Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP: Điều chỉnh một số tiêu chí liên quan đến DNNN cổ phần hóa


Doanh nghiệp cổ phần được giữ lại một tỷ lệ theo quy định của Bộ Tài chính áp dụng đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam để bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan đến việc thu hồi nợ, phần còn lại thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước. Đây là một trong những nội dung Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến Văn phòng Chính phủ để bổ sung vào nội dung xử lý một số vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp (DN) được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Ngoài đối tượng là các NHTM nhà nước, dự thảo Nghị định bổ sung các DNNN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.
Ngoài đối tượng là các NHTM nhà nước, dự thảo Nghị định bổ sung các DNNN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị định được Bộ Tài chính hoàn chỉnh như sau: “Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp, tạm dừng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc dừng không thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Về yêu cầu nghiên cứu quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi đối với việc kiểm kê đánh giá đối với các tài sản chuyên ngành, đặc thù của doanh nghiệp cổ phần hóa (tiêu chí và cơ quan xác định tài sản là chuyên ngành, đặc thù, cơ quan chịu trách nhiệm quyết định phương án kiểm kê đối với tài sản này…), Bộ Tài chính đã tiếp thu và bỏ cụm từ “đặc thù” tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Nghị định. Đồng thời, dự thảo Nghị định đã quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, kỹ thuật có liên quan quyết định phương án kiểm kê phù hợp và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc thúc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đối với yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan có liên quan để quy định liên quan đến đối chiếu các khoản phải thu, phải trả đặc thù của một số doanh nghiệp (NHTM Nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam…) phù hợp với tính chất, đặc thù các tài sản, công nợ của từng đối tượng này, đảm bảo khả thi, chặt chẽ và không ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo hướng bổ sung các nội dung:

Đối với các khoản phải thu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau (trong nước và ngoài nước) phát sinh thường xuyên với số lượng lớn khách hàng của doanh nghiệp cổ phần hóa mà việc đối chiếu, xác nhận công nợ với từng khách hàng làm phát sinh khối lượng công việc, thời gian và chi phí lớn, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định việc đối chiếu, xác nhận phù hợp căn cứ vào hồ sơ sổ sách kế toán và hệ thống công nghệ thông tin quản lý khách hàng của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với các khoản ký cược, ký quỹ, trả trước của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình, tài khoản hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (ví điện tử, Mobile money…) mà việc đối chiếu, xác nhận công nợ với từng khách hàng làm phát sinh khối lượng công việc, thời gian và chi phí lớn, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp báo cáo và quyết định việc đối chiếu, xác nhận phù hợp căn cứ vào hồ sơ sổ sách kế toán, hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình, hệ thống công nghệ thông tin quản lý khách hàng và theo dõi ví điện tử, Mobile money... của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với việc bàn giao hồ sơ nợ khó đòi đã xử lý trong vòng 05 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, do số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) rất lớn (trên 12 triệu khách hàng), tỷ lệ thu nợ hàng năm của Tập đoàn VNPT đều đạt trên 99%.

Các khoản nợ khó đòi chiếm dưới 01% số nợ phát sinh nhưng có đặc điểm là giá trị của từng khách nợ nhỏ, số lượng khách nợ, số lượng hồ sơ nợ rất lớn và được lưu giữ tại các đơn vị trực tiếp quản lý khách hàng trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố, các đơn vị vẫn đang tiếp tục theo dõi để đôn đốc, thu hồi nợ cũng như rà soát hạn chế khách nợ đăng ký sử dụng dịch vụ khi chưa thanh toán hết công nợ.

Nếu thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam sẽ phát sinh khối lượng công việc, thời gian và chi phí lớn, hạn chế hiệu quả thu hồi nợ sau khi bàn giao. Do đó, ngoài đối tượng là các ngân hàng thương mại nhà nước, dự thảo Nghị định bổ sung các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực viễn thông không phải thực hiện bàn giao hồ sơ nợ khó đòi đã xử lý trong vòng 05 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam mà doanh nghiệp giữ lại để tiếp tục theo dõi, quản lý và thu hồi nợ.

Số tiền thu hồi nợ từ các khoản nợ này, doanh nghiệp cổ phần được giữ lại một tỷ lệ theo quy định của Bộ Tài chính áp dụng đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam để bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan đến việc thu hồi nợ, phần còn lại thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước.