Kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua đường hàng không

Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất- Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cửa ngõ đối ngoại, giao lưu kinh tế quan trọng vào bậc nhất của cả nước. Trải qua quá trình 40 năm trưởng thành và phát triển, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã không ngừng phát triển vững mạnh về mọi mặt, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mình tại cửa khẩu cảng hàng không quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi có lưu lượng hành khách, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm 66% của cả nước (bình quân 202 chuyến bay quốc tế với khoảng 27.000 lượt hành khách mỗi ngày, gần 9 triệu khách/năm), kim ngạch hơn 42 triệu USD/ngày, số thu đạt hơn 15 tỷ đồng/ngày.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nằm tại vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, là một cửa ngõ quốc tế nối liền với các nước trên khắp thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc và các nước trong khu vực châu Á. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút lượng đầu tư nước ngoài khá lớn, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác kinh doanh, khách tham quan du lịch ngày càng tăng, lượng dân nhập cư từ các tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh để làm ăn sinh sống ngày càng đông. Từ đó, các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu gây ra những vụ án nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của thành phố. Trong đó, đặc biệt đáng lưu tâm là tội phạm về ma túy.

Vị trí địa lý của TP. Hồ Chí Minh nằm gần các trung tâm ma túy lớn của thế giới như “Tam giác vàng” và “Trăng lưỡi liềm vàng” nên các tổ chức tội phạm về ma túy từ khu vực này, thậm chí cả nguồn ma túy khổng lồ ở châu Mỹ La tinh cũng thường lợi dụng các chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất để trung chuyển ma túy sang các nước khác, đồng thời thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ mỗi khi có cơ hội.

Việc buôn lậu ma túy luôn mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ khiến ngày càng có nhiều người bước chân vào con đường buôn bán ma túy, và tìm đủ mọi cách để vận chuyển ma túy với những phương thức và thủ đoạn liên tục thay đổi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Bọn tội phạm thường nhắm vào những người phụ nữ trung niên, ít học, có hoàn cảnh khó khăn để lôi kéo, thậm chí là cả những thành phần sinh viên, trí thức biết nói tiếng Anh. Với thủ đoạn là lên mạng làm quen hoặc tình cờ gặp rồi quan hệ tình cảm, ngỏ ý hợp tác làm ăn để lôi kéo, lừa gạt vào con đường vận chuyển trái phép các chất ma tuý.

Tại một địa bàn trọng điểm như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với lưu lượng 202 chuyến bay, 27.000 lượt hành khách mỗi ngày từ khắp nơi trên thế giới đổ về, quân số thì hạn chế, mỗi cán bộ công chức của đơn vị đều chịu áp lực lớn khi hành khách thường đến làm thủ tục sát giờ bay, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát hải quan (nếu kiểm tra mà không phát hiện vi phạm, dẫn đến trễ giờ bay của khách thì phải bồi thường thiệt hại cho khách). Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất còn rất nhiều hạn chế: không có máy ngửi ma túy, chó nghiệp vụ hoạt động cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đơn vị tuy có máy soi người nhưng cán bộ công chức chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ (bác sỹ chuyên ngành hình ảnh siêu âm, X quang cũng phải được đào tạo chuyên sâu trong 3 năm) dẫn đến việc sử dụng chưa hiệu quả các trang thiết bị sẵn có.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, UBND TP. Hồ Chí Minh và Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị, đặc biệt là sự phối hợp tốt với Bộ Công an và các tổ chức phòng chống tội phạm ma túy quốc tế, Chi cục đã vượt qua những khó khăn nêu trên, lập được nhiều thành tích đáng ghi nhận:

Trong 5 năm gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra, lập biên bản 2.282 vụ vi phạm, trị giá hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy, Chi cục đã kiểm tra và phát hiện 43 vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy, bắt giữ 40 đối tượng, thu giữ hơn 104 kg ma túy các loại, 30.000 viên thuốc gây nghiện và 51.574 viên ma túy tổng hợp. Các vụ việc đều được tiếp tục phối hợp với lực lượng cảnh sát mở rộng điều tra và bắt giữ thêm nhiều đối tượng khác.

Số lượng ma túy trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, để lọt vào nội địa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai thế hệ trẻ của Việt Nam, phát sinh thêm hàng chục ngàn con nghiện và sẽ thiêu đốt hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, hệ luỵ gây ra cho toàn xã hội không thể tính toán hay lường trước được. Hơn bao giờ hết, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của toàn xã hội. Trong đó, vai trò người gác cửa kinh tế đất nước của cơ quan Hải quan là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định 330/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực phòng chống ma túy của ngành Hải quan”, nhằm xây dựng hệ thống tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của ngành Hải quan, đầu tư trang bị chuyên dùng hiện đại, đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện mục tiêu kiểm soát không để tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.

Hiểu được trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ công chức trong đơn vị luôn có ý thức nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, thực hiện tốt phương châm “Dũng cảm – Cương quyết – Khôn khéo” trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác đấu tranh phòng, chống vận chuyển trái phép các chất ma túy và đã ngăn chặn được nhiều vụ việc, đóng góp cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong đó có một số vụ việc điển hình như: Chuyên án 611B, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Australia tiêu thụ; Chuyên án 508V về đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam sang Australia tiêu thụ, bắt giữ đối tượng Chu Hoàng Mai, quốc tịch Australia, xuất cảnh trên chuyến bay VN773, thu 223 gam Heroin; Phát hiện và thu giữ 2kg Pseudoephedrine cất giấu trong lô hàng trà, cà phê, cacao xuất khẩu đi Australia theo tờ khai số 42/XPMD do ông Trần Thanh Tấn cư ngụ tạ tỉnh Lâm Đồng; Phát hiện và bắt giữ một phụ nữ 60 tuổi Nguyễn Thị Hằng ngụ tại TP Biên Hòa, quốc tịch VN, đi chuyến bay VN773 từ TP.HCM đến Sydney (Australia), thu giữ 5,9kg heroin giấu trong chín túi nilông ngụy trang bằng một lớp bao có tẩm bột ớt và tiêu (để đối phó với chó nghiệp vụ) và trong 2 cây sáp đế đèn cầy...

Với những thành tích đã đạt được, trong 5 năm gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh và nhiều giấy khen Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh… và mới đây là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 18/6/2015.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban 389 Quốc gia; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc và Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hương đã có thư khen và thưởng nóng cho đơn vị trong thời gian qua.