"Tinh thần trách nhiệm, nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ"

PV

(Tài chính) Đó là nội dung tham luận của Chi bộ Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính trình bày trong Hội thảo ngày 2/11/2012, với chủ để: "Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong ngành Tài chính".

Tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế tài chính năm 2012. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đánh giá cao kết quả công tác của Vụ Pháp chế
Tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế tài chính năm 2012. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã đánh giá cao kết quả công tác của Vụ Pháp chế

Vụ Pháp chế Bộ Tài chính được thành lập tháng 8/2003 theo Quyết định số 218/QĐ-BTC ngày 15/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính với 19 cán bộ, công chức được điều động từ các đơn vị thuộc Bộ. Song song với sự thành lập của Vụ,  tháng 9/2003 chi bộ Vụ Pháp chế cũng được thành lập với số lượng 8 đảng viên. Thực hiện chức năng nhiệm vụ mới được Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao theo quy định tại Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008, Quyết định số 757/QĐ-BTC ngày 15/4/2009, và bổ sung theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Vụ Pháp chế đã được kiện toàn, nâng thêm một bước về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ gồm các nhiệm vụ chính như sau:

(i) Lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng, tham gia văn bản quy phạm pháp luật;

(ii) Thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

(iii) Đánh giá thi hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

(iv)  Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật;

(v) Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(vi) Các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hiện nay, số cán bộ, công chức của đơn vị là 37, có 17 đảng viên với 5 Phòng nghiệp vụ và các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Với lý tưởng, mục tiêu đó, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Đảng uỷ Khối và Đảng uỷ Bộ Tài chính, chi bộ Vụ Pháp chế đã phối hợp với lãnh đạo Vụ bố trí để toàn bộ, cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, quán triệt, viết thu hoạch và liên hệ với bản thân để từ đó đề ra phương hướng phấn đấu rèn luyện noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn 04 năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nay chuyển sang từ học tập  và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Pháp chế luôn xác định cho mình tư tưởng đạo đức trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì sự phát triển bền vững của ngành Tài chính Việt Nam và góp phần xây dựng Đảng bộ Bộ Tài chính ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động trong lĩnh vực pháp chế, vì vậy, cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Pháp chế Bộ Tài chính luôn tuân theo pháp luật, thực hành về công tác nghiên cứu, xây dựng các chính sách pháp luật trong các lĩnh vực của ngành Tài chính về quản lý thu chi ngân sách, thuế xuất nhập khẩu, phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm xã hội, dự trữ quốc gia…, chú trọng nâng cao công tác quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Qua đó, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo đảm để mọi  chính sách tài chính đều phải được thực hiện theo pháp luật và những quy định dưới luật.

Mỗi cán bộ, đảng viên Chi bộ Vụ Pháp chế luôn xác định, người cán bộ, đảng viên làm công tác trong ngành pháp chế chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ khi có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với nghề nghiệp của mình. Trước khó khăn, gian khó không dao động, vững vàng tìm cách vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và vì hạnh phúc của nhân dân; hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân.

 Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên Chi bộ đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật là đạo lý của công dân. Cùng với việc chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cán bộ, đảng viên của Chi bộ Vụ Pháp chế đã thực hiện nghiêm túc các quy chế của Ngành, các quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan, đơn vị. Ngay sau khi thành lập Vụ, Chi uỷ đã phối hợp với Lãnh đạo Vụ  xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của đơn vị, Quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống. Căn cứ vào Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính, Vụ Pháp chế đã đưa ra những quy định về những việc phải làm, những việc không được làm của cán bộ làm công tác  ngành  tài chính trong thực thi nhiệm vụ, công vụ khi làm việc tại cơ quan, đơn vị mình, làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân; trong các mối quan hệ với cấp trên, với cấp dưới và với đồng nghiệp trong nội bộ cơ quan, đơn vị; trong khi tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng dân cư, nhằm bảo đảm xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.

Chi uỷ luôn động viên khuyến khích cán bộ, đảng viên của Chi bộ yêu ngành, yêu nghề, luôn trung thực, công minh, khách quan, nhiệt tình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, của đơn vị và của ngành giao cho. Cũng như cán bộ các ngành, nghề khác; người cán bộ pháp chế có yêu ngành, yêu nghề thì mới dồn tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình cho công việc được giao và tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cao và chất lượng tốt nhất.

Là Người cán bộ làm công tác nghiên cứu pháp luật và xây dựng các chính sách pháp luật trong ngành Tài chính được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều lĩnh vực của ngành Tài chính và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội; do vậy, phải luôn trung thực để làm đúng pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Để làm được việc đó, cán bộ, đảng viên trong Chi bộ luôn phấn đấu là những người gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và các quy chế nghiệp vụ của Ngành Tài chính về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, xem xét, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong khi thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham nhũng, tiêu cực, không lãng phí; không lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi cá nhân và gây thiệt hại đến lợi ích xã hội, lợi ích của tập thể và của người khác.

Để thực hiện nhiệm vụ về pháp chế, cán bộ, đảng viên của Chi bộ phải lấy pháp luật làm căn cứ để tiến hành các nhiệm vụ. Hơn ai hết, cán bộ pháp chế  phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, cán bộ, đảng viên của Chi bộ luôn có ý thức học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác. Việc học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ pháp chế sẽ đem lại giá trị to lớn, quyết định năng lực, phẩm chất của người cán bộ để đảm đương nhiệm vụ được giao về việc nghiên cứu, xây dựng giám tát các chính sách tài chính phù hợp, tối ưu và hiệu quả nhất, đặc biệt là trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và ở mỗi cơ quan, đơn vị, lĩnh vực công tác khác nhau.

Cán bộ, đảng viên Chi bộ đã nhận thức đúng mục đích học tập của chính mình là học để làm người, làm cán bộ công chức, để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và để làm việc tốt hơn, học để rèn luyện về tư tưởng cách mạng, để có hành động đúng, không sai lệch. Chính việc học tập thường xuyên cũng là để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và tin tưởng vào tương lai của sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước các yêu cầu của cải cách lề lối làm việc theo hướng chuẩn xác, hiẹu quả, việc nâng cao trình độ chuyên môn và các kiến thức bổ trợ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang được đặt ra như một nhu cầu tất yếu. Vì vậy, cán bộ, đảng viên Chi bộ đã chú trọng việc học tập nâng cao trình độ toàn diện cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, pháp luật trong nước và quốc tế, ngoại ngữ... để gánh vác nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả nhất. Muốn có kết quả học tập tốt, cán bộ , đảng viên Chi bộ luôn có thái độ học tập nghiêm túc, tự nguyện, tự giác học tập, xem việc học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ mà người cán bộ, đảng viên  phải hoàn thành, nêu cao tinh thần chịu khó, vừa học, vừa làm và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có thực tiễn là không có sách, không có sách là không có tri thức, không có tri thức là không có CNXH"

Bên cạnh đó, khi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên của Chi bộ Vụ Pháp chế  luôn có tinh thần đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị; không bè phái cục bộ, không gây mất đoàn kết nội bộ; có tinh thần tương trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đề cao tự phê bình và phê bình nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.Trong đơn vị, cán bộ, đảng viên luôn tôn trọng sự lãnh đạo; phục tùng và chấp hành quyết định của cấp trên, phát huy tinh thần tự chủ, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả; đồng thời dám chịu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Trong Chi bộ, cán bộ, đảng viên ứng xử có văn hoá với đồng nghiệp, tôn trọng giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong sinh hoạt; phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, góp ý chân thành, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị, gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng, đoàn kết, thân ái, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người khác; đề cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên Vụ pháp chế, không có gì thiết thực hơn, có sức cảm hoá và lôi cuốn hơn trước quần chúng bằng việc nêu gương tốt, thực hiện và làm theo lời Bác dạy, sống giản dị, gắn bó với tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể và tôn trọng ý kiến cá nhân của mỗi người, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong năm 2012 chi bộ đã xác định phải tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, kỷ luật, tác phong văn hóa, phương pháp và hiệu quả làm việc của mỗi cán bộ, công chức của Vụ. Theo đó, cán bộ, đảng viên mà nhất là đảng viên, cán bộ chủ chốt của đơn vị, tiêu biểu là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu về phẩm chất, đạo đức lối sống để thật sự là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên; chú trọng cả ba mặt: tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành; tăng cường chế độ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu trong quản lý, điều hành đơn vị. Nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến và phê phán, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực, cục bộ, mất đoàn kết, thái độ hách dịch, lợi dụng công vụ để vụ lợi. Ngoài ra, kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, bình xét, phân loại hàng năm đối với cán bộ, đảng viên trong chi bộ, đơn vị và tổ chức các đoàn thể.