Tổng cục Hải quan:

Xây dựng kế hoạch sửa đổi nghị định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

PV.

Trong bối cảnh triển khai thực hiện các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Hải quan Việt Nam nói riêng phải hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở pháp lý, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, phù hợp với các thỏa thuận của Hiệp định mà Việt Nam tham gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước đòi hỏi đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xây dựng kế hoạch sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan cho biết, việc thực hiện Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện đã phát sinh nhiều điểm vướng. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hai nghị định trên sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, kế hoạch sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP dựa trên nền tảng hệ thống luật hiện hành để tạo  môi trường pháp lý cụ thể hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát những chính sách không mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp thì tháo gỡ, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các đề nghị doanh nghiệp về cải cách thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu và cắt giảm thủ tục không cần thiết.

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, mục tiêu quan trọng của đợt sửa chính sách lần này là thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; sửa đổi và đơn giản hoá thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu  hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi nghị định cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan; thực hiện cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm các chứng từ, giấy tờ không cần thiế, góp phần minh bạch thời gian thực hiện.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định cũng nhằm phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc; Hợp đồng Đăng cai tổ chức giải đua xe F1 giữa Công ty Formula One World Championship Limited và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội…

Đồng thời, củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Tại Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo sẽ lưu ý đến nội dung sửa đổi, bổ sung quy định quản lý kho ngoại quan, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như, đề xuất các giải pháp, bổ sung quy định không cho phép thực hiện các hoạt động gia công, chế biến, sản xuất, lắp ráp làm thay đổi mã số HS, xuất xứ của hàng hóa trong kho ngoại quan tại Điều 83, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Hay như đề xuất sửa đổi khoản 4, bổ sung khoản 5, 6, 7 Điều 86, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thủ tục tiêu hủy hoặc thanh lý những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng phát sinh trong quá trình lưu kho hoặc lưu giữ tại cửa khẩu xuất; Hướng dẫn việc xử lý và thời hạn xử lý đối với hàng hóa quá thời hạn gửi kho ngoại quan, nhưng chủ hàng hóa hoặc người được chủ hàng hóa ủy quyền không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đề xuất sửa khoản 2 Điều 88, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định cụ thể thời hạn hàng hóa được lưu giữ tại cửa khẩu xuất sau khi đã đưa ra khỏi kho ngoại quan và cơ chế quản lý trong trường hợp không xuất được. Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào nội địa hoặc các khu phi thuế quan, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền phải làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan...