Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia

Vụ Khoa học và Công nghệ Bảo quản - Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Không ngừng vượt qua mọi khó khăn, tăng cường công tác quản lý chất lượng và đưa ra được nhiều sáng kiến quan trọng, đó là mặt nổi bật trong các hoạt động khoa học công nghệ của ngành Dự trữ Quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia

Vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Với ngành Dự trữ Quốc gia, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia, nhất là sau khi Luật Dự trữ quốc gia có hiệu lực thi hành (01/7/2013), Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) triển khai xây dựng cơ chế chính sách quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia; trong đó tập trung xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hàng dự trữ quốc gia làm cơ sở để quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương.

Trong những năm gần đây, các bộ, ngành đã phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và ban hành được 20 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 10 định mức kinh tế - kỹ thuật cho một số mặt hàng dự trữ quốc gia.

Trong đó: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã triển khai rất tốt như: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với một số mặt hàng; Bộ Công thương xây dựng hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật liệu nổ công nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hạt giống rau, lúa, ngô dự trữ quốc gia và đang tập trung triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Về công nghệ bảo quản hàng dự trữ quốc gia, một số bộ, ngành đã áp dụng những công nghệ bảo quản tiên tiến như: Sử dụng túi bảo quản hàng dự trữ quốc gia nhằm cách ly được sự tác động của môi trường (Bộ Quốc phòng); bảo quản hàng dự trữ quốc gia trong môi trường lạnh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng); ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến để nâng cao chất lượng hàng dự trữ quốc gia (Bộ Công thương, Bộ Tài chính).

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) với vai trò quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia sẽ đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành để tập trung triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Tích cực nghiên cứu khoa học, đưa ra sáng kiến từ thực tiễn công việc

Trong thời gian qua, ngành Dự trữ quốc gia đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt 34 đề tài cấp cơ sở, trong đó đã nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý; hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia do các bộ, ngành quản lý nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu đều được triển khai trong Ngành, nhất là công nghệ bảo quản lương thực: Điển hình là việc triển khai áp dụng công nghệ bảo quản có sử dụng chất khử O2, công nghệ bảo quản thóc dự trữ quốc gia trong điều kiện áp suất thấp được thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trong toàn Tổng cục Dự trữ Nhà nước, mở ra hướng đi mới cho công tác bảo quản lương thực, chuyển đổi hoàn toàn công nghệ bảo quản thoáng phụ thuộc điều kiện môi trường sang bảo quản kín, giúp các đơn vị hoàn toàn chủ động được trong quá trình bảo quản.

Công nghệ này đã đem lại hiệu quả cao như: Làm giảm tối đa công lao động nặng nhọc, độc hại của thủ kho bảo quản (không phải cào đảo, loại bỏ lượng hóa chất dùng để cho phòng diệt côn trùng), giảm tỷ lệ hao hụt so với định mức, kéo dài thời gian bảo quản, tiết kiệm chi phí và nâng cao giá trị thương phẩm của lương thực.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai thử nghiệm công nghệ bảo quản mới do nước ngoài chuyển giao đối với thóc (công nghệ bảo quản lạnh), tại 02 dự án kho thí điểm Mông Hóa (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội) và Hòa Vang (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng), theo chu kỳ bảo quản là 03 năm để đánh giá sự phù hợp, hiệu quả kinh tế của công nghệ chuyển giao này và có định hướng về thiết kế hệ thống kho và điều chỉnh công nghệ bảo quản cho phù hợp.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, về nguồn lực, về điều kiện thí nghiệm để các đề tài nghiên cứu triển khai thực hiện, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu đặt ra. Các đề tài nghiên cứu của ngành Dự trữ quốc gia chủ yếu là khoa học ứng dụng, do vậy kinh nghiệm của cán bộ tích lũy trong triển khai nhiệm vụ và sự chủ động về điều kiện nghiên cứu là yếu tố tích cực đóng góp vào sự thành công của các đề tài.

Vì vậy, lực lượng cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học rất đa dạng, có sự tham gia tích cực của cán bộ kỹ thuật thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, các nghiên cứu viên của các viện, trường và cơ quan quản lý Nhà nước bên ngoài. Các kết quả nghiên cứu khoa học được triển khai trực tiếp trong Ngành nên có điều kiện theo dõi, kiểm định và đánh giá kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu.

Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ bảo quản hàng dự trữ

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học; tiếp cận, tìm kiếm, áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến của các nước trong khu vực nhằm hiện đại hóa công nghệ bảo quản, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế - xã hội của Việt Nam nhằm bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác bảo quản.

Trước hết, tăng cường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực đặc thù như: i) Ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến với mục tiêu kéo dài thời hạn lưu kho, giảm tỷ lệ hao hụt, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị thương phẩm; ii) Hoàn thiện công nghệ bảo quản hiện hành đối với hàng dự trữ quốc gia, chú trọng với mặt hàng lương thực dự trữ quốc gia;

iii) Đánh giá sự phù hợp và khả năng triển khai công nghệ bảo quản thóc mới; iv) Xác định thời gian lưu kho (thời gian tối đa từ lúc nhập đến lúc xuất) bảo quản hàng dự trữ quốc gia đối với từng mặt hàng; v) Hoàn chỉnh hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia, phù hợp hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia cần chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện công nghệ bảo quản, cách ly tối đa sự tác động của môi trường, hạn chế sử dụng các vật liệu, thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Thứ hai, trong tổ chức hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu các đề tài khoa học quản lý, bảo quản hàng dự trữ quốc gia ở cấp cao hơn, mở rộng các hình thức hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học để các sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng và ứng dụng sâu rộng. Đặc biệt, sẽ tăng cường áp dụng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học gắn liền với chất lượng hàng dự trữ quốc gia trong quá trình nhập kho và bảo quản.

Đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cán bộ Khoa học và Công nghệ đi đào tạo nâng cao kiến thực chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu ứng dụng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi, chuyển giao về khoa học và công nghệ với một số nước. Các đơn vị tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm khoa học được học tập, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, khảo sát thực tế việc triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, công nghệ bảo quản nói riêng.

Với truyền thống 60 năm của ngành dự trữ quốc gia, các cán bộ công chức của ngành Dự trữ quốc gia đang thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành Dự trữ quốc gia bằng việc tăng cường công tác quản lý chất lượng, những sáng kiến khoa học tiêu biểu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng hàng dự trữ quốc gia phục vụ các mục tiêu của Ngành.