KBNN Quảng Ninh: Phát huy truyền thống, tiếp sức tương lai

Hồng Nhung (Báo Quảng Ninh thực hiện)

Trong những năm qua, hệ thống Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đã có rất nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương, hỗ trợ đắc lực vào quá trình đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trọng điểm kinh tế ở phía Bắc. Tiếp nối những kết quả đạt được Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đang xây dựng những bước đi vững chắc hơn trong giai đoạn mới hiện nay. Đặc biệt, năm 2012 là năm đầu tiên hệ thống KBNN kỷ niệm Ngày truyền thống ngành 29-5 (1946-2012) với nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Tuấn, Giám đốc Kho bạc nhà nước Quảng Ninh về những đổi thay của ngành trong hơn 22 năm xây dựng và phát triển.

-  Nhìn lại chặng đường 22 năm xây dựng của ngành Kho bạc nhà nước Quảng Ninh với không ít khó khăn và thách thức nhưng cũng đầy tự hào về những đóng góp quan trọng của ngành Kho bạc đối với địa phương, đồng chí có thể cho biết rõ hơn quá trình phát triển của ngành từ ngày thành lập đến nay?

+  KBNN Quảng Ninh được thành lập ngày 1-4-1990. Khi đó đội ngũ CBCC tổng số 152 người, cơ cấu tổ chức có văn phòng Chi cục, 4 phòng nghiệp vụ và 12 Chi nhánh KBNN cơ sở trực thuộc. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp, cán bộ có trình độ đại học 19 người, bằng 13%; trình độ cao đẳng và trung cấp 102 người, chiếm 67%, trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo 31 người, bằng 20%. Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác còn thiếu, chất lượng hạn chế, nhiều chi nhánh chưa có trụ sở riêng phải mượn tạm của Ngân hàng Nhà nước. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, tập thể CBCC Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đã phát huy truyền thống đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm của giai cấp công nhân vùng mỏ, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nhận thức lý luận chính trị, năng lực quản lý… dần dần từng bước khẳng định được vị thế vai trò là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong bộ máy hành chính công quyền của tỉnh.

Đến nay, đội ngũ CBCC KBNN Quảng Ninh lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng với tổng số 283 người được bố trí tại Văn phòng Kho bạc tỉnh (9 phòng nghiệp vụ) và 14 kho bạc huyện, thị xã, thành phố. Trong đó cán bộ nữ 158 người, chiếm 55,8%; trình độ đại học 173 người, chiếm 61%; trình độ cao đẳng và trung cấp 64 người, chiếm 23%; trình độ  sơ cấp 46 người, bằng 16%.

Cơ sở vật chất không ngừng được đổi mới và hoàn thiện, trụ sở Kho bạc tỉnh bao gồm 1 nhà cao 6 tầng cũ với diện tích sàn gần 2.000m2 và đang hoàn thiện xây dựng ngôi nhà mới cao 9 tầng với diện tích sàn trên 5.000m2 đạt chất lượng ngôi nhà tốt hiện đại. 100% KBNN huyện, thị xã, thành phố đã có trụ sở làm việc chính và khu phụ trợ khang trang, sạch đẹp; với đầy đủ trang bị phương tiện làm việc hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh cải cách tài chính công.

-  Trước những yêu cầu đổi mới của đất nước cũng như của tỉnh và các địa phương, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, hệ thống Kho bạc nhà nước Quảng Ninh đã có những biện pháp gì?

+ Với chức năng quản lý nhà nước về quỹ NSNN, quỹ tài chính của nhà nước, huy động vốn cho NSNN, cho đầu tư phát triển. Trong đó, trọng tâm là công tác kế toán thu, chi quỹ NSNN; công tác kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư XDCB, chi vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và thanh toán các nguồn vốn khác…

Trong những năm qua các thế hệ CBCC KBNN Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung sức lực, trí tuệ không quản thời gian, tôn trọng quy trình. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức phối hợp tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu NSNN. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN như chi thường xuyên, chi đầu tư XDCB, chi chương trình mục tiêu và các khoản chi khác; kiên quyết từ chối các khoản chi sai chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức góp phần thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các đơn vị sử dụng NSNN. Cung cấp đầy đủ thông tin, điện báo, báo cáo phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành ngân sách của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính, triển khai tốt các dự án hiện đại hoá thu ngân sách, xây dựng nền tài chính lành mạnh, minh bạch, hiệu quả đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản nhà nước giao Kho bạc quản lý. Góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tổng thu NSNN năm 1990 là 98,6 tỷ đồng đến năm 2011 đạt 29.884 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 17.729 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương 12.115 tỷ đồng. Tổng chi NSNN năm 1990 đạt 98 tỷ đồng đến năm 2011 tổng chi 13.338 tỷ đồng. Trong đó chi ngân sách trung ương 1.665 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 11.673 tỷ đồng.

- Năm 2012 là năm đầu tiên hệ thống KBNN nói chung, trong đó có KBNN Quảng Ninh kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành KBNN 29-5 (1946-2012). Với mục tiêu cùng với địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, phấn đấu đưa Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 theo Nghị quyết đại hội thứ XIII của tỉnh đề ra, xin đồng chí cho biết Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai những giải pháp gì?

+ Với truyền thống vẻ vang, đội ngũ cán bộ KBNN Quảng Ninh của các thế hệ có quyền tự hào về những gì đã làm được, đã khẳng định, đã minh chứng và là tấm gương cho thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của ngành KBNN, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 là “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động của KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”.

Để làm được điều này, CBCC toàn hệ thống KBNN triển khai thực hiện tốt 5 nhiệm vụ cơ bản. Đó là: Chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; kỷ cương, kỷ luật của ngành; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và 10 điều kỷ luật của hệ thống KBNN. Thực hiện văn minh công sở; văn hoá nghề kho bạc; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; giữ vững sự ổn định nội bộ để xây dựng hệ thống KBNN không ngừng phát triển vững chắc. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, giải quyết công việc kịp thời, đúng quy trình, quy định; hoàn thành công việc được giao có chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Tự giác học tập để không ngừng nâng cao kiến thức về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tin học và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành KBNN. Tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, đề cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật...

Với truyền thống đoàn kết, đội ngũ CBCC KBNN Quảng Ninh quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng Kho bạc hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, xứng đáng là người giữ tay hòm chìa khoá quốc gia vững vàng bước tiếp một chặng đường mới hứa hẹn nhiều thử thách và nhiều thành công.

- Xin cảm ơn đồng chí!