Từ nay đến cuối năm, còn phải giải ngân hơn 50% vốn đầu tư công nguồn nước ngoài


Tiếp theo các hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thời gian qua, sáng ngày 7/12/2020, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức hội nghị với các bộ, ngành đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2020 và các biện pháp tăng cường giải ngân cuối năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính; đại diện các bộ, ngành được giao dự toán vốn nước ngoài năm 2020; các nhà tài trợ gồm: đại diện nhóm 6 ngân hàng phát triển, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan phát triển Pháp và Keximbank.

Còn phải giải ngân hơn 50% dự toán

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều hội nghị giao ban để đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Qua các hội nghị cũng đã làm rõ khó khăn, vướng mắc đồng thời cũng đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân ngồn vốn đầu tư quan trọng này.

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng trong Bộ Tài chính, tháng 11/2020 tình hình giải ngân có khả quan hơn. 11 tháng, số kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước đạt 46,2%/tổng dự toán đã được điều chỉnh lại; số liệu giải ngân đạt 44,63% so với kế hoạch được điều chỉnh. Như vậy, trong tháng 12/2020, nhiệm vụ còn phải giải ngân hơn 50% dự toán được giao.

Theo Thứ trưởng, tháng 12/2020 cũng là tháng tập trung cao điểm trong hoàn thành thủ tục về thanh toán. Trong đó, có việc lập hồ sơ xác định khối lượng cơ bản hoàn thành, chuyển hồ sơ sang Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi, thực hiện thủ tục gải ngân rút vốn với các nhà tài trợ, khoá sổ quyết toán ngân sách nhà nước…

Do đó, Thứ trưởng đề nghị Hội nghị trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng để đạt mục tiêu cao nhất Chính phủ đề ra về giải ngân vốn đầu tư công nói chung cũng như nguồn vốn vay nước ngoài. Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tạo đà cho năm 2021.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài như: không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân; dự án đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay nên không đủ cơ sở để giải ngân; chậm có ý kiến phản hồi từ nhà tài trợ; chậm làm thủ tục ghi thu ghi chi với Kho bạc Nhà nước; vấn đề hoàn lại hồ sơ chứng từ của tài khoản tạm ứng chậm; năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn hạn chế...

Thực hiện thủ tục giải ngân vốn đầu tư công chỉ 01 ngày

Để đạt mục tiêu cao nhất về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành nếu phải điều chỉnh kế hoạch vốn trong phạm vi của Bộ có thể báo cáo Bộ trưởng điều chỉnh ngay; trường hợp phải điều chỉnh tổng mức thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Những chương trình, dự án kết thúc thời gian thực hiện giải ngân năm 2020 cần làm thủ tục điều chỉnh dự án và thời gian rút vốn phải khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền sớm để từ đó có cơ sở trao đổi với nhà tài trợ. Đồng thời, tập trung xử lý vấn đề thanh tra kiểm tra, khiếu nại tố cáo chặt chẽ, nhất là liên quan đến kiếu kiện tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án...

Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo ban quản lý dự án có khối lượng và hồ sơ thanh toán, gửi Kho bạc thực hiện kiểm soát chi, gửi Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và nhà tài trợ để tiến hành giải ngân. "Bộ Tài chính đã chỉ đạo thời gian thực hiện thủ tục giải ngân vốn đầu tư công ở kho bạc và Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chỉ 01 ngày."- Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định.

Về phía các nhà tài trợ, Thứ trưởng đề nghị các nhà tài trợ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành của Việt Nam trong cả vấn đề chung, cơ chế chính sách cùng như tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trong đó, Thứ trưởng mong muốn nhà tài trợ kết hợp với ban quản lý dự án và cơ quan chủ quản giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện, đặc biệt là trong khâu phân chia gói thầu, tổ chức đầu thầu, xác nhận khối lượng thực hiện, quyết toán…

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ về giải ngân, khi có hồ sơ của các dự án gửi về Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính sẽ trao đổi thông tin với nhà tài trợ và phối hợp giải quyết kịp thời.