Kéo dài thời gian giảm thuế nhiên liệu bay, thêm "lực đẩy" cho ngành hàng không


Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ tiếp tục là giải pháp hỗ trợ thiết thực, thêm "lực đẩy" giúp ngành hàng không Việt Nam vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đề xuất tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không phục hồi, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 đến hết 31/12/2021

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 trở đi là 3.000 đồng/lít.

Việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19, tăng khả năng chống đỡ lâu dài.

Để đảm bảo sự thống nhất, liên tục trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và Nghị quyết này sẽ bãi bỏ Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 17/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ Tài chính, với việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021, tương đương giảm 900 đồng/lít; thuế giá trị gia tăng cũng giảm tương ứng 10% mức giảm thuế bảo vệ môi trường là 90 đồng/lít. Khi đó, sẽ làm số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 860-960 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.

Thêm "lực đẩy" cho ngành hàng không

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay được đánh giá là giải pháp cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không phục hồi.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Với việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021 sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, cụ thể, giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 990 đồng/lít. 

Nhiên liệu bay là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay. Việc giảm giá nhiên liệu bay là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành hàng không.

Trong bối cảnh tình hình tài chính của các doanh nghiệp hàng không hiện tại và dự kiến sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do tác động của dịch Covid-19, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, tạo thêm "lực đẩy" giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19, tăng khả năng chống đỡ lâu dài.

Mặt khác, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Bên cạnh vai trò chính là huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải thì ngành hàng không còn góp phần thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác.

Do đó, việc tiếp tục kéo dài thời hạn thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai, góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...