Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2020):

Ngành Tài chính sáng danh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Bài đăng trên Sách “Gương sáng - Việc hay ngành Tài chính”

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là một giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, truyền thống quý báu đó luôn được các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tài chính gìn giữ và mài sáng, trở thành một giá trị bền vững, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt, những năm gần đây, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cán bộ, công chức ngành Tài chính đã ngày càng được thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Đoàn cán bộ, công nhân Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ (Bộ Tài chính) vào Lăng viếng Bác (tháng 5/2013).
Đoàn cán bộ, công nhân Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ (Bộ Tài chính) vào Lăng viếng Bác (tháng 5/2013).

Nhận thức sâu sắc về những giá trị thiêng liêng

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước hy sinh, tiếp nối sự hy sinh của các thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để xây dựng nên giang sơn gấm vóc hôm nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”.

Tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ người Việt Nam, mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã làm cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân, cán bộ, công chức ngành Tài chính luôn tri ân, biết ơn vô hạn công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sĩ, các thương binh và người có công với nước. Bởi vậy, những năm qua, Ngành đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tưởng nhớ tới các Anh hùng Liệt sỹ, đồng thời góp phần động viên và làm vơi dịu nỗi đau do chiến tranh để lại trong các gia đình người có công.

Công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng “Uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị- xã hội trong ngành Tài chính với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, đưa nội dung vào sinh hoạt Đảng, sinh hoạt các đoàn thể và các lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới và đối tượng kết nạp Đảng để ôn lại truyền thống, lịch sử của dân tộc trong bảo vệ và xây dựng đất nước, truyền thống xây dựng và phát triển của ngành Tài chính; Ôn lại những tấm gương Anh hùng Liệt sĩ, gương chiến đấu dũng cảm, những trận đánh tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các cơ quan, đơn vị trong Ngành… Thông qua đó, các thế hệ cán bộ, đảng viên ngành Tài chính đã nhận thức rõ hơn và càng thêm tự hào hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, đồng thời xác định trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc và nhân dân, hướng đến niềm tin về một đất nước hòa bình, phát triển và giàu mạnh.

Những việc làm tri ân thiết thực

Hiện nay, cả nước ta có khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm 10% tổng dân số. Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là đường lối chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước nhằm mục đích ghi nhận công lao đóng góp, sự hy sinh cao cả, đồng thời bù đắp phần nào đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công và gia đình, ghi nhận lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và cộng đồng đối với người có công, góp phần vào việc ổn định chính trị - xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Chính phủ giao, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc tham mưu xây dựng và sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ theo hướng ngày càng hoàn thiện và toàn diện hơn, mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức hưởng tạo điều kiện tốt nhất trong việc chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Mặc dù, trong những năm qua, điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn nhưng nguồn ngân sách trung ương luôn cố gắng bảo đảm kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, chủ yếu là hỗ trợ tài chính thông qua hình thức trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm y tế và các chế độ ưu đãi khác (chu cấp trang thiết bị, điều dưỡng, nhà ở, quà nhân dịp lễ tết và ngày Thương binh - Liệt sĩ, xây dựng và nâng cấp nghĩa trang, công tác tìm mộ liệt sĩ…).

Hằng năm, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành Tài chính lại tiếp tục cùng nhau hướng về cội nguồn, tổ chức thăm viếng, thắp hương, tưởng niệm và tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất quê hương trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; Cấp ủy các cấp luôn phối hợp với các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động Đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, hiệu quả và đồng bộ. Nổi bật trong các hoạt động tri ân các Anh hùng Liệt sỹ là cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, tự nguyện chung tay, góp sức công đức nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Với sự hưởng ứng tích cực của hơn 8 vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tài chính và sự ủng hộ tích cực của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành, sau tròn 3 năm triển khai dự án nâng cấp xây dựng, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã chính thức hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2014). Đây là một công trình có ý nghĩa lớn lao về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh quan trọng trên mảnh đất Quảng Trị bất khuất, kiên cường, giúp đón tiếp thân nhân, đồng đội, đồng bào cả nước đến thăm viếng các Anh hùng Liệt sỹ được chu đáo hơn và thể hiện được tâm nguyện tri ân các Anh hùng Liệt sỹ của cán bộ, đảng viên ngành Tài chính.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên và hội cựu chiến binh trong Ngành còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi các thương binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng trong các dịp lễ, tết; Công đoàn Bộ đã phát động kêu gọi ủng hộ, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và cá nhân, tổ chức ngoài ngành hàng tỷ đồng để xây dựng “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”, ủng hộ và xây dựng được “Nhà tình nghĩa” cho các gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. Công đoàn Bộ Tài chính đã trích ra mỗi năm gần 200 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” để tổ chức đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh người có công thuộc các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa… Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính đã tổ chức đội quân tình nguyện “thắp lửa về nguồn”, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều đơn vị trong ngành Tài chính còn chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, di tích lịch sử cách mạng. Điển hình trong số đó là cán bộ, viên chức Công ty Mua bán nợ Việt Nam năm 2012 đã phát động phong trào chung tay góp sức tự nguyện công đức để nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Công trình được đầu tư với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng để đón tiếp thân nhân, đồng đội của các Anh hùng Liệt sỹ, các đoàn đại biểu, người dân đến viếng thăm và dâng hương tưởng niệm các Liệt sỹ...

Một đơn vị khác cũng là điển hình trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” là Tập đoàn Bảo Việt. Không chỉ ủng hộ Dự án nâng cấp, xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đưởng 9, tỉnh Quảng Trị với số tiền lớn 5 tỷ đồng mà Tập đoàn Bảo Việt còn trích quỹ phúc lợi hỗ trợ tỉnh Quảng Trị gần 1 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo 4 hạng mục di tích lịch sử cách mạng, bao gồm: 02 Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ khánh thành ngày 08/3/2010 và ngày 27/7/2010; Bia lưu danh Tiểu đoàn K10 đặc công Quảng Trị, khánh thành ngày 10/4/2011; Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và trồng cây lưu niệm các khu di tích nói trên, khánh thành ngày 09/3/2013. Năm 2014, Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục hỗ trợ địa phương 370 triệu đồng để tôn tạo di tích lịch sử Chi khu quân sự Mai Lĩnh thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị...

Kể từ ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên đến nay phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã và đang phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và ngành Tài chính nói riêng. Bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa với những người đã dành một phần thân thể, dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cán bộ, đảng viên ngành Tài chính đang đồng hành cùng nhân dân cả nước có thêm nhiều hoạt động tri ân những người đã hi sinh xương máu vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc, vì tự do, thống nhất đất nước.

Bên cạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, toàn ngành Tài chính tiếp tục tổ chức phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, xây dựng và phát triển Ngành; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động làm tốt công tác tham mưu, động viên, khai thác và sử dụng hiệu quả, thiết thực nguồn lực cho hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”...

Mỗi cán bộ, đảng viên ngành Tài chính nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sỹ; xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước.