Ngành Tài chính đổi mới công tác khen thưởng, đảm bảo "chính xác, công khai, công bằng, kịp thời"


Cùng với triển khai tích cực các phong trào thi đua yêu nước, những năm qua, Bộ Tài chính luôn chú trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khen thưởng. Qua đó, góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của toàn Ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2019.

Đổi mới công tác khen thưởng

Trong giai đoạn 2016-2020, công tác khen thưởng của ngành Tài chính đã có nhiều đổi mới. Hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng. Hàng năm, trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, các văn bản quy định chi tiết thi hành và đặc điểm, tình hình của các cơ quan, đơn vị trong Ngành, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã nghiên cứu, tham mưu trình Bộ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Quy chế hướng dẫn khen thưởng chuyên đề, đột xuất trong các lĩnh vực công tác của ngành Tài chính như: Quy chế khen thưởng người nộp thuế thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế; Quy chế khen thưởng đột xuất thành tích trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan; Hướng dẫn khen thưởng thành tích trả lại tiền thừa cho khách hàng trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước... Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tài chính, đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã đề nghị Nhà nước xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho các cá nhân là người lao động trực tiếp là 642/3.360 cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, chiếm tỷ lệ 19,1%; khen thưởng cấp Bộ là 17.673/30.455 cá nhân được khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ, chiếm tỷ lệ 58% (tăng 6,6% so với giai đoạn 2011-2015). 

Cùng với hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Tài chính đã chú trọng triển khai tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng được thực hiện thường xuyên liên tục, với các nội dung phong phú và hình thức tuyên truyền đa dạng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng và ý thức chấp hành pháp luật về thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Ngành. 

Trong công tác xét khen thưởng đã đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ theo quy định; khen thưởng đúng đối tượng; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; công tác khen thưởng đã bám sát các phong trào thi đua yêu nước, lấy kết quả tham gia các phong trào thi đua, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm căn cứ xét khen thưởng. Đảm bảo các đối tượng được khen thưởng là các tập thể, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao; khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt có nhiều thành tích, nhiều đóng góp vào việc xây dựng cơ quan, đơn vị và công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc... đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Đảm bảo nguyên tắc "chính xác, công khai, công bằng, kịp thời"

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đổi mới, chất lượng công tác khen thưởng của Bộ Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm khen thưởng đối với các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất được thực hiện kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã đề nghị Nhà nước xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho các cá nhân là người lao động trực tiếp là 642/3.360 cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, chiếm tỷ lệ 19,1%; khen thưởng cấp Bộ là 17.673/30.455 cá nhân được khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Bộ, chiếm tỷ lệ 58% (tăng 6,6% so với giai đoạn 2011-2015). 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm đến khen thưởng quá trình cống hiến cho các thế hệ cán bộ của ngành Tài chính có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Nhà nước khen thưởng quá trình cống hiến cho 57 cá nhân là các thế hệ cán bộ của ngành Tài chính. Cùng với đó, Bộ đã quan tâm khen thưởng kịp thời thành tích chuyên đề, đột xuất, trong 5 năm qua đã trình cấp trên khen thưởng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước về thành tích chuyên đề, đột xuất cho 75 tập thể, 200 cá nhân và khen thưởng theo thẩm quyền cho 2.449 tập thể, 2.864 cá nhân đã có nhiều thành tích chiến công xuất sắc trong các lĩnh vực công tác, đặc biệt là trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Tổng cục Hải quan. 

Việc quan tâm, chú trọng công tác khen thưởng đã góp phần tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, thu ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân tăng khoảng 10,5%/năm; quy mô thu ngân sách nhà nước 05 năm (giai đoạn 2016-2020) ước gấp 1,63 lần so với giai đoạn 2011-2015. Cân đối ngân sách đạt nhiều kết quả tích cực, bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2019 giảm mạnh, bình quân 3,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 5,4%). Nợ công được kiểm soát chặt chẽ và nằm trong giới hạn theo các nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác khen thưởng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo nguyên tắc "chính xác, công khai, công bằng, kịp thời", khen thưởng đúng đối tượng, đúng quy định; có chính sách động viên khen thưởng kịp thời các tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp; các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, chuyên đề và các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong xét khen thưởng bám sát vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao, kết quả đánh giá, phân loại tập thể, cán bộ, công chức hàng năm và kết quả tham gia các phong trào thi đua của các tập thể, cá nhân.