Cục Công nghệ Thông tin: Nhân tố quan trọng trong hiện đại hóa và cải cách hành chính thuế

Bài đăng trên sách ''Gương sáng, việc hay ngành Tài chính''

Năm 2014 và đầu năm 2015, lĩnh vực Thuế đã tạo điểm nhấn lớn trong cải cách thủ tục hành chính thuế khi lần lượt cắt giảm gần 300 giờ làm thủ tục thuế cho doanh nghiệp mỗi năm, tiết kiệm chi phí đáng kể về thời gian và tiền bạc cho người nộp thuế. Đây là thành quả chung của toàn Ngành nhưng có một lĩnh vực quan trọng, đóng góp thầm lặng vào thành công trên, đó là lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hội thảo tọa đàm phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Hội thảo tọa đàm phổ biến và hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ tin học vào công tác quản lý thuế, nhanh chóng thực hiện hiện đại hóa công tác Thuế trong thời kỳ đầu đổi mới, đầu năm 1991, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính chủ trương, đưa công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý thuế và Quyết định số 56 TCT/QĐ/TCCB ngày 13/5/1991 thành lập Tổ tin học của Tổng cục Thuế là bước đi đầu tiên của công nghệ thông tin trong hệ thống Thuế.

Trải qua hành trình hơn 20 năm xây dựng và phát triển, công nghệ thông tin ngành Thuế, Tổ tin học đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra, đưa những ứng dụng đầu tiên vào công tác quản lý thuế. Vượt qua những khó khăn ban đầu, với những kết quả thu được, Tổng cục Thuế quyết tâm đưa công tác tin học vào quản lý sâu rộng hơn. Đồng thời, để tăng cường nguồn lực thực hiện triển khai đề án tin học đầu tiên, ngày 21/12/1992, Tổng cục Thuế đã nâng cấp Tổ tin học thành Phòng Máy tính theo Quyết định số 80/QĐ/TCCB của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Đây cũng là tiền đề để quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Thuế có những bước tiến dài, từ Tổ tin học đến Phòng Máy tính và ngày nay là Cục Công nghệ thông tin (thành lập theo Quyết định số 114/QĐ-BTC ngày 15/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) chịu trách nhiệm quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin kết nối Tổng cục Thuế với 63 Cục Thuế địa phương và các đơn vị có liên quan như tài chính, kho bạc, hải quan, ngân hàng... Công nghệ thông tin ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu được trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế.

Giúp hệ thống Thuế hoạch định chiến lược phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin

Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu về định hướng, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Thuế các giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015, nhằm triển khai thực hiện Chiến lược cải cách và hiện đại hóa công tác Thuế theo từng giai đoạn. Kế tục kết quả phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của giai đoạn trước, Cục Công nghệ thông tin cũng đang bắt đầu triển khai xây dựng Chiến lược công nghệ thông tin ngành Thuế giai đoạn 2016-2020. Các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế tập trung đáp ứng gồm: Tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế và các luật thuế mới; triển khai trong toàn ngành cơ chế quản lý mới “người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế”; chuyển đổi cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý theo mô hình chức năng; cải cách thủ tục hành chính thuế, thực hiện cơ chế “một cửa” trong toàn hệ thống thuế...

Cục công nghệ thông tin đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục hoạch định chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế và trực tiếp tổ chức triển khai thành công nhiều dự án công nghệ thông tin lớn về quản lý thuế và cung cấp dịch vụ tiện ích về thuế cho người nộp thuế. Kết quả đạt được đã góp phần quyết định đến việc chuyển đổi phương thức quản lý thuế từ phương pháp thủ công sang phương thức chuyên nghiệp, hiện đại và tiến tới phù hợp với thông lệ quản lý thuế quốc tế. Đến nay, ngành Thuế đã phát triển được một hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng được hầu hết các khâu quản lý thuế, góp phần tích cực vào việc nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người nộp thuế thông qua các dự án kê khai thuế điện tử, nộp thuế qua internet.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế

Thứ nhất, triển khai thành công Hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân: Năm 2009, ngành Thuế bắt đầu xây dựng Hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân sử dụng giải pháp có sẵn của SAP (hãng phần mềm của Đức đã được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới). Hệ thống này có quy mô lớn, triển khai cho 63 Cục Thuế và hơn 700 chi cục thuế, quản lý hơn 20 triệu người nộp thuế. Hệ thống Quản lý thuế thu nhập cá nhân hỗ trợ tối đa các chức năng cơ bản trong quản lý thuế thu nhập cá nhân từ đăng ký thuế, xử lý tờ khai, xử lý chứng từ, kế toán thuế, quản lý nợ thuế, kiểm soát thu nhập của cá nhân trên phạm vi toàn quốc và có khả năng xử lý khối lượng thông tin lớn. Bên cạnh đó, dự án đã đề xuất cải tiến quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế để hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân đã đánh dấu bước thành công lớn trong hoạt động quản lý thuế gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuế.

Thứ hai, triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung tích hợp: Hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (viết tắt là TMS – Tax Managment System) được Tổng cục Thuế xây dựng theo giải pháp SAP, trên cơ sở mở rộng Hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân để quản lý các loại thuế còn lại (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt...). Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang vận hành và triển khai phân tán tại 3 cấp (Tổng cục, cục và chi cục), đáp ứng toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ: Đăng ký thuế, quản lý hồ sơ thuế, quản lý và xử lý kê khai/quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa; quản lý nợ; sổ sách; báo cáo phân tích, đánh giá và có khả năng kết nối với các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện các thủ tục về thuế.

Để có sự đánh giá toàn diện về hệ thống quản lý thuế tập trung tích hợp, năm 2014 phái đoàn của Ngân hàng Thế giới đã khảo sát và đánh giá hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân và hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung tại Cục Thuế TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Phái đoàn của Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá cao về hệ thống phần mềm và hạ tầng kỹ thuật của hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung và gửi thư khuyến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai như kế hoạch đã đề ra và nhận xét đây là kế hoạch có tính khả thi cao và đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá công tác quản lý thuế.

Theo kế hoạch, đến hết tháng 9/2015, Cục Công nghệ thông tin sẽ hoàn thành triển khai Hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung trong toàn hệ thống Thuế. Thời gian tới, việc ứng dụng Quản lý thuế tập trung sẽ được tiếp tục mở rộng để tích hợp các cấu phần mới như thanh tra, kiểm tra, kho cơ sở dữ liệu, phân tích đánh giá rủi ro.

Thứ ba, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế khai thuế, nộp thuế và sử dụng hoá đơn: Đối với công tác triển khai mở rộng kê khai thuế qua mạng; từ nhiều năm nay, cơ quan Thuế đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp trên toàn quốc. Hệ thống đã hỗ trợ kê khai hầu hết các tờ khai phát sinh, tờ khai bổ sung, tờ khai quyết toán tất cả các sắc thuế, khai báo cáo tài chính, báo cáo hoá đơn, ấn chỉ theo quy định của doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 483.466 doanh nghiệp kê khai qua mạng, đạt 95%.

Triển khai dịch vụ khai thuế qua mạng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp, cơ quan thuế và toàn xã hội. người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng đã tiết kiệm thời gian chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm sai sót trong kê khai, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chính nội bộ các doanh nghiệp. Đồng thời, khai thuế qua mạng cũng hỗ trợ cho cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế tốt hơn như: Giảm nhân lực và thời gian tiếp nhận tờ khai; việc xử lý tờ khai thuế nhanh chóng, chính xác; giảm chi phí, nhân lực nhập liệu, lưu trữ, tra cứu tờ khai.

Về triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử; hệ thống nộp thuế điện tử của cơ quan Thuế hiện tại được triển khai theo mô hình xử lý tập trung tại Tổng cục Thuế. Người nộp thuế sử dụng cổng cung cấp dịch vụ của cơ quan Thuế, lập giấy nộp tiền, sau đó ký xác nhận thông tin số tiền cần nộp trên giấy nộp tiền gửi ngân hàng đã đăng ký để chuyển tài khoản nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quy trình, quy định được hướng dẫn. Theo đó, Tổng Cục Thuế đã triển khai hệ thống dịch vụ nộp thuế điện tử cho 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia dịch vụ trên 7.800 doanh nghiệp. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước qua cổng thông tin dịch vụ nộp thuế điện tử của cơ quan Thuế trên 2.336 tỷ đồng.

Việc phối hợp giữa cơ quan thuế với ngân hàng đã giúp người nộp thuế có thể thực hiện nộp thuế mọi lúc, mọi nơi (24/7), theo dõi được tình hình nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản và được sử dụng các dịch vụ gia tăng ưu đãi khác của ngân hàng. Cơ quan thuế nắm bắt được kịp thời, chính xác thông tin về người nộp thuế, giảm thiểu việc điều chỉnh sai sót. Quá trình nộp thuế tự động, ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tiết kiệm được nguồn lực thực hiện thu ngân sách nhà nước tại quầy.

Về xây dựng hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn, với mục tiêu nâng cao hơn việc quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp đồng thời cũng tăng cường thủ tục cải cách hành chính của cơ quan Thuế, Tổng cục Thuế đã tiến hành triển khai dự án “Xây dựng hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn” từ tháng 10/2013. Hệ thống này sẽ cung cấp một loại hình hóa đơn mới cho doanh nghiệp được gọi là hóa đơn điện tử. Người bán sẽ lập hóa đơn trên hệ thống của cơ quan Thuế và ký điện tử lên hóa đơn đó. Đồng thời, hệ thống sẽ gắn lên hóa đơn điện tử một chuỗi số duy nhất, để đảm bảo hóa đơn này không thể bị giả mạo. Sau đó hóa đơn sẽ được người bán gửi cho người mua dưới dạng điện tử.

Với sự ra đời của Hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn, doanh nghiệp sẽ không còn phải lo sợ vấn đề giả hóa đơn khi hóa đơn của họ giờ đây đã được bảo vệ bởi ba mức. Mức 1 là tên và mật khẩu để truy cập hệ thống lập hóa đơn đặt tại cơ quan Thuế. Mức 2 là chữ ký số của đơn vị lập hóa đơn. Mức 3 là chuỗi số xác thực duy nhất do cơ quan Thuế gắn trên hóa đơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho việc in, phát hành, lưu trữ và vận chuyển hóa đơn vì toàn bộ hóa đơn của doanh nghiệp đã được lưu dưới dạng điện tử và đặt tại cơ quan Thuế.

Về mặt phương diện quản lý nhà nước, cơ quan Thuế không những dễ dàng hơn trong việc quản lý phát hành, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp mà còn nắm ngay được doanh thu và số thuế phải nộp hàng ngày của doanh nghiệp vì toàn bộ hoạt động xuất hóa đơn đều phải qua hệ thống quản lý của cơ quan thuế.

Thứ tư, phối hợp với các ngân hàng để mở rộng điểm thu ngân sách nhà nước và triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử: Từ năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng Cục Thuế triển khai kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế với các ngân hàng để mở rộng điểm thu ngân sách nhà nước, mà cốt lõi là phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện được việc kết nối. Qua gần 3 năm triển khai, đến nay, ngành Thuế đã ký kết và trao đổi thông tin với 13 ngân hàng thương mại gồm: BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank, VIB Bank, Maritimebank, VP Bank, LienvietPost Bank, Ocean Bank, MHB, VIP Bank, PG Bank, An Bình Bank, HD Bank. Thông qua việc trao đổi thông tin với ngân hàng, số điểm thu ngân sách nhà nước đã lên tăng lên đáng kể. Đồng thời, việc nộp ngân sách nhà nước qua ngân hàng cũng đã mở ra rất nhiều hình thức như thu tại quầy, thu qua ATM, thu qua internet Banking.

Thứ năm, công khai thông tin cho người nộp thuế: Để hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan Thuế tiếp tục triển khai đăng tải các chuyên mục công khai thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên Trang thông tin điện tử ngành Thuế. Các thông tin được đăng công khai bao gồm thông tin hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; quyết định cưỡng chế và thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hoá đơn do cơ quan thuế phát hành; danh sách các doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài.

Việc công khai thông tin cho người nộp thuế đã góp phần tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam: Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới.

Thứ sáu, triển khai hệ thống trao đổi thông tin về chứng từ thu ngân sách nhà nước giữa cơ quan Thuế - Kho bạc – Hải quan – Tài chính

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính cần triển khai hiện đại hóa quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước – Hải quan – Tài chính để thực hiện mục tiêu: Xây dựng hệ thống thu thuế trực tiếp tập trung tại Kho bạc Nhà nước; Thực hiện chuyển đổi từ mô hình phân tán lên mô hình tập trung và bổ sung chữ ký điện tử vào hệ thống trao đổi thông tin: Cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước, Hải quan, Tài chính sẽ trao đổi thông tin thu nộp bằng phương thức điện tử, thay thế bảng kê, chứng từ thu bằng giấy bằng bảng kê có chữ ký điện tử.

Từ năm 2001, việc kết nối giữa các cơ quan đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; thông tin nhanh số thu vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; giảm nguồn lực nhập cùng loại thông tin về chứng từ thu tại các đơn vị; tập trung quản lý đối với các khoản thu vào ngân sách nhà nước và các khoản tạm thu qua Kho bạc Nhà nước, khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin thu nộp; đáp ứng xu hướng hiện đại hóa công tác tài chính quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Với hơn 2.000 điểm thu ngân sách, qua thống kê sơ bộ, các ngân hàng đã thu được trên 500.000 tỷ đồng với gần 4 triệu lượt người nộp thuế đến thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.

Song song với những lợi ích mang lại cho người nộp thuế, việc triển khai hiện đại hóa thu nộp ngân sách nhà nước còn khắc phục được tình trạng không thống nhất giữa cơ quan Kho bạc và cơ quan thu về thông tin số thu ngân sách, tránh được tình trạng kiện cáo của người nộp thuế về việc sai thông tin trên chứng từ. Cùng với việc triển khai phối hợp thu với ngân hàng, Kho bạc giảm bớt được đáng kể áp lực về biên chế, kinh phí hoạt động cho hệ thống khi không phải tổ chức các điểm thu ngoài trụ sở, thu phạt ngoài giờ hành chính.

Công nghệ thông tin nâng cao năng lực điều hành hoạt động của cơ quan Thuế

Thứ nhất, triển khai hạ tầng truyền thông thống nhất: Từ năm 2001, Tổng cục Thuế thực hiện các kết nối thông qua hệ thống dial - up từ Tổng cục đến các Cục Thuế. Việc truyền nhận dữ liệu mất khá nhiều thời gian, mặc dù Tổng cục Thuế trang bị tới 10 đầu số điện thoại dùng cho việc truyền nhận dữ liệu. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng truyền thông cho toàn ngành Tài chính, bằng việc triển khai đường truyền trực tuyến (leased line) cho các tỉnh, thành phố lớn trên nền tảng kết nối thông qua hạ tầng chung và hoàn thành triển khai đến cấp huyện vào năm 2010. Để đáp ứng yêu cầu sử dụng đường truyền tăng cao, ngành Tài chính đã tiếp tục bổ sung 1 đường truyền leased line để tăng tính sẵn sàng, nâng cấp băng thông kênh truyền đáp ứng việc phát triển chung của Ngành. Các kênh đường truyền được chuyển đổi toàn bộ qua sử dụng bằng cáp quang đáp ứng yêu cầu băng thông và độ trễ của các ứng dụng quản lý tập trung.

Với việc triển khai thống nhất hệ thống thông tin ngành Tài chính là bước đi quan trọng trong việc hình thành mạng kết nối, trao đổi thông tin thông suốt trong toàn ngành Tài chính. Đây là yếu tố quyết định cho sự thành công về chiến lược tập trung hóa các ứng dụng và hệ thống quản lý thuế từ cấp địa phương về cấp Trung ương mà thực tế đã được chứng minh bằng việc triển khai thành công Hệ thống quản lý thuế tập trung, hệ thống thu thuế điện tử của ngành tài chính, hệ thống kê khai thuế qua mạng trong giai đoạn 2011- 2015.

Thứ hai, triển khai hạ tầng hệ thống an toàn bảo mật cơ quan Thuế: Xuất phát từ yêu cầu cấp bách nhằm tăng cường công tác an toàn an ninh thông tin, Tổng cục Thuế đã chủ động tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và triển khai thực hiện nhiều dự án về an toàn bảo mật để nâng cao năng lực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống. Từ năm 2009, Cục Công nghệ thông tin đã nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể cho hệ thống mạng, an toàn bảo mật của Ngành, thực hiện đầu tư, triển khai các giải pháp tường lửa nhiều lớp tại hệ thống Core cho Tổng cục Thuế, triển khai các giải pháp bảo vệ người dùng, quản trị; nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế về an toàn bảo mật, xây dựng lộ trình nâng cấp bổ sung dần hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Việc triển khai các giải pháp kỹ thuật đồng bộ đã giúp cho Cục Công nghệ thông tin chủ động trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hoạt động tấn công, đánh cắp thông tin dữ liệu trên không gian mạng, đảm bảo an toàn cho hệ thống, bảo vệ các dữ liệu quan trọng.

Thứ ba, triển khai hệ thống quản lý người dùng, hiện đại hóa công tác văn phòng trong toàn hệ thống: Theo chiến lược công nghệ thông tin trong hệ thống Thuế và các xu hướng phát triển chung của công nghệ thông tin thế giới, Cục Công nghệ thông tin đã và đang tiến hành tập trung hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu, đưa tin học vào các công việc và nghiệp vụ hàng ngày nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Việc triển khai tập trung hệ thống quản trị người dùng, thư điện tử và trao đổi thông tin trực tuyến nội bộ đã đưa hệ thống người dùng vào quản lý tập trung, nâng cao bảo mật, đáp ứng tốt công việc của cán bộ thuế và đi đúng xu hướng quản trị chung của các hệ thống lớn toàn thế giới. Bên cạnh đó, việc triển khai thành công giải pháp tập trung hệ thống quản trị người dùng trong cơ quan Thuế đã tạo tiền đề cho việc triển khai tích hợp thống nhất hệ thống quản lý người sử dụng của các dịch vụ hệ thống với hệ thống quản lý người dùng trên các ứng dụng nghiệp vụ quản lý thuế. Hệ thống văn phòng điện tử với việc triển khai rộng phần mềm dùng chung trao đổi thông tin trực tuyến (chat, email), điều hành tác nghiệp và quản lý công văn, văn bản, hồ sơ công việc… trên mạng máy tính. Đến nay, tất cả cơ quan thuế các cấp bảo đảm cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức (có tên miền là gdt.gov.vn) góp phần nâng cao trình độ ứng dụng và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin, tạo tác phong làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Thứ tư, hiện đại hóa công tác quản lý nội bộ: Tổ chức thực hiện tiếp nhận và triển khai các ứng dụng dùng chung của ngành Tài chính về quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý tài sản. Đồng thời, hệ thống Thuế phát triển thêm các ứng dụng phục vụ công tác lưu giữ hồ sơ tài liệu dưới dạng số hóa, đào tạo trực tuyến và quản lý hoá đơn tự in. Hệ thống ứng dụng quản lý nội bộ Ngành hỗ trợ ngành Thuế, quản lý tốt các hoạt động trong tổ chức bộ máy của cơ quan Thuế, đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thu ngân sách nhà nước.