Ngành Dự trữ Quốc gia:

Góp phần đảm bảo an ninh tài chính, an sinh xã hội

TS. Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ “tích cốc phòng cơ”, ngành Dự trữ Quốc gia đã và đang thi đua góp phần bảo đảm an ninh tài chính, an sinh xã hội.

 Trong những năm qua, ngành Dự trữ quốc gia còn xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Trong những năm qua, ngành Dự trữ quốc gia còn xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Chính sự năng động này đã làm cho vai trò, vị trí của ngành Dự trữ Quốc gia ngày càng được nâng cao trong việc góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ động “đón bắt và mở rộng” nhiệm vụ

Không đợi việc giao đến tay mà luôn chủ động tiếp cận tình hình thực tế, tiếp cận các mục tiêu, nhiệm vụ của Nhà nước, của Chính phủ, tiếp cận các cơ chế chính sách, các nhu cầu của các địa phương để chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ, với Bộ trưởng Bộ Tài chính việc sử dụng nguồn lực Dự trữ Quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ mới, tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia là cách mà Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã và đang thực hiện trong những năm gần đây.

Đó là việc ngành Dự trữ Quốc gia được giao nhiệm vụ sử dụng nguồn lực Dự trữ Quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, trong đó khởi đầu là việc sử dụng gạo Dự trữ Quốc gia để hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng tại 68 xã thuộc 4 huyện vùng cao núi đá, tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2008-2015 theo Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp theo là việc hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia trong thời gian 6 năm cho tỉnh Thanh Hóa (xuất cấp không thu tiền 3.000 tấn gạo/năm) để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực theo Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm các hộ nghèo đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).

Với việc hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ Quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số thì hàng năm đã có hơn 2.000 hộ nhận trồng 2.500 ha rừng và đến nay đã có 2.000 hộ đăng ký tham gia trồng 3.000 ha rừng.

Đồng thời, với việc tham gia chương trình mục tiêu quốc gia, lực lượng dự trữ quốc gia còn chủ động tiếp cận để phục vụ chính sách trợ cấp trong hệ thống chính sách an sinh xã hội; trong đó, hướng tới đối tượng là nhân dân vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mà điển hình là việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ... Đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trong 2 năm học 2013 - 2014 và 2014 - 2015 đã xuất cấp trên 58.336 tấn gạo để hỗ trợ trên 433.000 học sinh của 46 tỉnh, thành phố với giá trị bằng tiền khoảng gần 600 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ gạo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp: i ) các loại vật tư nông nghiệp như vắc xin lở mồm long móng, thuốc và hóa chất sát trùng, hạt giống lúa, hạt giống ngô để hỗ trợ nhân dân góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; ii) các trang thiết bị y tế: 42 chiếc máy thở, gồm 34 máy chức năng cao và 8 máy chức năng trung bình cho các bệnh việc để phòng chống, khắc phục dịch bệnh sởi lây lan cho người dân trong những tháng đầu năm 2014.

Ngoài ra, trong những năm qua, ngành Dự trữ quốc gia còn xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao là xuất cấp xuồng cao tốc để tăng cường phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển, không những chỉ nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn; phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép và mua bán người, vận chuyển, mua bán trái phép hàng hoá, vũ khí, chất nổ, chất ma tuý, tiền chất và các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo đảm an toàn cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày và nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Việc xuất cấp 200 bộ máy bơm chữa cháy từ nguồn dự trữ quốc gia để trang bị cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy của 63 tỉnh thành phố theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao năng lực, khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Bộ Công an trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Hàng dự trữ Quốc gia nói chung và hàng dự trữ Quốc gia phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng đang được lưu giữ và bảo quản tại các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng như: Các loại xe máy, vật tư chuyên dùng, xe thang, thiết bị quan sát, thiết bị cứu hộ đa năng... sẽ giúp cho lực lượng bộ đội, công an thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và sự nghiệp bảo vệ an ninh, quốc phòng đảm bảo trật tự xã hội và bảo vệ tổ quốc nói riêng.

Có thể nói, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, sự tổ chức triển khai kịp thời của các bộ, ngành được giao bảo quản hàng dự trữ quốc gia; việc bảo quản, xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đảm bảo tiết kiệm, đúng đối tượng, đúng chính sách, ngành dự trữ quốc gia đã góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng quy mô Dự trữ Quốc gia ngày càng phát triển

Với nguồn lực dự trữ quốc gia hiện có, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành đươc giao bảo quản hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch trung hạn (giai đoạn 2016 – 2020) để đáp ứng cho nhu cầu rộng lớn của dự trữ quốc gia nhằm phấn đấu đưa quy mô của Dự trữ Quốc gia đến năm 2020 đạt 1 - 1,5% GDP. Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội được giao; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp cận các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu, các đề án để kịp thời tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội ngày càng hiệu quả. Cùng với đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quan tâm xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ như: việc xã hội hóa Dự trữ Quốc gia.

Để triển khai việc tham gia các chương trình mục tiêu đến việc thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách do Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành địa phương trên địa bàn được giao quản lý, nghiên cứu, vận dụng cơ chế chính sách, thường xuyên nắm bắt và cập nhật các thông tin liên quan đến các lĩnh vực, chương trình mục tiêu, dự án của địa phương, xây dựng các dự án, chương trình mục tiêu bảo đảm đúng pháp luật, theo quy định Nhà nước hiện hành.

Cũng tại thời điểm này, trước yêu cầu phát triển kinh tế biển đảo nói chung và chính sách phát triển thủy sản nới riêng có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo chủ quyền an ninh đất nước. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển đề xuất việc sử dụng các thiết bị vật tư cứu hộ, cứu nạn từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ các ngư dân vùng ven biển phát huy lợi thế 3.000 km bờ biển; góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc an ninh biển đảo.

Đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành, trước mắt sẽ tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo quản, xuất cấp hàng dự trữ quốc gia như lương thực, xăng dầu, thuốc thú y, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia tại các đơn vị để có thể đáp ứng kịp thời theo yêu cầu “4 tại chỗ” của các bộ, ngành, địa phương phục vụ cho hoạt động cứu trợ, cứu nạn, cứu đói, dập trừ dịch bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đánh giá các hoạt động dự trữ quốc gia trong quá trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra vẫn còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể như: Nguồn lực dự trữ quốc gia hiện nay còn mỏng, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; tư duy trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia chưa được đổi mới nhiều; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thế bị động, nên khó đáp ứng được yêu cầu mục tiêu trong khi nguồn lực dự trữ quốc gia còn nhỏ bé; công tác xã hội hóa dự trữ quốc gia mặc dù được quan tâm từ khâu tạo dựng cơ chế, chính sách nhưng trong quá trình thực hiện chưa tạo sự chủ động về nguồn lực, chưa phối hợp tốt với các cấp, các ngành, địa phương trong việc nắm bắt nhu cầu, tham mưu đề xuất thực hiện các chương trình mục tiêu trên địa bàn.

Nhận thức được những tồn tại trong hoạt động dự trữ quốc gia để sớm đề ra các giải pháp khắc phục, nhằm phát huy tốt hơn nữa các nguồn lực dự trữ quốc gia trong thời gian tới, trước hết là cải tiến quy trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ các khâu: Xây dựng, tổng hợp, đề xuất nhu cầu tại các địa phương đến việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, để có thể góp phần đảm bảo an ninh tài chính, an sinh xã hội thì việc triển khai, sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm nâng cao vị trí, vai trò dự trữ quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là phương hướng toàn ngành Dự trữ Quốc gia luôn hướng đến. Với cơ sở pháp lý là Luật Dự trữ quốc gia đã được ban hành, giờ đây toàn thể cán bộ công chức ngành Dự trữ Quốc gia cùng nhau chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn để chủ động, không ngừng sáng tạo để thực hiện những mục tiêu mới nhằm đưa hoạt động dự trữ quốc gia thực sự là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu của Nhà nước trong thời kỳ mới.