
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được Bộ Tài chính triển khai tích cực, chủ động, hiệu quả. Nguồn: internet

Năm 2020, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao, trong đó đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 06 nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 05 nghị quyết và đang xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 43 nghị định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 quyết định và đang xem xét ban hành đối với 02 dự thảo quyết định. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 122 thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách, tập trung vào các cơ chế, chính sách về thuế, cắt giảm phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, phát triển thị trường tài chính, dịch vụ kế toán, bảo hiểm, quản lý ngân quỹ nhà nước.

Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành 21 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí, trong đó đã giảm mạnh nhiều khoản phí, lệ phí, như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021 của Bộ Tài chính sáng ngày 8/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công trong hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính được ngành Tài chính tiếp tục thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính triển khai thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, kể cả các đề án, nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch.

Qua đó, không chỉ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, mà còn tích cực hỗ trợ cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh.

Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 06 luật; trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 23 nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp, chính sách tài chính; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 159 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 799 thông tư…

Bộ Tài chính cũng đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với việc ban hành, hoàn thiện thể chế pháp luật, trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; thường xuyên tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, thống nhất, khả thi và giảm thiểu số lượng văn bản ban hành; giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được Bộ xác định cần tập trung triển khai trong thời gian tới.