Tăng cường đào tạo bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến tại Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời ứng phó với bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên khắp toàn cầu, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức, viên chức ngành Tài chính theo hình thức trực tuyến đã được Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính tiếp cận và triển khai kịp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau 4 tháng (từ ngày 6/4/2020 đến 30/7/2020) triển khai Đề án thí điểm tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến theo Quyết định số 419/QĐ-BTC, Trường đã tổ chức 32 lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, với hơn 1.500 học viên, qua đó, góp phần mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tài chính.

Tình hình triển khai đào tạo bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến tại Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính

Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, các Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 19/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 và Công văn số 1214/BTC-TCCB ngày 10/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xây dựng phương án đào tạo từ xa, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu nhiều ứng dụng phần mềm đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến và đã lựa chọn ra được ứng dụng Microsoft 365 của Microsoft để phục vụ công tác đào tạo trực tuyến. Microsoft 365 là ứng dụng được thiết kế đa nền tảng trên các thiết bị hỗ trợ gồm máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Bên cạnh liên hệ, đàm phán Microsoft Việt Nam hỗ trợ bản quyền Microsoft 365 A1, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã mời chuyên gia của Microsoft Việt Nam về tập huấn ứng dụng Micorsoft 365 cho toàn bộ công chức, viên chức, giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Trường.

Đến nay, Trường đã cấp gần 200 tài khoản Microsoft 365 cho đội ngũ giảng viên và hơn 6.500 tài khoản Microsoft 365 cho học viên để phục vụ việc nghiên cứu ứng dụng và sử dụng vào giảng dạy, học tập. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý lớp đã được tập huấn và nhanh chóng làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái của Microsoft 365 trong hoạt động giảng dạy và tổ chức quản lý lớp.

Để tạo thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Tài chính theo hình thức trực tuyến, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 418/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng trực tuyến và Quyết định số 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020 phê duyệt Đề án thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính.

Theo đó, ngày 06/4/2020, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã triển khai tổ chức khai giảng lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng theo hình thức trực tuyến đầu tiên. Sau 4 tháng (từ ngày 6/4/2020 đến 30/7/2020) triển khai đề án thí điểm, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính tổ chức 32 lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, với hơn 1.500 học viên, chủ yếu tập trung ở các lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chiếm khoảng 50%.

Ngoài việc ứng dụng Microsoft 365 vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính còn cử giảng viên hỗ trợ tập huấn cán bộ, giảng viên của Trường Nghiệp vụ thuế, Tổng cục Thuế và cấp hơn 1.400 tài khoản cho cán bộ, giảng viên và học viên của Trường Nghiệp vụ thuế. Qua triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao về hiệu quả của việc ứng dụng Microsoft 365 vào giảng dạy và học tập, cụ thể:

Thứ nhất, tiết kiệm chi phí cho xã hội: Chi phí tổ chức lớp (thuê hội trường, đi lại, ăn ở của giảng viên và cán bộ quản lý lớp, các chi phí tổ chức khác); chi phí của học viên (đi lại từ nơi làm việc đến nơi học, chi phí ăn ở nếu học ở xa).

Thứ hai, đáp ứng nhu cầu đào tạo kịp thời: Có thể tổ chức lớp với thành phần học viên ở các địa phương khác nhau, không cần chờ đủ số lượng tại một địa phương, đơn vị. Nói cách khác, có thể giải quyết được nhu cầu học đơn lẻ ở các địa phương, đơn vị trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Thứ ba, hỗ trợ quản lý cán bộ, giảng viên về: Thời gian lên lớp, nội dung lên lớp, theo dõi phương pháp, chất lượng giảng dạy.

Thứ tư, đảm bảo cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua hệ thống kho học liệu cung cấp trong kho dữ liệu điện toán đám mây. Đặc biệt, ứng dụng Microsoft 365 còn đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng trên diện rộng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành theo quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, hệ sinh thái của ứng dụng Microsoft 365 còn cho phép tổ chức kiểm tra đánh giá học tập của học viên ngay trên ứng dụng thông qua đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan, đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng mức độ tiếp thu kiến thức, kỹ năng của người học đối với từng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, từ đó thúc đẩy quá trình tự giác học tập của người học.

Thứ sáu, Microsoft 365 là hệ sinh thái đa dạng và tiến bộ hàng đầu hiện nay với nhiều tính năng vượt trội. Ngoài các chức năng nghe, nhìn, theo dõi bài giảng, đối thoại trực tuyến, tương tác cả âm thanh, hình ảnh giữa giảng viên với học viên, phần mềm trực tuyến Microsoft 365 còn giúp học viên truy cập, khai thác tài liệu, nhận bài tập, câu hỏi, trả bài, nộp bài trong khi học và cả khi buổi học đã kết thúc. Học viên có thể xem, nghe lại tất cả các bài giảng của khóa học nếu muốn vì các buổi giảng đã được ghi hình và lưu trữ bằng điện toán đám mây cho phép người có tài khoản truy cập. Bên cạnh đó, một việc tưởng như khó khăn là làm việc nhóm cũng có thể thực hiện được qua phương thức đào tạo này. Phương thức này có thể cho phép sử dụng hầu như tất cả những phương tiện và kỹ thuật dạy học truyền thống.

Thuận lợi và khó khăn trong triển khai đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến tại Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính còn gặp một số khó khăn, thách thức, cụ thể:

Các yếu tố thuận lợi                

- Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Tài chính, đặc biệt việc ứng dụng tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc ban hành các Quyết định số 418/QĐ-BTC và Quyết định số 419/QĐ-BTC ngày 26/3/2020. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà trường triển khai thực hiện.

Sau 4 tháng (từ ngày 6/4/2020 đến 30/7/2020) triển khai đề án thí điểm, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tổ chức 32 lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, với hơn 1.500 học viên, chủ yếu tập trung ở các lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chiếm khoảng 50%.

- Trường đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất cho đào tạo trực tuyến. Về hạ tầng và nền tảng trực tuyến, trường đã trang bị các phòng học trực tuyến với các thiết bị hiện đại như đường truyền internet cáp quang, thiết bị phát wifi, Camera và máy quay độ phân giải cao; Bảng tương tác thông minh màn hình cảm ứng, tích hợp hệ điều hành windows, các thiết bị tai nghe, mic không dây...

- Kỹ năng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng và khai thác máy tính cá nhân của đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng tốt. Đội ngũ viên chức quản lý của Nhà trường là những người có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình và năng động trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Những tồn tại, khó khăn

- Tâm thế học trực tuyến từ phía học viên chưa sẵn sàng thích ứng với việc dạy và học trực tuyến từ phía học viên, một số đơn vị, học viên chưa sẵn sàng, vì vừa chưa quen, vừa quan ngại tính hiệu quả. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đào tạo, bồi dưỡng.

- Hệ thống bài giảng, học liệu điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng của học viên. Bên cạnh đó, hàng loạt kỹ năng cơ bản trong học trực tuyến như: kỹ năng tập trung trong môi trường số; kỹ năng thu nhập – xử lý – lưu trữ thông tin; kỹ năng làm việc nhóm online; kỹ năng giao tiếp/tương tác trong không gian số… chưa được học viên nắm bắt để tạo hiệu quả trong việc học.

- Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của người học: Hệ thống máy vi tính còn thiếu; đường truyền mạng, tốc độ truy cập còn chậm; khả năng tiếp cận với internet của đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

- Đối với các chuyên đề kỹ năng trong các chương trình bồi dưỡng, nếu áp dụng hình thức bồi dưỡng trực tuyến có thể hiệu quả không cao, do không có điều kiện tương tác trực tiếp với giảng viên.

Đề xuất một số giải pháp

Nhằm góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng công đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tiện dụng như: E-learning, đào tạo từ xa, trực tuyến ở nhiều cấp độ khác nhau trên không gian mạng. Để phát triển tối đa khả năng tự học của học viên, thì quá trình hướng dẫn tự học phải thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá của giảng viên và cán bộ quản lý lớp. Nội dung thảo luận thực hành được giao cho học viên phải đảm bảo tính vừa sức, không mang tính hình thức, bài giảng có thể mang tính chất “học mà chơi, chơi mà học” giữa giảng viên và học viên, nhưng bao hàm kiến thức và kỹ năng cao.

Hai là, đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Vấn đề xây dựng kịch bản dạy học, lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp cho từng nội dung chuyên đề giảng dạy trực tuyến có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng bồi dưỡng. Do đó, cần quan tâm lựa chọn các giảng viên đã được tập huấn kỹ lưỡng, có khả năng tự nghiên cứu để xây dựng bài giảng điện tử, tích cực đổi mới phương pháp giảng để người học muốn được tham gia các khóa học nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng mới.

Ba là, tập trung xây dựng kho học liệu trực tuyến (khóa học, bài giảng, đề kiểm tra, tài liệu) và cung cấp trên không gian mạng inernet (cổng thông tin, trang web, hệ thống chia sẻ học liệu…) nhằm cung cấp kiến thức bổ trợ thường xuyên cho giảng viên và học viên.

Bốn là, đẩy mạnh đánh giá học tập của học viên ngay trên ứng dụng thông qua đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan; Tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan với quy mô đủ lớn và đề thi phải có tính phân loại học viên với các câu hỏi từ dễ đến khó. Cán bộ quản lý lớp cần làm tốt công tác quản lý học viên bằng nhiều hình thức điểm danh để đảm bảo học viên tham gia đầy đủ thời gian lên lớp, tránh tình trạng học viên tham gia nhưng không theo dõi bài giảng và tham gia thảo luận.

Năm là, Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền làm thay đổi tâm thế giảng dạy và học tập trực tuyến của công chức, viên chức và người học, để toàn thể công chức, viên chức và người học hiểu được những lợi ích từ bồi dưỡng trực tuyến.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013, phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy”;

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Kỷ yếu Hội thảo khoa học công nghệ “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy;

3. Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

4. Phan Thu Trang (2018), E-Learning tại Việt Nam và một số vấn đề cần quan tâm;

5. Phạm Kim Nam (2017), Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cơ hội của Việt Nam;

6. Phạm Thành (2018), MOOC: Mô hình giáo dục của tương lai;

7. Lê Xuân Phong (2014), Tổng quan về E-Learning.