Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm với việc thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam

Thanh Bình

Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời năm 2000, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý kinh doanh bảo hiểm, vai trò, vị trí của cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra ngày càng sâu rộng, từ đó thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.

Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm, giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị thiệt hại ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh nhanh chóng khôi phục sản xuất ( tháng 6/2014).
Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm, giúp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị thiệt hại ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh nhanh chóng khôi phục sản xuất ( tháng 6/2014).

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của lĩnh vực kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập nền kinh tế đất nước, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự chủ động và phát triển ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước (NSNN), ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế và đời sống dân cư, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngày 18/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/CP về kinh doanh bảo hiểm, tạo khuôn khổ pháp lý đầu tiên cho việc hình thành thị trường bảo hiểm Việt Nam, theo đó, đa dạng các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường; mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động kinh doanh bảo hiểm; xác định vị trí và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm và tạo tiền đề cho việc xây dựng và ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Về phương diện quản lý nhà nước, cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm đã được tăng cường. Thời gian đầu là Phòng quản lý bảo hiểm, sau đó thành Vụ Bảo hiểm và tại Nghị định số 188/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (nay là Nghị định số 215/2013/NĐ-CP), Chính phủ đã quyết định nâng cấp thành Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhằm nâng cao vị thế, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của công tác này.

Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời năm 2000, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý kinh doanh bảo hiểm, vai trò, vị trí của cơ quan quản lý nhà nước được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra ngày càng sâu rộng, từ đó thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.

Nếu như trước năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) Nhà nước duy nhất với 22 sản phẩm thì cho đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hình thành tất cả các yếu tố thị trường bảo hiểm, từ bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm đến các hoạt động về tư vấn, đánh giá rủi ro và môi giới cho khách hàng. Hiện tại, đã có 61 DNBH, gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, 17 DNBH nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm với hơn 800 sản phẩm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 ước đạt 55.707 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 11,36%; bảo hiểm nhân thọ tăng 22%. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2014 ước đạt 128.357 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2013. Bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2014 ước khoảng 18.323 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2013.

Thị trường bảo hiểm tiếp tục thể hiện vai trò là “tấm lá chắn” giúp ổn định tài chính, đời sống và sản xuất kinh doanh của người tham gia bảo hiểm trước các nguy cơ, rủi ro bất ngờ, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, thể hiện cụ thể qua những nội dung quan trọng sau:

Góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô

- Góp phần kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế: Trong giai đoạn 2011-2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã huy động trên 85.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, phần lớn thông qua hình thức phí bảo hiểm vào các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm và đầu tư dài hạn.

- Góp phần thực hiện chính sách tài khóa, giảm gánh nặng cho NSNN. Theo thống kê của các DNBH, vào khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra rủi ro mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước.

- Góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn ổn định cho nền kinh tế với tổng số dư đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 130.000 tỷ đồng cho đến hết năm 2014. Trong đó, tổng số dư đầu tư của các DNBH vào trái phiếu chính phủ đạt 70.000 tỷ đồng, góp phần ổn định các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ.

- Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trong thời gian qua Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm SHB-Vinacomin; Tập đoàn điện lực thoái vốn khỏi GIC; Tập đoàn Bảo Việt thoái vốn khỏi Bảo Long; Tổng công ty Hàng không cũng đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI).

Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội

Đến hết năm 2014, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho trên 400.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo bài bản. Ngoài ra, gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe; 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%); tất cả những người tham gia giao thông đều được bảo hiểm thông qua bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự của chủ xe cơ giới. Những người được bảo hiểm nói trên đã được bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ NSNN.

Bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư

Theo báo cáo của các DNBH, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới gần 10 triệu tỷ đồng. Một số tài sản, công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 (1.034 triệu USD), Thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD). Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế

- Ngay từ khi hình thành, các công ty tái bảo hiểm quốc tế đã có quan hệ chặt chẽ với thị trường bảo hiểm trong nước, qua đó không chỉ cung cấp các giải pháp bảo vệ tài chính cho các DNBH mà còn thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý rủi ro và bồi thường cho người tham gia bảo hiểm trong nước.

- Việc tham gia thị trường của các công ty bảo hiểm nước ngoài (26 DNBH có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào các DNBH trong nước không chỉ nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm cho thị trường bảo hiểm mà còn góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực liên quan khác.

- Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hoá thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở của thị trường cao, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ

Chương trình bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg sau 3 năm thực hiện đã được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố (65 huyện, 748 xã) có 304.017 hộ dân tham gia bảo hiểm, giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 7.748 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 713 tỷ đồng, góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong khi đó, việc triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP cũng góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo đang được thực hiện tại 17/28 tỉnh. Đã có 12.876 thuyền viên đã được bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 898 tỷ đồng, 1.057 tàu với tổng giá trị được bảo hiểm là 752 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường bảo hiểm đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khiêm tốn về quy mô. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP năm 2014 mới chỉ đạt 2,44%, thấp so với mức 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,2% trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nhận thức, hình ảnh về bảo hiểm chưa sâu rộng; sản phẩm bảo hiểm chưa đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm vì mục đích cộng đồng và an sinh xã hội; kênh phân phối chưa đa dạng đầy đủ, chưa tiếp cận đến mọi tổ chức, cá nhân; công tác quản trị, điều hành DN còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại; mạng lưới quản lý giám sát của Nhà nước chưa bao phủ được rộng khắp trên toàn quốc...

2015 được xem là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn ngành Bảo hiểm thi đua phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu tổng quát và các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm đã đề ra là: “Phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế - xã hội và tài chính quốc gia trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân; góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực.”