Chuẩn mực đạo đức - nghề nghiệp của người làm báo

LH

(Tài chính) Đó là tham luận của Tạp chí Tài chính tại Hội thảo "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với chủ đề "Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong ngành Tài chính". Hội nghị đánh giá đây là một tham luận chuyên biệt, chắt lọc được tư tưởng của nhà báo lỗi lạc Hồ Chí Minh vào lĩnh vực ngành nghề đặc thù - báo chí chuyên ngành Tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Đất nước đang vươn mình lớn dậy, nền kinh tế - xã hội đang hội nhập ngày càng sâu - rộng về mọi mặt với thế giới. Để theo kịp xu thế thời đại và xu hướng phát triển đó, Tạp chí Tài chính (TCTC) cũng không ngừng đổi mới, thay da đổi thịt, vượt ra khỏi khuôn khổ nhỏ hẹp (tạp chí chuyên ngành) để ngày càng lớn mạnh.

Hiện TCTC chỉ có 17 cán bộ viên chức (CBVC), trong đó, có 8 phóng viên, biên tập viên (PV-BTV) bao gồm cả Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập là cán bộ chủ chốt, đảm trách nhiệm vụ xuất bản 3 ấn phẩm thường kỳ (Tạp chí Tài chính, Tài chính đầu tư và FinancePlus.vn) với hai loại hình báo chí (báo in và báo mạng). Ngoài ra, TCTC còn phối hợp với các đơn vị trong Bộ xuất bản rất nhiều các ấn phẩm khác. Trên cơ sở nhiệm vụ như vậy, Toà soạn phải xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả đội ngũ PV-BTV, cũng như nắm vững khả năng, sở trường của mỗi người để khuyến khích các PV-BTV phát huy sáng kiến, năng động, sáng tạo trong tác nghiệp.

Cán bộ PV-BTV của TCTC thường xuyên được giáo dục, bồi dưỡng về tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác báo chí và nhận thức rõ vấn đề đặt ra cho các nhà báo trong thời kỳ mới. TCTC đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt về chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh", qua đó, anh chị em PV-BTV có những bài tham luận và đóng góp ý kiến rất sâu sắc và sinh động trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Bài tham luận này đề cập tới hai (2) vấn đề mà cán bộ, PV-BTV của TCTC lĩnh hội, hiểu sâu sắc và luôn thực hiện theo, xuất phát từ học tập tấm gương của một nhà báo lỗi lạc, đó là Bác Hồ. Bác luôn dạy người làm báo cách mạng phải không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệpđạo đức cách mạng - đạo đức của người làm báo trong thực thi nhiệm vụ.

Vấn đề đầu tiên: Luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp

Thứ nhất: Nhà báo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải nhận thức được đúng vai trò của mình, đó là:

- Góp phần giữ gìn, ổn định xã hội.

- Hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội.  

- Phát hiện và phản ánh những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, những tâm tư nguyện vọng của người dân tới các cấp Lãnh đạo. Đưa ra các giải pháp, các gợi ý giúp lãnh đạo giải quyết kịp thời các vấn đề đó.

Muốn vậy, người làm báo phải nắm vững một nguyên tắc, đó là mọi hoạt động của báo chí đều phải phục vụ cho sự nghiệp của Đảng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chất lượng thông tin phải gắn liền với chất lượng chính trị - tư tưởng, gắn  với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Với TCTC, nguyên tắc đó là phải thực hiện được đúng định hướng tuyên truyền của Bộ và ngành Tài chính, phải góp phần làm cho người dân hiểu đúng những chính sách về thuế, phí, về điều tiết thu chi ngân sách nhà nước, về tài chính, tài sản…liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội, những quyết sách trước mắt và lâu dài của Lãnh đạo Bộ Tài chính đều nhằm mục đích xây dựng xã hội công bằng, ổn định, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện được các nhiệm vụ bảo đảm tài chính cho an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc.

Bác Hồ nói: “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

TCTC là đơn vị tuyên truyền cho công tác điều hành chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, nên lấy việc thực hiện sát sao các định hướng, yêu cầu của lãnh đạo Bộ trong từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể là phương châm hành động. TCTC tập hợp được tiếng nói của các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, tài chính, thông qua công cụ tuyên truyền của mình, giải thích, phân tích, lắng nghe và tìm cách tháo gỡ những khúc mắc trong quá trình điều hành kinh tế tài chính một cách khoa học nhất, dễ hiểu nhất tới bạn đọc.

TCTC chú trọng xây dựng các chuyên mục, các chủ đề phản ánh tình hình thời sự kinh tế xã hội đang diễn ra, trong đó có các bài tổng hợp số liệu, phản ánh thực tế, bài phân tích chuyên sâu, bài về kinh nghiệm các nước… nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng thể, khách quan. Đặc  biệt, không bỏ qua những vấn đề nhạy cảm (như điều hành giá, lương, thuế, phí, thu-chi NSNN…), không né tránh vấn đề khó mà tìm cách chuyển tải thông tin sao cho bạn đọc hiểu, đồng cảm và ủng hộ các điều hành, các cơ chế chính sách mà Bộ và Ngành Tài chính đưa ra.

Thứ hai: Người làm báo phải bảo đảm tính nhân dân, phổ thông, đại chúng trong các ấn phẩm tuyên truyền của mình.

Bác Hồ dạy:

- Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như cách giảng sách;

- Phải luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu;

- Khi viết, khi nói, phải luôn tự hỏi: “ta viết cho ai xem, nói cho ai nghe?”;

- Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;

- Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận.   

Từ lãnh đạo tới PV-BTV của TCTC đều nhận thức sâu sắc điều này. Quy trình xuất bản của TCTC rất chặt chẽ, từ khâu đặt bài, viết bài, biên tập đến in ấn, đảm bảo bài viết có tính thời sự và hàm lượng khoa học cao (không chỉ là những vấn đề xào nấu lại, không phải là thông tin cũ, cóp nhặt… mà không được phân tích, đánh giá kỹ càng). Các vấn đề TCTC đăng tải bao giờ cũng có độ tin cậy cao, có tính chuyên sâu, có văn phong sáng sủa, hình thức sinh động và hấp dẫn.

TCTC đã xây dựng các quy định để tác nghiệp như: "Quy trình xuất bản", "Quy định về viết hoa viết tắt", "Quy trình đăng tải bài trên trang báo FinancePlus.vn", "Quy trình phối hợp công tác giữa các phòng ban"… để anh chị em thực hiện. Những quy định đó đã góp phần đắc lực giúp các PV-BTV làm việc bài bản, khoa học hơn, việc xuất bản các ấn phẩm TCTC (cả báo in và báo mạng) đều được kiểm duyệt kỹ càng. Mỗi số ấn phẩm phát hành đều được xây dựng nội dung chặt chẽ, mỗi bài chuẩn bị đăng đều được lãnh đạo và PV-BTV đọc soát kỹ cả về nội dung và hình thức để đảm bảo khi ấn phẩm đến tay bạn đọc đó phải là một sản phẩm hoàn chỉnh. TCTC phấn đấu để các ấn phẩm của đơn vị ngày càng có chất lượng cao hơn, hay hơn, đẹp hơn; phản ánh trúng hơn, thiết thực hơn những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước; được Lãnh đạo bộ đánh giá cao và bạn đọc tín nhiệm.

Thứ ba: Người làm báo phải bảo đảm tính chân thực của tác phẩm.

Bác luôn nhắc nhở:

- “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật, không được bịa ra”.

- “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại".

Ấn phẩm của TCTC luôn định hướng phải phản ánh trung thực đời sống xã hội. Ấn phẩm dành các trang cho những bài phóng sự điều tra, nội dung bài luôn nêu ra những vấn đề còn bất cập, yếu kém trong khâu quản lý, điều hành và thực hiện công tác tài chính ở các cấp, các ngành và các đơn vị, từ đó đề xuất hướng khắc phục.

Trong các buổi giao ban định kỳ hàng tuần, hàng tháng, cán bộ PV-BTV của TCTC luôn tự kiểm điểm, đánh giá lại những sản phẩm mình đã làm để tránh xa những khuyết điểm như: thông tin không chính xác, thiếu cân nhắc lợi hại; đưa quá nhiều mặt yếu kém hạn chế, bất cập hay tô hồng quá mức. TCTC không đăng thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều. Luôn định hướng báo chí phải cổ súy cho cái đẹp trong cuộc sống, đưa ra những tấm gương người tốt, việc tốt, nhằm làm cho lớp trẻ tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp đang hiện hữu rất nhiều trong xã hội.

TCTC xây dựng hẳn chuyên mục "Ngành Tài chính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên trang FinancePlus.vn, trong đó, đưa rất nhiều tấm gương của tập thể và cá nhân cán bộ trong Ngành đã phát huy truyền thống đạo đức của người làm công tác tài chính: Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công - Vô tư, góp phần to lớn vào thành  quả của Ngành trong xây dựng và bảo về Tổ quốc, là tấm gương để mỗi chúng ta noi theo.

Dù tình hình kinh tế còn khó khăn, nhưng TCTC không bị thương mại hóa, không chạy theo vật chất, không đăng bài có tính chất lá cải, thị trường nhằm mục đích câu khách hay thu hút nguồn thu. TCTC được đánh giá là một tạp chí nghiêm túc, giữ vững tôn chỉ mục đích của một cơ quan báo chí cách mạng.

Thứ tư:  Người làm báo phải bảo đảm tính đa dạng của báo chí: phải phản ánh cuộc sống một cách toàn diện, sống động, nhiều chiều.

Bác nói: “...cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi”.

Người còn chỉ rõ: “...mỗi tờ báo... nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng khô khan, làm cho người xem dễ chán”.

TCTC hiểu rõ điều đó nên luôn tìm cách cải tiến, đổi mới phương thức truyền tải cả về nội dung và hình thức, chú ý đến từng điều nhỏ nhặt như dấu chấm, dấu phẩy, đến những điều lớn hơn để bài viết không đơn điệu, như có thể dùng hình ảnh (phóng sự) đến số liệu bảng biểu; có thể là bài phỏng vấn hay bài tổng hợp phân tích, bình luận của chuyên gia trong và ngoài ngành, là tiếng nói của các doanh nhân… Luôn nghiên cứu để chuyển tải các chuyên mục, đưa thêm các vấn đề mà bạn đọc yêu cầu… TCTC không ngừng tìm tòi, xây dựng cho mình một lối đi riêng, định hình phong thái riêng cho mình trong làng tạp chí chuyên ngành. Không bao giờ bằng lòng với mình, cả lãnh đạo và PV-BTV của đơn vị đều hiểu rằng, nếu dừng lại, ngủ quên trên thành tích đạt được, chậm đổi mới, làm mới mình… là tự thủ tiêu mình. TCTC phải không ngừng phấn đấu để được bạn đọc đánh giá là một tờ tạp chí chuyên ngành đẹp và có chất lượng.

Vấn đề thứ hai: Luôn trau dồi đạo đức của người làm báo

Để đạt được kết quả như ngày nay, trước hết, TCTC phải xây dựng cho mình một đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng. Anh chị em PV-BTV đều được dìu dắt để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

PV-BTV của TCTC luôn ghi nhớ một trong các điều Bác Hồ khuyên những người làm báo là: "Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ". Lãnh đạo TCTC luôn quan tâm cử đội ngũ PV-BTV tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn, đồng thời, bản thân các PV-BTV cũng không ngừng rèn luyện, mài giũa ngòi bút, tự trau dồi và nâng cao trình độ. PV-BTV của TCTC luôn được cử đi học các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, tìm hiểu Đảng, bồi dưỡng cảm tình Đảng và bồi dưỡng Đảng viên mới… Đơn vị luôn coi trọng công tác quản lý cán bộ, đảng viên; giáo dục PV-BTV xây dựng cho mình tác phong, đạo đức, lối sống tốt đẹp, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Đặc biệt, lãnh đạo TCTC luôn làm gương cho cán bộ về đạo đức của  người làm báo chí cách mạng.

TCTC đã xây dựng "Chuẩn mực đạo đức tác phong của CBVC trong đơn vị", đặc biệt đối với cán bộ là PV-BTV, để anh chị em làm theo, để tự sửa mình ngày càng tốt hơn. Trong các năm qua, PV-BTV của TCTC không vi phạm bất kỳ một vụ việc gì, dù là nhỏ, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị và của Bộ.

Sống thẳng thắn, chân thành, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp, cùng chung sức xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh; Năng động, phát huy sáng kiến để không ngừng đổi mới ấn phẩm tuyên truyền, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ do Bộ giao - Đó là phương châm sống và làm việc của cán bộ, PV-BTV Tạp chí Tài chính.

Tóm lại, đội ngũ cán bộ công tác tại TCTC được đào tạo cơ bản cả về nghiệp vụ báo chí và chuyên ngành kinh tế tài chính, có kiến thức xã hội tổng hợp, phù hợp với vị trí công tác được đảm nhận, làm việc có tính chuyên nghiệp cao và có sự nhạy cảm chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức của người làm báo, có năng lực, yêu nghề, đáp ứng yêu cầu của toà soạn. Là đội ngũ người làm báo có tâm, có tầm, đảm đương được nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp vào đội ngũ những nhà báo cách mạng chân chính - "vừa hồng vừa chuyên" như lời Bác Hồ dạy.

(Bài viết tham khảo các tài liệu viết về Bác Hồ với công tác báo chí các mạng).