Để họp hữu ích hơn…

Ngô Minh

(Tài chính) Đầu giờ họp thường là mục điểm danh, những tiếng “có” vang lên. Hội trường khá đông, vỗ tay sôi nổi khi diễn giả bước lên bục diễn thuyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số người chăm chú lắng nghe, theo dõi tài liệu chỉ lác đác. Đa phần đang lướt web trên điện thoại. Nhiều người mang theo vi tính hoặc Ipad thì tranh thủ đọc thư, “comment” facebook hoặc hí húi gõ văn bản. Số ít thì thào chuyện riêng.

Nghỉ giải lao. Mọi người ùa ra hành lang, uống nước, trò chuyện râm ran. Chuông báo hết giờ giải lao, lạ thay, ghế hội trường trống hoác, số người “ngót” đi ít nhất 1/3. Khi chủ tọa yêu cầu góp ý vào văn bản nào đó, hầu hết “hô” nhất trí. Thế là xong một cuộc họp.

Vì sao việc họp bây giờ khiến nhiều người kém hứng thú đến vậy? Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do phải đi họp nhiều quá. Nhất là vào thời điểm cuối năm tổng kết, đầu năm triển khai nhiệm vụ, 6 tháng sơ kết thì đâu đâu cũng họp và họp. Người được mời (cử) đi họp thường là cán bộ có vị trí ở cơ quan. Trong khi “trăm công ngàn việc” đang phải giải quyết lại mất 3-4 tiếng họp khiến nhiều người ngồi một chỗ mà nhấp nhổm không yên. Chưa kể có nơi sếp mà đi họp thì nhân viên ở nhà cũng ngồi chơi xơi nước vì không có người ký văn bản.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta nói nhiều về việc tiết kiệm, trong đó có tiết kiệm thời gian. Theo Bác, hội họp nhiều, nội dung họp kém chất lượng, không chuyển tải được những điều cần thiết đến người nghe cũng là lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc của nhân dân.

Nguyên nhân thứ hai thuộc về người quán triệt nội dung. Tài liệu phát rồi, nếu cứ nói y những điều trong ấy thì cần gì phải đi họp. Ấy vậy mà nhiều diễn giả không mở rộng thông tin, liên hệ sát với tình hình của đơn vị, cứ nói đều đều “như sách” khiến người nghe không “nín” được cơn buồn ngủ. Và để chống lại trạng thái này, người ta quay ra làm việc riêng như quan sát, miêu tả ở trên.

Nguyên nhân thứ ba phải nói đến là ý thức của cán bộ. Đi họp nhưng nhiều người không ghi chép, đi muộn, về sớm, ra ra vào vào, nghe - nói chuyện điện thoại oang oang… khiến cuộc họp trở nên thiếu nghiêm túc.

Để chống họp hình thức, kém chất lượng, thiết nghĩ chúng ta nên siết lại số lượng, giảm thiểu việc họp, chỉ tổ chức họp khi thật cần thiết. Nội dung họp cũng cần phong phú, sát thực, diễn giả cần được yêu cầu chuẩn bị giáo án công phu, giàu thông tin hữu ích, cách thể hiện cuốn hút hơn.

Khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện ngay việc giảm họp để cán bộ dành thời gian làm việc. Cụ thể một số cuộc họp, các cơ quan chức năng chuẩn bị văn bản, gửi đến từng đơn vị và xin ý kiến bằng văn bản. Như vậy, nội dung vẫn bảo đảm mà không mất thời gian để tổ chức hội nghị. Đối với những vấn đề liên quan đến từng đơn vị, có Bộ, ngành đã tổ chức đoàn cán bộ đại diện các cơ quan chức năng xuống tận nơi để kiểm tra, thảo luận và quyết định từng vấn đề. Cách thức tiến hành này rất hiệu quả, bởi vừa nghe được cán bộ cơ sở phản ánh, vừa nắm được tình hình thực tế để đưa ra những quyết định phù hợp.

Vài suy nghĩ cá nhân trên với mong muốn các cuộc họp của chúng ta thật sự hữu ích, để người dự họp không làm việc riêng, không tùy tiện “ngót” giữa chừng như hiện nay.

Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 4 - 2014