Ngành Tài chính luôn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp


Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện việc giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; Nới lỏng điều kiện về sản lượng của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời kiến nghị trên của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Tài chính cho biết các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan đã thực hiện trong thời gian qua nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, toàn Ngành Hải quan đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính (xây dựng thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp quản lý hải quan hiện đại,…).

Trong đó, toàn Ngành đã áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan theo chuẩn mực của hải quan quốc tế. Từ năm 2007 đến nay, ngành Hải quan đã áp dụng Quản lý rủi ro ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Theo đó, đã thiết lập hệ thống tiêu chí phân luồng hàng hóa để kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý. Từ năm 2014, hệ thống VNACCS/VCIS chính thức triển khai tại 100% Chi cục Hải quan, đảm bảo vận hành ổn định 24/7, an ninh, an toàn, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và Hải quan, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, toàn Ngành cũng thực hiện nộp và kiểm tra chứng từ điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan giúp giảm bớt số lượng hồ sơ giấy, giảm thời gian thực hiện thủ tục và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan...

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, đồng thời tích cực phát huy vai trò chủ trì, đầu mối trong cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành và triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải.

Trong khi đó, đối với việc nới lỏng điều kiện về sản lượng của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi, bổ sung Điều 7a về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô (Chương trình ưu đãi thuế).

Theo đó, tại Điều 7a đã điều chỉnh giảm sản lượng chung của các nhóm xe (xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô tải, xe bus, xe khách, xe minibus) và sản lượng riêng của mẫu xe, đồng thời cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đáp ứng sản lượng chung và sản lượng riêng; sửa đổi quy định mẫu xe và hồ sơ thủ tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để phù hợp với thực trạng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam hiện nay, góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển.

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2020, riêng quy định sửa đổi, bổ sung tại Điều 7a về Chương trình ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.