Vụ Hợp tác Quốc tế với việc thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính

Thu Trang

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Thành quả mà đơn vị đem lại đã góp phần tích cực giúp ngành Tài chính nâng cao chất lượng hợp tác; hội nhập quốc tế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chủ động thực hiện đầy đủ các cam kết và lộ trình hội nhập.

Hội nghị công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế do Bộ Tài chính tổ chức năm 2015.
Hội nghị công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế do Bộ Tài chính tổ chức năm 2015.

Chủ động, tích cực triển khai hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính

Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ-TW về hội nhập quốc tế, trong đó xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế cần gắn với yêu cầu đổi mới thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Nhìn lại những kết quả thời gian qua có thể thấy, Việt Nam đã phát triển quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia, ký kết hơn 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần... đồng thời phát triển quan hệ hợp tác đa phương và khu vực tích cực hơn với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Với nền tảng hội nhập kinh tế các giai đoạn trước, đến năm 2014, cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu khi thực hiện song song các cam kết của các Hiệp định thương mại đã ký kết và đàm phán các Hiệp định thương mại mới, đồng thời tham gia vào các Diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và thế giới. Giai đoạn 2011-2014 được đánh giá là giai đoạn trung gian trong cam kết của Việt Nam sau khoảng thời gian 5 năm đầu tiến hành cải cách, xây dựng chính sách để phù hợp với cam kết. Trong giai đoạn này, ngoài Hiệp định đa phương WTO, Việt Nam đã trở thành thành viên của 7 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng như: Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc- Niu Zi lân (AANZFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê (VCFTA). Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác tài chính khu vực và thế giới khác nhau. Các hoạt động hợp tác tài chính của Việt Nam tiếp tục tập trung khai thác các sáng kiến hiện thời, tham gia sâu rộng vào các chủ đề hợp tác, đã đạt được những kết quả cụ thể và thiết thực, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác tài chính khu vực như hợp tác ASEAN và ASEAN+3, hợp tác APEC, EAS và G20…

Trước đây, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia chủ yếu là thông qua hiệp định giữa ASEAN và đối tác ngoài ASEAN. Do vậy, quá trình tham gia của Việt Nam trong đàm phán được hình thành dựa trên sự đồng thuận của ASEAN nên mức độ cam kết của ASEAN có sự dung hòa với các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các Hiệp định thương mại song phương như FTA với Chi Lê, Nhật Bản. Đồng thời, đàm phán ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác, như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên Minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA) nay là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam – Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đáng chú ý là Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc. Cùng với mức độ tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại thế hệ mới thì mức cam kết về thuế và cải cách kinh tế cũng đòi hỏi có sự cam kết cao tương ứng.

Trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập nói chung và hội nhập tài chính được đánh giá là có đóng góp đáng kể vào công cuộc cải cách kinh tế đất nước; mở cửa thị trường; tăng trưởng thương mại và cải thiện được môi trường đầu tư thông qua các cam kết cải cách mạnh mẽ về tài chính, thuế, hải quan, doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá việc thực hiện cam kết của Việt Nam giai đoạn 2011-2014, nhất là đối với các cam kết về thuế, các chuyên gia và các đối tác quốc tế đều cho rằng Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết trong các Hiệp định. Điều này góp phần khẳng định uy tín của Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế và cũng là yếu tố quan trọng cho các đối tác khác muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác và hội nhập sau này. Không chỉ thực hiện nghiêm túc các lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại mà do yêu cầu về kinh tế, nhiều nội dung Việt Nam chủ động lộ trình thực hiện các cam kết. Ví dụ, do nhu cầu đầu vào cho sản xuất, nhiều mặt hàng có mức thuế cam kết WTO ở mức cao nhưng ta đã thực hiện cắt giảm thuế thấp hơn mức cam kết.

Trong lĩnh vực hợp tác về tài chính, những kết quả nổi bật giai đoạn 2011-2014 thể hiện như: Bảo lãnh trái phiếu với đợt phát hành trái phiếu trị giá 100 triệu USD của 01 công ty Việt Nam – Massan Consumer; Thúc đẩy lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng; Tích cực triển khai hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ cho quá trình hoạch định và xây dựng văn bản chính sách. Việt Nam tham gia tích cực vào Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN+3, APEC và ASEM; Xây dựng báo cáo giám sát kinh tế tài chính ASEAN; Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI)...

Đóng góp vào thành công chung đó, với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác tài chính quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, quản lý các chương trình hợp tác, dự án của Bộ có sự tài trợ của nước ngoài, tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Bộ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế đã tích cực tham gia với các đơn vị chức năng trong Bộ, trình Bộ phê duyệt nhiều chương trình, đề án hợp tác quan trọng. Các chương trình, đề án này đã thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính nói riêng và đóng góp vào mục tiêu chung về hội nhập nền kinh tế của đất nước nói chung, qua đó, tìm kiếm và khơi thông các dòng vốn trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển đất nước; Nâng cao vị thế của Bộ Tài chính cũng như của Việt Nam trên các diễn đàn tài chính quốc tế toàn cầu... Một số kết quả huy động nguồn vốn bên ngoài cho phát triển ngành Tài chính trong giai đoạn vừa qua: Đã và đang triển khai gần 50 chương trình, dự án có sử dụng tài trợ của gần 20 đối tác phát triển, tổ chức quốc tế; Số ODA giải ngân ước đạt 4.340 tỷ đồng; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 690 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi là 3.650 tỷ đồng...

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính giai đoạn 2015-2020

Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đánh dấu mức độ hội nhập sâu của Việt Nam khi ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế khu vực, các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo các danh mục mặt hàng thông thường, triển khai thực hiện một số hiệp định vừa ký kết nêu trên và gấp rút để đàm phán kết thúc các hiệp định quan trọng khác như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chủ trì một số hoạt động quốc tế để vận động tài trợ, kêu gọi đầu tư; gặp gỡ và đối thoại với các nhà đầu tư theo định hướng của Chính phủ nhằm quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam; Thu hút đầu tư nước ngoài; Tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp... Ngoài ra, Vụ Hợp tác Quốc tế tích cực chuẩn bị công tác trong lĩnh vực hội nhập tài chính trên cơ sở phối hợp với các đơn vị khác chuẩn bị cho việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC 2015), chủ động và tham gia tích cực các đề xuất hợp tác AEC Hậu 2015, đồng thời khởi động quá trình đưa ra sáng kiến, vận động để hướng tới năm chủ trì Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và chủ trì ASEAN, ASEAN+3 vào năm 2020.

Về cơ bản, các Hiệp định đang đàm phán đều hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán vào năm 2015 và có thể sẽ thực hiện từ năm 2016 - 2017. Như vậy, mốc thời gian 2017 - 2018 sẽ là mốc quan trọng tiếp theo trong tiến trình hội nhập tài chính ở một mức độ sâu hơn nữa khi các FTA thế hệ mới bắt đầu đi vào thực hiện và các FTA thế hệ cũ bắt đầu xóa bỏ lộ trình thực hiện các nhóm danh mục nhạy cảm. Ngoài ra, cộng đồng kinh tế ASEAN đã hoàn toàn được hình thành khi các rào cản về thuế cũng như các rào cản về tài chính được xóa bỏ ở mức tối đa. Do vậy, trong thời gian tới, hợp tác và hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính cần hướng tới mục tiêu tổng quát bao gồm: Phát huy khả năng chủ động, tích cực trong hội nhập và hợp tác tài chính và đóng góp thiết thực trong các diễn đàn hợp tác tài chính đa phương; Gắn hợp tác tài chính với công tác hoạch định chính sách trong nước, đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia; Gắn kết hơn nữa chính sách tài chính với các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp thông qua các hoạt động và các kênh để trao đổi thông tin hai chiều.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, với mục tiêu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh, bền vững khi Việt Nam đã bước vào nhóm các nước thu nhập trung bình, Vụ Hợp tác Quốc tế dự kiến đề xuất các định hướng lớn cho hoạt động đối ngoại của ngành Tài chính bao gồm: Tìm kiếm và khơi thông các dòng vốn trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển đất nước; Đóng góp vào mục tiêu chung về hội nhập nền kinh tế; Góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính theo định hướng chiến lược phát triển ngành đến 2020. Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại tài chính nói chung và hợp tác và hội nhập quốc tế lĩnh vực tài chính nói riêng cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể sau:

Thứ nhất, tập trung triển khai các cam kết hội nhập đã ký kết; chuẩn bị cho các thành phần trong nền kinh tế nhằm thích ứng tốt nhất với quá trình hội nhập, giảm thiểu những tác động bất lợi, gia tăng những lợi thế từ quá trình hội nhập, đặc biệt tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến và cập nhật thông tin về các cam kết quốc tế cho khu vực doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng hội nhập trong các lĩnh vực ưu tiên, như thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kế toán kiểm toán… từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, triển khai một cách hiệu quả các dự án đã ký kết với các đối tác quốc tế trong giai đoạn 2015 – 2020 (các đơn vị có dự án phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế); Xây dựng đề án Định hướng thu hút, vận động, quản lý và sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài cho Bộ Tài chính phù hợp với bối cảnh tài trợ quốc tế và trình độ phát triển trong nước trong từng giai đoạn, tìm kiếm các nhà tài trợ và các nguồn tài trợ/phương thức tài trợ mới; Chủ động tham gia đàm phán và trở thành thành viên của các tổ chức tài chính khu vực (AIIB); Chủ động khai thác nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính khu vực cho các dự án trong nước (AIIB, CGIF, AIF…).

Thứ ba, rà soát các đối tác song phương để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống, đối tác trọng tâm trong từng giai đoạn; Gắn với từng chủ đề/lĩnh vực hợp tác cụ thể, xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ với từng đối tác, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển trong nước. Xây dựng Chiến lược đối tác đặc biệt quan trọng tập trung vào các đối tác Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ trì thành công các sự kiện hợp tác tài chính khu vực quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2020...