Tài chính trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam

Đào Thiện Thi, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ban biên soạn trân trọng giới thiệu bài tham luận của Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đào Thiện Thi tại hội thảo khoa học “Tài chính trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam” do Viện Khoa học Tài chính (nay là Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) tổ chức năm 1995 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/1995).

Đoàn đại biểu chiến sỹ thi đua ngành Tài chính tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 1962)
Đoàn đại biểu chiến sỹ thi đua ngành Tài chính tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 1962)

Bài viết của Nguyên Bộ trưởng Đào Thiện Thi khắc họa về những đóng góp quan trọng của ngành Tài chính trong giai đoạn đất nước ta vừa thực hiện song song hai nhiệm vụ cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc thắng lợi, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trước tình hình kinh tế bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, tháng 9/1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và đề ra nhiệm vụ: “Ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất nhằm giảm bớt khó khăn về đời sống nhân dân phát triển kinh tế một cách có kế hoạch, mở rộng giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn”.

Quán triệt đường lối, chủ trương trên, ngành Tài chính đã đề xuất và được Nhà nước cho thi hành một số biện pháp tạm thời về thuế đối với vùng mới giải phóng như bãi bỏ các thuế nô dịch và bất công của thực dân Pháp để lại, tạm thời cho thi hành thuế nông nghiệp theo chế độ áp dụng ở vùng tự do cũ nhưng giảm 50% và tạm thời vẫn thu một số loại thuế công thương theo thể lệ của chế độ cũ.

Đồng thời, tiến hành việc thu đổi tiền Đông Dương, phát hành đồng tiền ngân hàng của ta trong vùng mới giải phóng. Những biện pháp trên đã xóa bỏ một bước sự khác nhau về chế độ đóng góp giữa hai vùng, thống nhất giá cả tiền tệ, ổn định thị trường, ổn định đời sống nhân dân và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Phục vụ kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (XHCN), bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc (1958 - 1960), ngành Tài chính đã không ngừng sửa đổi, bổ sung và thực hiện chính sách thuế nông nghiệp và công thương nghiệp, khuyến khích phong trào hợp tác hóa trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ban hành các chế độ quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh, chế độ hạch toán kinh tế, chế độ kiểm kê, chế độ kế hoạch hóa thu chi tài chính, chế độ nộp lợi nhuận, nộp khấu hao cơ bản vào ngân sách nhà nước, điều lệ kế toán Nhà nước, mở rộng phạm vi áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, kết hợp hai hình thức cấp phát vốn ngân sách và vốn tín dụng ngân hàng đối với vốn lưu động của xí nghiệp quốc doanh.

Cùng với việc khẩn trương chỉnh đốn chế độ thuế khóa, tiến hành sửa đổi bổ sung, cho ban hành chính sách áp dụng trong toàn miền Bắc, bao gồm thuế nông nghiệp, thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế buôn chuyến, thuế sát sinh.

Ngay sau khi ban hành chính sách thuế, ngành Tài chính đã tiến hành thu thuế vào hàng tồn kho nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, điều tiết thu nhập của tư thương chống đầu cơ tích trữ, giảm căng thẳng về hàng hóa phục vụ cải tạo XHCN ở miền Bắc.

Tiến hành việc chỉnh đốn thuế và ban hành hệ thống thuế thống nhất, thực hiện sự đóng góp công bằng hợp lý cả hai vùng tự do và mới giải phóng. Do đó, đã phát huy được vai trò tích cực của chính sách: khuyến khích, hướng dẫn, điều tiết sản xuất kinh doanh; đồng thời bảo bảo yêu cầu động viên cho tài chính Nhà nước đáp ứng được nhu cầu to lớn của cả nước.

Việc thực hiện chính sách mới đã mang lại kết quả to lớn, tổng số thu từ nguồn thu trong nước đã tăng từ 100% của năm 1995 lên 134% năm 1956 và 194% năm 1957. Trong đó, thu về thuế chiếm tỷ trọng 74% năm 1956 lên 87% năm 1957.

Với nguồn thu tăng đã đáp ứng được mọi nhu cầu chi tăng lên của Nhà nước. Trong giai đoạn này, ngành Tài chính đã phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, hàng năm đã dành một nguồn vốn lớn 45% ngân sách để đầu tư cho nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế.

Cùng với việc ban hành và thực thi các chính sách thuế mới nhằm tạo ra sự chuyển biến trong phương thức quản lý, ngành Tài chính đã ban hành các chế độ, thể lệ quản lý tài chính đối với các xí nghiệp quốc doanh như chế độ hạch toán kinh tế, chế độ kiểm kê, chế độ kế hoạch hóa thu chi tài chính, chế độ thu nộp lợi nhuận, nộp khấu hao, vào ngân sách nhà nước, điều lệ kế toán làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý tài chính đối với xí nghiệp.

Trên cơ sở đó đã giúp Nhà nước và bản thân ngành Tài chính nắm được chính xác tình hình tài sản xí nghiệp, xác định vốn cố định, vốn lưu động vừa bảo đảm nhu cầu vốn cho xí nghiệp, vừa làm căn cứ để quản lý xí nghiệp.

Trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, chi đầu tư xây dựng cơ bản là một khoản chi lớn của ngân sách nhà nước, để tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ngành Tài chính đã ban hành điều lệ tạm thời về cấp phát vốn kiến thiết cơ bản. Cũng trong thời kỳ này, ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu ban hành điều lệ quản lý kinh phí hành chính và chế độ quản lý quỹ lương, tiến hành cải cách tiền lương và tăng lương cho công nhân viên chức Nhà nước.

Với những chính sách và cơ chế quản lý tài chính như trên, cũng có thể coi đó là những động lực làm cho ngân sách tiếp tục được tăng cường, củng cố và phát triển, đáp ứng được nhu cầu vốn tăng lên và bảo đảm cho ngân sách có kết dư.

Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), khu vực kinh tế quốc doanh đã trở thành nòng cốt và đã có những tiến bộ mới. Do đó, ngành Tài chính đã cho thi hành thí điểm chế độ thu quốc doanh ở một số xí nghiệp quốc doanh quan trọng và sau đó cho áp dụng rộng rãi ra toàn miền Bắc.

Cùng với việc mở rộng thí điểm thu quốc doanh, ngành Tài chính còn trình Nhà nước cho thực hiện chế độ trích nộp và sử dụng lợi nhuận của các xí nghiệp quốc doanh. Các qui định trên đã bảo đảm cho ngân sách nhà nước có được nguồn thu ổn định. Mặt khác, đã kịp thời mở rộng quyền hạn cho các xí nghiệp quốc doanh trong việc sử dụng phần lợi nhuận còn lại cho nhu cầu sản xuất của xí nghiệp.

Trong thời kỳ kế hoạch 1961 - 1965, nhu cầu chi của Nhà nước tăng lên đáng kể, nhất là nhu cầu chi về đầu tư xây dựng cơ bản. Ngành Tài chính đã trình Chính phủ ban hành chế độ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản chuyển từ chế độ cấp phát theo thực tế chi phí sang cấp phát theo khối lượng công trình hoàn thành, đã có tác dụng quan trọng trong hạch toán và quản lý vốn kiến thiết cơ bản.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý chi tiêu tài chính Nhà nước, ngành Tài chính đã chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách nhà nước bằng việc trình Chính phủ cho ban hành điều lệ về lập và chấp hành ngân sách nhà nước, góp phần làm cho ngân sách nhà nước đã có bội thu và kết dư. Kết quả trong giai đoạn 1961 - 1964 hàng năm tổng số thu và chi ngân sách nhà nước đều tăng từ 5-10% và năm nào cũng có kết dư: năm 1961: 1,3%, năm 1962: 1,18%, năm 1963: 1,6%, năm 1964: 1,2% so với tổng số thu ngân sách trong năm.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa kết thúc thì đế quốc Mỹ từ tháng 2 năm 1965 đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân toàn miền Bắc. Đảng đã kịp thời đề ra đường lối chuyển hướng kinh tế, Nhà nước đã ban hành chế độ huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực, tài lực ở các địa phương; đồng thời, đã kịp thời đề ra các biện pháp tăng cường quản lý hàng viện trợ nhằm đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và chiến đấu.

Tài chính trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam  - Ảnh 1

Đồng chí Đào Thiện Thi phát biểu tại Hội nghị thi đua Tài chính nông thôn (năm 1964)

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ngành Tài chính đã chuyển hướng các chính sách, chế độ cũng như phương pháp công tác của toàn Ngành phù hợp với tình hình mới, đã mở rộng phân cấp quản lý tài chính ngân sách cho địa phương, đáp ứng yêu cầu chuyển hướng kinh tế của Đảng và Nhà nước. Đối với các xí nghiệp quốc doanh, đã từng bước thí điểm và mở rộng diện thực hiện chế độ thu quốc doanh, đồng thời thực hiện chế độ phân phối lợi nhuận, cho xí nghiệp quốc doanh thực hiện 3 quỹ: khuyến khích phát triển sản xuất, phúc lợi và khen thưởng.

Cùng với việc tăng cường hạch toán kinh tế, ngành Tài chính đã chấn chỉnh công tác kế toán ở các ngành, các đơn vị bằng cách cải tiến chế độ, phương pháp kế toán, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ kế toán và kế toán trưởng, ban hành hệ thống tài khoản thống nhất, bổ sung điều lệ kế toán trưởng.

Đồng thời, để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh đúng hướng và bảo đảm động viên sự đóng góp cho tài chính Nhà nước đúng mức đáp ứng tình hình cả nước có chiến tranh, Nhà nước đã sửa đổi các chính sách thuế đối với kinh tế tập thể, cá thể như tuyên bố ổn định nghĩa vụ đóng góp thuế nông nghiệp (năm 1962-1963).

Về mặt phân phối, quản lý và giám đốc tình hình sử dụng vốn, ngành Tài chính đã kiện toàn tổ chức, hoạt động thanh tra tài chính và kịp thời đề ra những biện pháp quản lý tài chính trong điều kiện phân tán như kiểm kê và bảo vệ tài sản, tiền vốn, điều chỉnh lại khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản, tạm đình chỉ thi công một số công trình chưa thật bức thiết, điều chỉnh lại chế độ chi tiêu trên tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô…

Năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải ngừng đánh phá miền Bắc. Đảng và Nhà nước chủ trương tập trung sức cho việc ổn định tình hình sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, thăng bằng thu chi ngân sách. Tập trung các nguồn tài chính phục vụ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, chú trọng xây dựng các xí nghiệp nhỏ và vừa, điều chỉnh lại các chỉ tiêu xây dựng cơ bản và danh mục các công trình đang hoặc dự định xây dựng cho phù hợp với tình hình mới.

Ở các tỉnh phía Nam, sau một thời gian, dựa vào sự quyên góp của nhân dân cộng với nguồn tài chính của Trung ương chi viện, đầu năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, đã thi hành chính sách đảm phụ nông nghiệp, thu trên cơ sở diện tích, sản lượng và nhân khẩu nông nghiệp của từng nông bộ theo một biểu thu lũy tiến toàn phần. Đi đôi với đảm phụ nông nghiệp, các chính sách thu khác đã được ban hành như đảm phụ công thương nghiệp, thu xuất nhập thị (đối với các hoạt động buôn bán giữa vùng của ta và vùng địch tạm chiếm) và một số đảm phụ khác.

Các chế độ đảm phụ nói trên dần dần được hoàn chỉnh và thống nhất áp dụng trong toàn Miền, tránh được tình trạng thu chồng chéo, bất hợp lý giữa các vùng. Đồng thời đã tăng thu cho ngân sách. Số thu đảm phụ các loại đã bảo đảm được trên 60% tổng số thu ngân sách nhà nước của toàn Miền.

Về mặt chi tiêu, Trung ương Cục cũng kịp thời quy định cụ thể tiêu chuẩn cung cấp nhu yếu phẩm cho các cán bộ thoát ly. Ngoài số chi chủ yếu về quân sự, ngân sách nhà nước đã dành một phần kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản và cho các hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh khác.

Điểm nổi bật của công tác quản lý tài chính ở miền Nam là mặc dầu trong hoàn cảnh, điều kiện hết sức phân tán, khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn bảo đảm được sự thống nhất, tập trung quản lý từ chính sách, chế độ cho đến các mặt quản lý cụ thể.

Từ những năm đầu kháng chiến, miền Nam đã áp dụng chế độ dự toán thu chi chặt chẽ, quý IV hàng năm phải xét duyệt dự toán thu chi cho năm sau do Trung ương Cục xét duyệt và báo cáo Trung ương. Tiếp theo đó, đã ban hành và thực hiện mục lục ngân sách nhà nước, các chế độ kế toán và kiểm kê v.v…

Khi đế quốc Mỹ gây lại chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 (tháng 4 năm 1972), Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng chuyển hướng kinh tế, đề ra các chính sách chế độ, biện pháp quản lý tài chính, ra nghị quyết về bảo vệ tài sản, thực hành tiết kiệm, ban hành điều lệ ngân sách xã, sửa đổi chế độ phân cấp quản lý tài chính… cho phù hợp với tình hình đất nước có chiến tranh.

Từ năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được ký kết, nhiệm vụ của tài chính là khắc phục những mặt bị buông lỏng quản lý trong chiến tranh, khôi phục và củng cố nề nếp quản lý, xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính của xí nghiệp. Trong xây dựng cơ bản, thay thế chế độ tạm ứng vốn bằng cho vay dự trữ vật tư và khối lượng xây dựng dở dang, đồng thời áp dụng phương pháp cấp phát vốn đầu tư để thanh toán khối lượng hoàn thành theo giai đoạn quy ước.

Về ngân sách nhà nước, đã chú trọng khâu kế hoạch hoá, gắn kế hoạch tài chính với kế hoạch hiện vật, tăng cường đôn đốc thu nộp vào ngân sách, đưa việc thanh toán hàng viện trợ vào nề nếp, mở rộng việc cấp phát vốn theo kế hoạch, định mức, tiêu chuẩn đối với khu vực hành chính sự nghiệp. Đồng thời, để kiện toàn bộ máy quản lý tài chính, Chính phủ đã ban hành điều lệ mới về tổ chức và hoạt động của Bộ Tài chính.

Thắng lợi lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cả nước độc lập, thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của lịch sử Việt Nam, kết thúc mười ngàn ngày chiến tranh và cách mạng (1945 - 1975) để thực hiện khát vọng sâu thẳm của tâm thức Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của ngành Tài chính Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, chúng ta càng thêm tự hào và phấn khởi nhìn thẳng đến tương lai huy hoàng của dân tộc, quyết tâm phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của Ngành ta, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.