Vai trò của Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia

Khởi đầu từ năm 2010, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới được triển khai đã làm đổi thay căn bản bộ mặt nông thôn mới Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. “Vạn sự khở đầu nan”- Những năm đầu triển khai gặp muôn vàn khó khăn, vướng mắc, nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định rằng đây là một Chương trình đầy tính nhân văn, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên nhiều miền quê nghèo Hà Tĩnh.

Những kết quả ban đầu

2 năm chưa phải là dài, song Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giúp cho nhiều địa phương ở Hà Tĩnh “thay da, đổi thịt”. Nhiều trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng lại, với đầy đủ trang thiết bị  làm việc; đường giao thông được nối đến trụ sở xã với các thôn xóm; những ngôi trường khang trang mọc lên nhiều hơn; nhiều công trình văn hoá thôn, xóm được đầu tư xây dựng đã mang nhiều niềm vui cho bà con ở những vùng quê xưa nay vốn chỉ biết lam lũ, chân lấm tay bùn…   

Theo số liệu từ Ban Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, nếu năm 2010 xã Gia Phố vinh dự được nằm trong 11 xã cả nước thí điểm thực hiện, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 235 xã được đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 3/2012 toàn Tỉnh đã có 3 xã hoàn thành 16/19 chỉ tiêu. Nhiều chỉ tiêu nông thôn mới trước đây chưa có hoặc mức độ đạt được còn thấp, đến nay đã có sự chuyển biến tích cực: 156/235 xã (66,38%) có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn quy định; 99,6% số hộ dân nông thôn đã sử dụng điện lưới quốc gia; 176/235 xã có trạm y tế đạt chuẩn; 63/235 xã có trường học các cấp đạt chuẩn….

Đối với Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, sau khi nhận được thông báo kế hoạch vốn của UBND Tỉnh đã kịp thời giao nhiệm vụ đến tất cả các Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã; có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm soát, thanh toán cho cán bộ; phối hợp với các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn liên ngành số 1763/HD-LN gửi các chủ đầu tư (ban quản lý) về cơ chế quản lý và huy động nông thôn mới trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với Ban điều phối Chương trình Nông thôn mới Tỉnh, sở Tài chính kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai; kịp thời thông tin, báo cáo cho Ủy ban Nhân dân Tỉnh và các ngành ở địa phương về tình hình giải ngân vốn để có biện pháp chỉ đạo, điều hành.

Năm 2011, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã giải ngân được 143.602 triệu đồng trên tổng số 149.799 triệu đồng kế hoạch vốn được thông báo, đạt 96% kế hoạch. Đây là một con số đáng ấn tượng, vì năm 2011 được coi là năm đầu tiên thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, được Ủy ban Nhân dân Tỉnh giao nhiệm vụ đỡ đầu, đồng hành cùng xã Xuân Viên-huyện Nghi Xuân trong xây dựng Nông thôn mới. Sau khi được giao nhiệm vụ, Kho bạc Nhà nước Tỉnh đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó giám đốc làm tổ trưởng. Cho đến nay, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh đã nhiều lần trực tiếp làm việc với Ủy ban Nhân dân xã Xuân Viên, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trong xã, kịp thời giải quyết các vướng mắc, nhất là trong khâu lập hồ sơ, giải ngân vốn đầu tư từ Chương trình nông thôn mới. Định hướng cho xã về những mô hình, những dự án hay những sản phẩm chủ lực, trên cơ sở thế mạnh của xã để lựa chọn quyết định đầu tư…

Một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện

Mặc dù cho đến nay, nhiều xã trên toàn Tỉnh đã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí và về đích trong năm 2013, tuy nhiên một thực tế là có xã  về đích, nhiều tiêu chí hoàn thành nhưng đời sống của nhân dân vẫn không thay đổi. Hiệu quả từ các công trình hạ tầng: đường giao thông, chợ, nhà văn hoá…chưa nhiều, chưa sát thực với mỗi người dân. Dự án Quy hoạch nông thôn mới nhìn chung còn chậm, chất lượng quy hoạch một số xã còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra trong quy hoạch nông thôn mới. Dự án Phát triển mô hình sản xuất, các xã thường không lựa chọn được mô hình, trong khi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành là chưa nhiều nên dẫn đến đầu tư tràn lan mà không xác định được sản phẩm chủ lực, thế mạnh của xã để lựa chọn đầu tư…ngoài ra, việc huy động các nguồn lực tập trung cho xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh,  nguồn vốn của doanh nghiệp hay các tổ chức cá nhân cho Chương trình nông thôn mới chưa nhiều. Vốn đóng góp của người dân là quá ít, trong khi đây là một Chương trình đòi hỏi tính xã hội hoá cao, nguồn lực tập trung của nhiều thành phần kinh tế trong đó có của người dân, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, định hướng…

Đối với cơ chế giải ngân vốn: cho đến nay chỉ có thông tư liên tịch 26/2011/TTLT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 hướng dẫn cơ chế quản lý, thực hiện. Tuy nhiên cơ chế kiểm soát, thanh toán chưa rõ ràng, đặc biệt là đối với các dự án Đổi mới phát triển sản xuất và ngành nghề  nông thôn, Dự án Đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất…Cơ chế quản lý: cấp vốn, tạm ứng, thanh toán đang áp dụng theo Thông tư số 174/2009/TT-BTC ngày 8/9/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn tại 11 xã điểm; công văn số 2082/KBNN-KHTH ngày 12/11/2009 của Kho bạc Nhà nước hưóng dẫn kiểm soát, thanh toán vốn đề án Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới…

Theo các văn bản nêu trên, nguồn vốn nông thôn với được cấp bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh cho xã, khi chuyển vào tài khoản tiền gửi của xã đang tạm chi ngân sách, đến khi có khối lượng hoàn thành mới hạch toán chi ngân sách xã cho từng dự án, công trình. Vấn đề đặt ra ở đây, đối với loại hình dự án nào thì phải chuyển sang tài tiền gửi và giao cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã (chủ đầu tư) quản lý, dự án nào thanh toán trực tiếp trên tài khoản ngân sách xã…; việc quản lý, thanh toán toán từ tài khoản tiền gửi cũng còn nhiều hạn chế vì trên tài khoản tiền gửi bao gồm nhiều nguồn: vốn đầu tư từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, vốn huy động của người dân trong xã…nên việc quản lý nguồn vốn là trách nhiệm của chủ đầu tư, theo đề nghị của chủ đầu tư để thanh toán mà Kho bạc Nhà nước rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, hàng năm việc thông báo kế hoạch vốn đến Kho bạc Nhà nước huyện làm căn cứ thanh toán lại chưa thống nhất: có địa phương thì Ủy ban Nhân dân huyện thông báo, có địa phương thì thông báo về cho xã và xã chủ động phân khai chi tiết…nên đã gây ra nhiều lúng túng trong thực hiện.

Đề xuất , kiến nghị

Qua thực tế cho thấy các dự án thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nếu có sự tham gia của người dân thì tính bền vững càng cao, ngoài việc kiểm tra, giám sát còn có khả năng định hưóng và  điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong quá trình thực hiện. Theo tôi, nên trao quyền chủ động nhiều hơn nữa cho người dân, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, giúp đỡ trong lựa chọn mô hình, lựa chọn dự án, trong đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ. Đối với cơ chế quản lý nguồn vốn, chỉ áp dụng chế độ quản lý tài chính, chế độ quản lý xây dựng cơ bản hiện hành đối với những dự án, công trình nhà nước hỗ trợ phần lớn tổng mức đầu tư, còn lại giao cho chủ đầu tư, nhà tài trợ và ngưòi dân tự quy định trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch và sát với tình hình thực tế của địa phương.

Vốn từ Ngân sách Nhà nước chỉ tập trung 100% cho các loại công trình cứng như: Dự án Quy hoạch,  xây dựng trụ sở xã và Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ nông thôn mới. Các dự án khác chỉ nên hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thí điểm sau đó làm mô hình để nhân rộng dần.

Nên áp dụng chính sách tín dụng trong xây dựng nông thôn mới: thay bằng việc cấp phát vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, nên áp dụng chính sách tín dụng trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Dự án Hỗ trợ sản xuất và ngành nghề nông thôn; Dự án Đổi mới và phát triển các hình thức phát triển sản xuất. Nhà nước cấp vốn bù lãi suất cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình có mô hình, dự án vay vốn từ ngân hàng thương mại. Thực hiện hình thức này sẽ kích thích được phát triển sản xuất, vì người dân phải càng nâng cao vai trò trách nhiệm nhiều hơn trong quản lý, trong lựa chọn mô hình, dự án, để thực hiện sao cho có hiệu quả.

Đối với cơ chế quản lý tài chính: Bộ Tài chính nên có Thông tư hướng dẫn riêng trong quản lý vốn Dự án xây dựng nông thôn mới. Trong đó cần quy định cụ thể cơ chế quản lý từng loại hình dự án: từ khâu lập dự án đầu tư, dự toán, kế hoạch đến chế độ thanh toán vốn đầu tư. Theo tôi, không cần phân cấp cho Ban quản lý xây dựng nông thôn mới làm chủ đầu tư các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như hiện nay mà tất cả các dự án đầu tư từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nên để xã làm chủ đầu tư, ban quản lý thành lập chỉ để để giúp xã trong quản lý, thực hiện.

Đối với Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng thực hiện theo cơ chế quản lý vốn đầu tư ngân sách xã, tuy nhiên chế độ tạm ứng, thanh toán nên có những quy định mang tính đặc thù.

Đối với các dự án khác, nên áp dụng cơ chế quản lý chi thường xuyên ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.