Kiện toàn tổ chức bộ máy hướng tới hình thành mô hình kho bạc khu vực

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình kho bạc khu vực. Đến năm 2030, hoàn thành việc chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi sang mô hình kho bạc 2 cấp (cấp trung ương và cấp tỉnh) và giảm ít nhất 15% biên chế so với năm 2020…

Ảnh: Minh họa; Nguồn: Internet.
Ảnh: Minh họa; Nguồn: Internet.

Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực

Những năm qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh việc triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng tập trung quản lý, điều hành và tinh giản bộ máy hành chính; khẳng định và làm rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của KBNN các cấp theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Nhằm giúp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, bộ máy KBNN tiếp tục được tổ chức theo mô hình hệ thống dọc và bộ máy thường xuyên được kiện toàn theo hướng tinh gọn.

Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, 64 KBNN cấp huyện và giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện, theo đó, giảm gần 632 lãnh đạo cấp phòng, hơn 2.600 lãnh đạo cấp tổ (đội).

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, thời gian qua, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy của KBNN đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, KBNN đã cắt giảm được 251 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, 64 KBNN cấp huyện và giảm gần 2.000 cấp tổ thuộc KBNN cấp huyện, theo đó, giảm gần 632 lãnh đạo cấp phòng, hơn 2.600 lãnh đạo cấp tổ (đội). Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn nhân lực không ngừng được chú trọng, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa KBNN nói riêng và cải cách quản lý tài chính công nói chung.

Dự kiến, đến cuối năm 2020, KBNN tiếp tục sắp xếp lại để bước đầu hình thành một số kho bạc khu vực (liên huyện), đảm bảo vừa thực hiện tốt chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vừa phục vụ tốt yêu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn nơi đóng trụ sở.

Ngoài việc kiện toàn tổ chức bộ máy, KBNN cũng chú trọng tới công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức.

Thông qua công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu nguồn nhân lực. Số biên chế hàng năm được cắt giảm nhưng chất lượng cán bộ không ngừng được nâng lên khi chuyển từ tác nghiệp thủ công (công chức làm công tác kiểm ngân, kho quỹ giảm) sang công tác kiểm soát, quản lý với yêu cầu chuyên môn cao hơn.

Nhìn chung, thời gian qua, KBNN luôn làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức để từng cán bộ, công chức nhận thức rõ đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm xây dựng tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Song song với đó, KBNN đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống về nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp, bố trí đối với từng nhóm công chức (lãnh đạo cấp trưởng, lãnh đạo cấp phó, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo) để ban lãnh đạo và cấp ủy đơn vị trong hệ thống có căn cứ rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ của đơn vị mình, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.

Phấn đấu đến năm 2025 hình thành mô hình kho bạc khu vực

Nhờ tích cực triển khai kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, KBNN đã và đang hoạt động ngày càng hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW. Để hướng tới hình thành kho bạc số, KBNN đặt mục tiêu đến năm 2025, về cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy KBNN theo mô hình kho bạc khu vực. Đến năm 2030, hoàn thành việc chuẩn bị các điều kiện để chuyển đổi sang mô hình kho bạc 2 cấp  (cấp trung ương và cấp tỉnh) và giảm ít nhất 15% biên chế so với năm 2020…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, ngoài việc hiện đại hóa các nghiệp vụ trong dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, đề ra các nhiệm vụ cơ bản để sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, KBNN sẽ tổ chức bộ máy theo khu vực (liên huyện) theo lộ trình phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp quản lý tại các đơn vị và việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, đảm bảo hoạt động của KBNN và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với KBNN được thuận lợi; từng bước bỏ cấp trung gian, hướng tới mô hình tổ chức 2 cấp: Trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện.

Bên cạnh đó, KBNN chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu mới, để phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, phát triển đội ngũ lãnh đạo KBNN các cấp, đội ngũ công chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tại cấp Trung ương có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của hệ thống KBNN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và đổi mới phương thức quản lý, KBNN tập trung cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống KBNN ở từng cấp, từng đơn vị phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, KBNN triển khai cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của từng đơn vị và từng công chức, viên chức, người lao động theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; sử dụng, đánh giá và trả lương đối với công chức, viên chức, người lao động theo chất lượng và hiệu quả công việc.

Ngoài triển khai các nội dung trên, KBNN chú trọng cải thiện môi trường làm việc và chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện và thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.