Tổ chức thành công hai kỳ Đại hội Đảng bộ

Tháng 5/1958, bước vào thời kỳ cải tạo XHCN và phát triển kinh tế, văn hóa ở miền Bắc, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã tiến hành Đại hội lần thứ II. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Sơn giữ chức Bí thư Đảng bộ; đồng chí Hoàng Phương Thảo giữ chức Phó Bí thư Đảng bộ và thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1958-1959, đó là: Tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Bám sát và phục vụ đắc lực các nhiệm vụ cải tạo XHCN, phát triển kinh tế và văn hóa; Thực hiện công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh và xây dựng các tổ chức quần chúng.

Nhiệm vụ trên lại một lần nữa được quán triệt sâu sắc hơn tại Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ III, tổ chức vào tháng 5/1960. Tại kỳ Đại hội này, Nghị quyết về nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 1960-1961 được 135 đại biểu đại diện cho 319 đảng viên toàn Đảng bộ thông qua, đó là: “Tiếp tục xây dựng, củng cố Đảng bộ vững mạnh, tăng cường quản lý đảng viên, tăng cường công tác giáo dục chính trị và tư tưởng, nâng cao giác ngộ XHCN, nâng cao lập trường giai cấp, ý chí phấn đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng cho đảng viên và cán bộ nhân viên ngoài Đảng; Tiếp tục chống tư tưởng tư sản và các thứ tư tưởng phi vô sản, đặc biệt chú trọng chống chủ nghĩa cá nhân; Đồng thời, lãnh đạo, động viên đảng viên và cán bộ nhân viên ngoài Đảng nỗ lực học tập chính trị và văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ, sửa chữa tác phong, tích cực công tác, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Chính sách tài chính không ngừng được hoàn thiện

Bám sát Nghị quyết của hai kỳ Đại hội, Đảng bộ Bộ Tài chính đã phối hợp hiệu quả với các cấp chính quyền chỉ đạo chặt chẽ công tác tài chính - ngân sách trong 3 năm 1958- 1960. Nhờ vậy, các nguồn lực tài chính nhà nước chẳng những đáp ứng được nhu cầu chi tiêu, vốn tăng lên, mà còn có một số kết dư; Việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính có nhiều tiến bộ rõ rệt, cụ thể: Chính sách tài chính không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt chú trọng đến việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách nhằm kích thích, hỗ trợ cho việc cải tạo XHCN trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp trên cơ sở hỗ trợ về mặt tài chính cho sản xuất phát triển. Đồng thời, tăng cường đầu tư, đi đôi với cải tiến quản lý đối với kinh tế quốc doanh nhằm nâng cao vị thế chủ đạo đối với nền kinh tế quốc dân.

Chính sách thuế nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung đáng kể, với những nội dung cơ bản là ổn định sản lượng dùng làm căn cứ tính thuế nông nghiệp trong một thời gian; Miễn thuế cho ruộng đất khai hoang, phục hóa; ưu tiên, ưu đãi đối với hợp tác xã về thuế suất tối đa, về miễn giảm thuế khi mất mùa vụ…Tăng cường đầu tư vốn vào nông nghiệp, giúp đỡ tài chính cho hợp tác xã nông nghiệp thông qua ngân sách và tín dụng.

Tài chính trong giai đoạn này đã phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc doanh trong lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực thương nghiệp.

Một số kết quả trong công tác xây dựng Đảng

Tính đến hết tháng 12/1959, Đảng bộ Bộ Tài chính có một Liên chi bộ và 13 chi bộ trực thuộc, tổng số 349 đảng viên. Tại thời điểm Đại hội Đảng bộ lần thứ III, toàn Đảng bộ có một liên chi bộ và 13 chi bộ trực thuộc, với 319 đảng viên.
Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã không ngừng tăng cường công tác giáo dục chính trị và tư tưởng, nâng cao nhận thức giác ngộ giai cấp cho cán bộ, đảng viên; Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; Nhất trí với đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà; Nhận thức rõ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; nhận thức rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của tài chính xã hội chủ nghĩa, lập trường quan điểm giai cấp trong công tác tài chính. Từ đó nâng cao trách nhiệm chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao; Phát huy hiệu lực của ngành tài chính trong công tác quản lý và giám đốc tài chính đối với các ngành, các cấp.

Về công tác tổ chức Đảng, năm 1958, Đảng bộ có hai liên chi (Liên chi Thuế và Liên chi Nhà trường) và 21 chi bộ trực thuộc với tổng số 345 đảng viên. Tháng 8/1959, hai chi bộ (Sở Rượu và Sở Muối) chuyển sang Đảng bộ cơ quan Bộ Nội thương; Tháng 12/1959, sáp nhập 4 chi bộ thuộc Liên chi Sở Thuế công thương nghiệp thành một chi bộ, sáp nhập Chi bộ Hành chính và Chi bộ Quản trị thành Chi bộ Văn phòng Bộ, sáp nhập Chi bộ Văn phòng Đảng ủy và Chi bộ Tổ chức cán bộ thành Chi bộ Vụ Tổ chức và cán bộ, tách Chi bộ Thanh tra - Kế toán thành hai chi bộ (Thanh tra tài chính và Chi bộ Vụ Kế toán), thành lập mới Chi bộ Vụ Nghiên cứu. Qua công tác này, hệ thống các tổ chức Đảng cơ sở thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Về công tác phát triển Đảng, từ tháng 5/1958 đến tháng 5/1960, toàn Đảng bộ đã bồi dưỡng kết nạp được 50 đảng viên mới, là những người đã kinh qua rèn luyện thử thách trong kháng chiến, những quần chúng tiêu biểu, ưu tú.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong 3 năm 1958 đến 1960, Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Tài chính đã có nhiều tiến bộ. Sinh hoạt công đoàn và đoàn thanh niên đều đảm bảo chặt chẽ, có tác dụng giáo dục đoàn viên cả về mặt chính trị tư tưởng, công tác, sinh hoạt và học tập. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, công đoàn đã làm được nhiều việc đáng kể, trong đó đáng chú ý là đã phối hợp được với các cán bộ phụ trách chính quyền đảm bảo thực hiện nền nếp dân chủ tập thể trong cơ quan.

Đảng bộ Bộ Tài chính trong thời kỳ đầu xây dựng và phát triển đất nước (1958 – 1960)

Nguyễn Xuân

(Tài chính) Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 - 1960), Đảng bộ Bộ Tài chính đã phối hợp chỉ đạo hiệu quả việc quản lý chặt chẽ các nguồn lực tài chính của đất nước, bảo đảm cân đối thu chi, kịp thời, đáp ứng nhiệm vụ mới. Công tác xây dựng Đảng cũng đạt được nhiều thành quả tích cực.

Xem thêm

Video nổi bật