Mưu trí, đoàn kết, sáng tạo phá đường dây nhập lậu xăng dầu trên biển

Minh Nghĩa

Kết quả đấu tranh phá án gian lận trong tạm nhập - tái xuất của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu là thành tích tiêu biểu xuất sắc trên mặt trận chống buôn lậu của đơn vị nói riêng và ngành Hải quan nói chung. Thành công của chuyên án để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động nghiệp vụ, đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi thư khen ngợi với tinh thần: Mưu trí và đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương ổn định kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ, chiến sỹ hải quan bám sát địa bàn, tích cực đấu tranh chống buôn lậu trên biển.
Cán bộ, chiến sỹ hải quan bám sát địa bàn, tích cực đấu tranh chống buôn lậu trên biển.

Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Trung thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu được thành lập với chức năng, nhiệm vụ tổ chức, thực hiện đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên vùng biển thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung.

Những năm 2011, 2012, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến biển diễn ra rất phức tạp mà các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi đã gây ra khó khăn lớn cho hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước cụ thể là hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn ra hết sức phức tạp trên vùng biển các tỉnh miền Bắc và các tỉnh phía bắc miền Trung. Trong thời gian dài, các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất xăng dầu để buôn lậu, gây ra thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực thương mại nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nói riêng.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu đã giao nhiệm vụ cho Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung tổ chức xác minh, khi có đủ điều kiện thì tổ chức bắt giữ các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ là lực lượng cán bộ, nhân viên của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung và Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung.

Trải qua quá trình xác minh, bám địa bàn, tổ công tác đã xác định được nhóm đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển do Nguyễn Văn Thành ở Quảng Ninh là chủ mưu. Đối tượng Thành đã thành lập công ty “ma” có tên là Hồng Phát, địa chỉ tại Trung Quốc do A Phú, người Trung Quốc làm giám đốc. Đối tượng trên đã bỏ tiền mua tàu chở dầu của Trung Quốc có tên là HongFa 68, trọng tải khoảng 2.000 tấn, sau đó Thành chỉ đạo Công ty Hồng Phát vào Việt Nam để ký hợp đồng mua xăng dầu của các công ty đầu mối được phép nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam dưới hình thức tạm nhập - tái xuất. Mỗi lần ký hợp đồng mua khoảng 2.000 tấn, giá trị lô hàng khoảng 2 triệu USD, mỗi tháng trung bình mua và vận chuyển từ 4 đến 5 chuyến. Tàu HongFa 68 sau khi nhận đủ hàng tại kho theo hợp đồng mua bán, đơn vị bán hàng tiến hành làm thủ tục hải quan để tái xuất lô hàng và cơ quan hải quan tiến hành các thủ tục thông quan theo quy định, tàu HongFa 68 phải vận chuyển toàn bộ lô hàng rời khỏi lãnh hải Việt Nam để vận chuyển ra nước ngoài. Nhưng thực tế, tàu HongFa 68 sau khi nhận đủ hàng và làm các thủ tục rời cảng đã không vận chuyển hàng ra nước ngoài mà chuyển hướng vận chuyển toàn bộ lô hàng đến vùng biển giáp gianh tỉnh Thanh Hóa thả neo. Đối tượng Thành đã chỉ đạo và điều động các tàu chở dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn có tên Hoàng Sơn 01, Hoàng Sơn 02 và Hoàng Sơn 09 chạy ra địa điểm tàu HongFa 68 đang neo để cặp mạn và nhận toàn bộ số xăng dầu từ tàu HongFa 68 bơm sang 03 tàu trên, sau đó 03 tàu này chạy vào bờ để bơm xăng dầu vào 02 pông tông nổi của Công ty TNHH Hoàng Sơn (có địa chỉ: Số 9 Triệu Quốc Đạt - TP. Thanh Hóa) ở vị trí cách chân cầu Hoàng Long (Thanh Hóa) khoảng 01 km về hướng đông. Sau khi các tàu bơm dầu vào 02 pông tông, bà Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn đã hợp thức hóa chứng từ xuất bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An…

Trên cơ sở thông tin thu thập được, các trinh sát đã báo cáo kịp thời về lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu. Nhận thấy đây là một đường dây buôn lậu xăng dầu rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, được tổ chức tinh vi, liên tỉnh, trung bình mỗi tháng nhóm đối tượng trên buôn lậu vào thị trường nội địa khoảng 8 đến 10 nghìn tấn xăng dầu, lãnh đạo Hải đội 2 đã kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và đề xuất thành lập chuyên án đấu tranh làm rõ và bắt giữ các đối tượng buôn lậu. Ngày 23/6/2012, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu ký quyết định xác lập chuyên án XD-612 để tiếp tục đấu tranh do đồng chí Nguyễn Văn Quý - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu là Trưởng ban chuyên án và đồng chí Lê Ngọc Thuyết - Hải đội trưởng, Phó Ban chuyên án cùng 7 đồng chí là thành viên.

Để đảm bảo thành công, các tổ trinh sát tiếp tục thực hiện các biện pháp trinh sát toàn bộ tuyến biển, các cửa sông, cửa lạch dọc tuyến đường biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh mà trọng tâm là vùng cửa biển Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Qua đó, nắm chắc mọi di chuyển, biến động của đội tàu chở xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn ở Thanh Hóa, tàu chở xăng dầu của Công ty cổ phần thương mại và Dịch vụ Tiến Nhật và tàu HongFa 68 ở khu vực Hải Phòng, Hà Tĩnh. Đồng thời hiểu rõ được quy luật lên xuống của thủy triều và địa hình khu vực để triển khai lực lượng phá án kết hợp đội hình trên bờ dưới biển để “đánh úp” đối tượng.

Thực tế trinh sát, các trinh sát đã nắm chắc được các quy luật hoạt động của các đối tượng, cụ thể là:

- Nắm chắc tuyến đường, thời gian vận chuyển, đặc điểm nhận dạng, địa điểm nhận hàng, địa điểm trên vùng biển Việt Nam khi thực hiện hành vi cho cập mạn và sang mạn hàng xăng dầu trái phép của 01 con tàu mang 02 tên là HongFa 68 hay Jiang Zhou 1. Khi vào nhận xăng dầu tại cảng Hải Phòng thì mang tên HongFa 68, khi vào nhận xăng dầu tại cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh thì mang tháo biển HongFa 68 và treo biển Jiang Zhou 1 lên.

- Nắm chắc mọi di chuyển, biến động, đặc điểm nhận dạng của các tầu chở xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn tại Thanh Hóa và tàu chở xăng dầu của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Tiến Nhật ở Nghệ An.

- Nắm chắc vị trí tập kết, số lượng các tầu sang cập mạn trên biển, thời gian cập mạn, khoảng thời gian các đối tượng tiến hành sang mạn hết xăng dầu trên biển.

- Nắm chắc phương thức thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng rất tinh vi, có sự chuẩn bị trước hóa đơn giá trị gia tăng, chứng từ cũng như hợp đồng vận chuyển để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị phát hiện kiểm tra, do vậy để đảm bảo thành công cho chuyên án, phương án bắt giữ nhóm đối tượng này là phải bắt quả tang hành vi sang mạn trái phép trên biển.

Căn cứ thực tế tình hình trinh sát báo cáo, ngày 23/7/2012 Ban chuyên án đã họp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định lập kế hoạch phá án. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến trên địa bàn, ngày 24/07/2012, lực lượng chống buôn lậu của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung đã nhận lệnh và thực hành di chuyển quân theo 02 mũi: mũi hành quân theo đường bộ và mũi hành quân theo đường biển. Trong thực hành di chuyển, các mũi hành quân đã triển khai đúng thời gian, đảm bảo an toàn và bí mật.

Ngày 27/07/2012, thông tin trinh sát báo cáo về ban chuyên án các tàu chở xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn đã rời Thanh Hóa (đó là tàu Hoàng Sơn 02 và tàu Hoàng Sơn 09), Tàu Minh Châu 08 (của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tiến Nhật) ở Nghệ An đã rời Nghệ An, Tàu Jiang Zhou 1 đã cập cảng xăng dầu Vũng Áng- Hà Tĩnh để nhận xăng tái xuất với số lượng khoảng 1500 tấn. Đàn “ong thợ” đã rời tổ và “ong chúa” cũng đã đang nhận “mật” để chuẩn bị phát “mật” cho các “ong” con (đây là mật ngữ mà lãnh đạo ban chuyên án đặt cho các tầu chở dầu Hoàng Sơn, Minh Châu, Jiang Zhou). Đêm 27 rạng sáng 28/7/2012, Lãnh đạo Ban chuyên án đã quyết định phá án, toàn bộ lực lượng phá án đã bí mật hành quân di chuyển xuống huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (vị trí từ khu đợi cơ đến Hải Hậu cách khoảng 100 km) và các tổ lần lượt xuống tầu và di chuyển ra biển đến cách khu vực đối tượng đánh hàng khoảng 10 hải lý và cách bờ khoảng 30 hải lý, mật phục chờ thời cơ bắt giữ.

Vào 14 giờ 34 phút ngày 28/07/2012, trinh sát trên biển đã phát hiện được 01 “ong thợ” đó là tàu dầu mang tên Minh Châu 08 đến khu vực nhận hàng; đến 17 giờ 41 phút cùng ngày trinh sát tiếp tục phát hiện 02 “ong thợ” là tàu Hoàng Sơn 09 và tầu Hoàng Sơn 02 đến nhận hàng cùng với đó là “ong chúa” là tàu Jiang Zhou 1 đã đến đó với hành trình khi xuất cảnh rời khỏi cảng Vũng Áng- Việt Nam để đi Trung Quốc nhưng lại đi sát vùng biển Thanh Hóa - Việt Nam. Cùng lúc đó, lãnh đạo Ban chuyên án đã cho 03 tàu đánh cá xa bờ chở lực lượng phá án di chuyển tích cực để vào chặn bắt (khoảng thời gian di chuyển từ vị trí mật phục đến vị trí mục tiêu mất khoảng 02 giờ), 30 phút sau đó, tàu cao tốc HQ66 được lệnh di chuyển từ vị trí đợi cơ đến vị trí mục tiêu (khoảng cách từ vị trí đợi cơ đến vị trí mục tiêu là 30 hải lý, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ). Vào lúc 20 giờ ngày 28/07/2012, 03 tàu đánh cá xa bờ chở lượng phá án của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung đã tiếp cận, khống chế, chặn bắt quả tang toàn bộ 04 tàu đang ngang nhiên cập mạn và sang mạn xăng A92 trái phép trên vùng biển Việt Nam (Vùng biển thuộc Thanh Hóa giáp ranh Nam Định) đó là tàu Jiang Zhou 1 đang cho cập mạn và bơm xăng cho các tàu Hoàng Sơn 09, Minh Châu 08, tàu Hoàng Sơn 02 đang cập mạn tàu Hoàng Sơn 09 để chờ đến lượt nhận xăng từ tầu Jiang Zhou 1. Khoảng ít phút sau đó, tàu cao tốc HQ66 của Hải đội đã có mặt tại hiện trường góp phần hỗ trợ bắt giữ thành công 04 tàu vi phạm cùng toàn bộ hàng hóa vi phạm. Lực lượng phá án theo kế hoạch phân công đã nhanh chóng khống chế toàn bộ thuyền viên của các tầu vi phạm, khống chế toàn bộ hệ thống thông tin của các đối tượng, cũng như hệ thống máy móc của các tàu vi phạm, chống đánh tháo, chống cháy nổ, nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý như: khống chế và bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ.

Ngay trong đêm 28/7/2012, theo lệnh của lãnh đạo Ban chuyên án, toàn bộ 04 tàu vi phạm cùng tang vật và toàn bộ thủy thủ đoàn của 04 tàu đã được Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Trung khẩn trương đưa về cảng Hải Phòng để tiếp tục tiến hành tiếp các bước thủ tục pháp lý với sự trợ giúp của các tàu cao tốc của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc. Đến 16 giờ ngày 29/07/2012, toàn bộ các tàu vi phạm đã được sai áp về cảng Hải Phòng an toàn. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cùng lãnh đạo Ban chuyên án đã có mặt ngay tại hiện trường để cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên thực hiện chuyên án, kịp thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, tăng cường nhân lực, năng lực phối hợp với Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vụ án, đưa toàn bộ số xăng tạm giữ về kho an toàn.

Kết quả chuyên án:

- Khởi tố vụ án hình sự theo Quyết định số 03/QĐ-ĐTCBL ngày 06/8/2012;

- Chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can với 10 thủy thủ, thuyền viên, chủ hàng;

- Bắt giữ toàn bộ: 1830,567 m3 xăng A92 trị giá khoảng trên: 43 tỷ đồng, thu giữ số tiền 693.000 USD;

- Bắt giữ: 04 tàu chở xăng dầu vi phạm (trong đó có: 01 tàu mang quốc tịch nước ngoài và 03 tàu chở xăng dầu quốc tịch Việt Nam);

- Thuyền viên vi phạm pháp luật: Tổng số của 04 tàu với số lượng 27 thủy thủ, thuyền viên trong đó có 26 nam, 01 nữ: 09 có quốc tịch Trung Quốc (08 nam, 01 nữ) và 18 thủy thủ thuyền viên có quốc tịch Việt Nam (16 thủy thủ thuyền viên và 02 đi theo tàu là đại diện chủ hàng).

Ngày 15 và 16 /9/2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu xăng dầu qua biên giới, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Phương 8 năm 6 tháng tù; Khiếu Văn Anh, Nguyễn Trọng Đăng, Lê Văn Lâm, Nguyễn Ngọc Thạch cùng 7 năm 3 tháng tù, Nguyễn Thế Thanh, Ngô Văn Chung cùng 7 năm tù với tội danh “buôn lậu”. Trong khi đó với tội danh “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, Cheng Xing Chun (quốc tịch Trung quốc) nhận mức án 3 năm tù, Long Guang Kun (quốc tịch Trung Quốc) nhận mức án 2 năm 6 tháng tù; Trương Nhật Tiến, Hoàng Biên Cương, Nguyễn Đình Tý, Hoàng Văn Phượng cùng chung mức án 2-3 năm tù nhưng hưởng án treo với tội “tiêu thụ hàng hóa do người khác phạm tội mà có”. Đối với Nguyễn Văn Thành là người cầm đầu vụ việc nhưng đã bỏ trốn khỏi địa phương và đang bị công an phát lệnh truy nã.

Chuyên án XD 612 đã được xác lập và tổ chức phá án thắng lợi trên cơ sở đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ con người và phương tiện trong thực hiện chuyên án.

Với thành tích đạt được, tập thể Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Trung đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 04 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 04 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 07 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 22 cá nhân được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng nhiều giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.