Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính–ngân sách năm 2021 của Bộ Tài chính sáng ngày 8/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngành Tài chính đã hoàn thành vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ tài chính–NSNN năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020; đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hoàn thành vượt mức, xuất sắc nhiệm vụ tài chính–NSNN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-NSNN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính–ngân sách năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đối với ngành Tài chính, nhiệm vụ thu chi NSNN đã hoàn thành vượt mức, xuất sắc cho cả giai đoạn 5 năm (2016-2020) và đặc biệt càng xuất sắc hơn trong 2020 - một năm đầy khó khăn thách thức với cả nước.

Bộ Tài chính đã thực hiện tốt điều Bác Hồ căn dặn cán bộ, công chức ngành Tài chính, đó là: "Chúng ta cần ra sức học tập, quản lý tài sản quốc gia mà Ngành mình phụ trách, đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng, chí công vô tư cần kiệm liêm chính, một lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, đẩy lùi những thói tham ô lãng phí, bệnh quan liêu để cùng nhau tiến bộ. Theo lời dạy của Người, quản lý tài chính quốc gia được coi là tốt khi và chỉ khi có tác động tích cực đến quá trình sản xuất kinh doanh, làm ra được nhiều của cải cho xã hội, làm nền kinh tế phát triển ổn định".

Thủ tướng cũng nhắc lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng: Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019, là năm thành công nhất trong 5 năm qua. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Hai câu nói này đã thể hiện tất cả thành công của Đất nước. Trong kết quả quan trọng này có sự đóng góp nổi bật, tích cực của ngành Tài chính.

Ngành Tài chính đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ngành Tài chính đã nghiêm túc triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được thành quả quan trọng, toàn diện về tài chính - NSNN.” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đã điểm lại các kết quả nổi bật mà ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2020. Trong đó, ngành Tài chính đã thực hiện tốt, xuất sắc nhiệm vụ tài chính – NSNN trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, chủ động tháo gỡ khó khăn, ban hành nhiều chính sách ứng phó với dịch bệnh, khắc phục thiên tai, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Trong đó, Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp kịp thời, linh hoạt như: miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các biện pháp phấn đấu đạt mức cao nhất nguồn thu NSNN. Nhờ đó, thu ngân sách vượt xa mức báo cáo Quốc hội, thu cả năm đạt 98,5% dự toán, tăng trên 184 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Kiểm soát bội chi, nợ công trong mức Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2020, bôi chi ngân sách dưới 4% GDP, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ dưới 49,6% GDP, thể hiện công tác quản lý tài chính hiệu quả, chặt chẽ…

Thủ tướng cũng đánh giá cao thành công trong hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, được ngành Tài chính tiếp tục thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Hoàn thành 100% trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục phát triển, tạo kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( thứ 5 từ bên phải qua) cùng các lãnh đạo Bộ Tài chính và một số bộ, ngành tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ( thứ 5 từ bên phải qua) cùng các lãnh đạo Bộ Tài chính và một số bộ, ngành tại hội nghị.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đạt nhiều kết qủa quan trọng, đặc biệt là sắp xếp bộ máy các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Tổng cục Thuế. Bộ Tài chính đã cắt giảm được 4,3 nghìn đầu mối và giảm được 8,7% biên chế công chức so năm 2015, trong khi vẫn đảm bảo điều hành hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của Ngành…

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, kết quả toàn diện, nổi bật, có những mặt xuất sắc của ngành Tài chính. Thủ tướng chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Bộ và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương đã kề vai sát cánh cùng các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu, đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước.

Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự báo tình hình kinh tế năm 2021 diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ khủng hoảng tài chính, nợ công toàn cầu, ảnh hướng trực tiếp, gián tiếp tới Bộ Tài chính. Do đó, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”. Theo đó, ngành Tài chính cần triển khai với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tài chính tập trung triển khai 09 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Một là, bám sát phương châm hành động của Chính phủ, tổ chức đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, rà soát sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực NSNN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đi đầu trong triển khai kinh tế số, tài chính số…

Ba là, làm tốt công tác quản lý thu NSNN, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường công tác chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 15,5% GDP.

Bốn là, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn, qua đó giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Năm là, tăng cường quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường…

Sáu là, đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh phân phối bảo hiểm mới, tăng cường kết nối sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bảy là, đẩy mạnh việc thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục thu hẹp ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, mở rộng ngành, lĩnh vực thực hiện cổ phần hóa.

Tám là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tài chính có tâm, có tầm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chín là, tiếp tục chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo dõi, đánh giá tác động thực thi các hiệp định thương mại tự do, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

"Ngành Tài chính có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, ngày càng có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vĩ mô. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các đồng chí luôn quán triệt, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc; luôn đoàn kết, thống nhất, chung dức đồng lòng vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra; đóng góp quan trọng đưa Đất nước phát triển bền vững.” – Thủ tướng tin tưởng.