Vụ Pháp chế - Dấu ấn hơn một thập kỷ

PV.

Ngày 01/8/2003, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã được tái thành lập, chính thức ghi một dấu son trong sự nghiệp pháp chế của ngành Tài chính. Trải qua hơn một thập kỷ trưởng thành và phát triển, Vụ Pháp chế đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vị trí quan trọng trong hoạt động của Ngành.

Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác pháp chế tài chính.
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác pháp chế tài chính.

Dấu ấn dựng xây và phát triển

Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) được tái thành lập theo Quyết định số 128/QĐ-BTC ngày 01/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo Quyết định số 2349/QĐ-BTC ngày 30/7/2003 của Bộ Tài chính, 18 cán bộ, công chức của Vụ Chính sách tài chính đã được điều động về công tác tại Vụ Pháp chế, hình thành đội ngũ những cán bộ đầu tiên của Vụ.

Chặng đường đầu tiên (giai đoạn 2003-2008), Vụ Pháp chế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ngay khi đơn vị mới được thành lập, tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu cho chặng đường tiếp theo.

Nhiệm vụ của Vụ Pháp chế được trải dài từ lập chương trình xây dựng pháp luật đến thẩm định văn bản pháp luật trước khi ban hành, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), rà soát, hệ thống văn hóa văn bản QPPL, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Với việc tổ chức, thực hiện chức năng nhiệm vụ hướng tới mục tiêu triển khai toàn diện công tác pháp chế, Vụ Pháp chế đã đồng thời vừa có được kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, vừa có được nhiều kết quả công tác khá ấn tượng. Đó là lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị pháp chế tài chính (năm 2007), hình thành diễn đàn trao đổi nghiệp vụ pháp chế trong toàn ngành và với các bộ, ngành liên quan.

Đặc biệt về nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL, từ những ngày đầu, nhiệm vụ này đã được coi là một trong những nhiệm vụ chính, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Vụ Pháp chế. Kết quả chuyên môn đầu tiên của Vụ Pháp chế là xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật và bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện để đưa công tác này vào nề nếp trong bối cảnh ngành Tài chính đã có thêm các lĩnh vực mới như: Vật giá, Hải quan, Dự trữ quốc gia.

Đó là Quyết định số 237/2003/QĐ-TTg ngày 13/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật trong trong ngành Tài chính; Quyết định số 940/2003/QĐ-BCA (A11) ngày 28/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành Tài chính; Quyết định số 196/2003/QĐ-BTC ngày 02/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành Tài chính.

Một dấu ấn quan trọng khác trong công tác xây dựng văn bản QPPL đó là Vụ Pháp chế đã được giao giúp Bộ tổ chức nghiên cứu xây dựng Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau gần một năm khẩn trương nghiên cứu soạn thảo, Vụ Pháp chế đã hoàn thành xuất sắc vai trò giúp Bộ chủ trì nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI.

Với những kết quả đã đạt được, từ năm 2003 đến năm 2008, tập thể Vụ Pháp chế và nhiều cán bộ công chức của Vụ đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Trong đó, năm 2005, Vụ Pháp chế được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng III; Năm 2006, được Bộ trưởng Bộ Tài chính tặng thưởng danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2006; Năm 2007, Vụ vinh dự được Chính phủ tặng thưởng cờ thi đua.

Chặng đường 2008 - 2015, dấu ấn quan trọng nhất của hoạt động pháp chế tài chính là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (thay thế Nghị định số 77/2003/NĐ-CP). Căn cứ Nghị định của Chính phủ, ngày 15/4/2009, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 757/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế gồm 4 phòng: Phòng tổng hợp; Phòng Pháp chế ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; Phòng Pháp chế tài chính ngân sách; Phòng pháp chế Thuế, phí, lệ phí. Tiếp sau đó, căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật”, ngày 17/11/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 3001/QĐ-BTC thành lập Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Vụ Pháp chế vừa hoàn thiện tổ chức bộ máy theo mô hình Phòng, vừa triển khai toàn diện chức năng nhiệm vụ công tác pháp chế. Tính đến năm 2015, Vụ Pháp chế đã ổn định và có một bộ máy hoàn chỉnh với 6 Phòng được phân định theo hai tuyến. Tuyến thứ nhất gồm các phòng có chức năng pháp chế chung gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tài chính, Phòng Pháp luật tài chính quốc tế. Tuyến thứ hai bao gồm các phòng chuyên môn pháp chế theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tài chính, đó là: Phòng Pháp chế tài chính ngân sách; Phòng Pháp chế ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và Phòng Pháp chế thuế, phí, lệ phí.

Năm 2008, Vụ Pháp chế đã hoàn thành báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2008 trình Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4. Triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định số 385/QĐ-BTC ngày 06/03/2008, Vụ Pháp chế đã thành lập tổ công tác để thực hiện việc thống kê, rà soát thí điểm thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật cũng đã hoàn thành 09 thông tư, thông tư liên tịch, 09 quyết định, chỉ thị của Bộ Tài chính; tham gia xây dựng 4 luật, pháp lệnh, 36 nghị định, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 213 thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Vụ còn tổ chức thẩm định hàng trăm văn bản pháp luật và chuẩn bị ý kiến trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký phiếu thành viên chính phủ đối với các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Năm 2009, thực hiện chủ trương rà soát văn bản pháp luật sau thi hành, Vụ Pháp chế đã tổ chức đợt kiểm tra văn bản trong lĩnh vực thuế do thủ trưởng đơn vị ký ban hành theo thẩm quyền từ năm 2004 – 2008, phát hiện kịp thời các sai sót; qua đó đóng góp tích cực trong việc thực hiện kiến nghị thanh tra đối với ngành Thuế, tạo tiền đề cho công tác kiểm tra văn bản trong các năm sau. Được giao vai trò đầu mối trong việc tiến hành Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị tập hợp soát, thống kê hoàn chính văn bản trình Bộ công bố 840 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tài chính, quỹ tài chính, quản lý giá, lĩnh vực tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra; lĩnh vực thuế, phí, lệ phí; lĩnh vực quản lý tài sản công; lĩnh vực hải quan; lĩnh vực tài chính ngân sách; lĩnh vực tài chính đối ngoại và hội nhập quốc tế; lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.

Năm 2010, với việc được giao thực hiện nhiệm vụ mới về đánh giá thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế triển khai và hoàn thiện báo cáo đánh giá triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình pháp luật theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài chính. Tiếp tục thực hiện Đề án 30, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiến hành rà soát 840 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính đã công bố, trên cơ sở đó kiến nghị và thực hiện đơn giản hóa 542 thủ tục hành chính. Các hoạt động triển khai Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Chỉ thị 1722/CT-TTg ngày 17/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thi hành Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính được đồng bộ tiến hành với việc tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền và rà soát, đơn giản hóa quyết liệt đối với các thủ tục hành chính không cần thiết. Chính trong thời điểm này, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tài chính được thành lập.

Bước sang năm 2011, Vụ Pháp chế đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác pháp chế như công tác xây dựng các chương trình xây dựng văn bản QPPL; xây dựng đề án và các văn bản QPPL; thẩm định văn bản QPPL; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát và kiểm tra văn bản QPPL; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các đơn vị trong việc soạn thảo các văn bản QPPL, trả lời, giải đáp các vướng mặt trong việc thực hiện các văn bản QPPL. Đặc biệt, năm 2011, triển khai thực hiện mô hình “Ngày Pháp luật” của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, trong vai trò thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế đã trình Bộ chủ trương tổ chức “Ngày Pháp luật” phù hợp với thực tiễn của Ngành, tham mưu trình Bộ quyết định lấy ngày truyền thống ngành Tài chính (28/8) hàng năm làm “Ngày Pháp luật” của Ngành để tổ chức các hoạt động thiết thực về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Năm 2012, Vụ Pháp chế được giao chủ trì xây dựng dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thành đúng tiến độ trình Dự án Luật lên Chính phủ và trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Ngoài ra đã trình Bộ ban hành 04 thông tư và thông tư liên tịch; 15 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; 07 thông báo chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ. Ngoài ra, Vụ Pháp chế còn tham gia phối hợp với các đơn vị soạn thảo, nghiên cứu các dự án luật trình Quốc hội thông qua đúng tiến độ đề ra.

Năm 2013, Vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác pháp chế. Trong đó, chủ trì soạn thảo trình Bộ để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 33 văn bản gồm: 01 luật, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 08 thông tư, thông tư liên tịch, 01 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và 22 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Một số văn bản đáng chú ý là: Luật số 44/2013/QH13 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6; Quyết định số 59/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật và tối mật của ngành Tài chính; Thông tư số 150/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập, quản lý và việc thực hiện hoàn thuế từ Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng...

Năm 2014, Vụ Pháp chế tập trung triển khai các nhiệm vụ pháp chế từ công tác xây dựng, theo dõi thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL, thẩm định văn bản QPPL; Phổ biến, giáo dục pháp luật; rà soát và kiểm tra văn bản QPPL; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong công tác xây dựng, theo dõi thực hiện chương trình pháp luật, Vụ đã góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành 100% Kế hoạch xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2014 của Bộ Tài chính. Đồng thời, Vụ đã tổ chức thẩm định hơn 200 thông tư, thông tư liên tịch thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính. Trong năm này, Vụ Pháp chế đã trình Bộ ký ban hành Quyết định số 2812/QĐ-BTC ngày 31/10/2014 về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2013.

Qua hơn một thập kỷ trưởng thành, ghi nhận những thành tích đạt được, Vụ Pháp chế đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, cờ, bằng khen, giấy khen qua các năm. Năm 2010, Vụ Pháp chế đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Những bài học kinh nghiệm

Những bài học kinh nghiệm, đồng thời là vốn quý mà Vụ Pháp chế có được từ chặng đường 10 năm đã qua là:

Thứ nhất, luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Vụ Pháp chế đã hình thành được một tập thể lãnh đạo, một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, có chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật và có trách nhiệm cao trong công tác;

Thứ hai, hết sức coi trọng việc xây dựng và củng cố các mối quan hệ công tác gắn bó, mật thiết với các đơn vị thuộc Bộ và với các bộ, ngành;

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo sâu sắc của Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình 10 năm xây dựng và phát triển, Vụ Pháp chế luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng và các thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác pháp chế.

Qua hơn một thập kỷ thành lập và hoạt động, Vụ Pháp chế từng bước đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao về công tác pháp chế trong tình hình mới. Để thực sự trở thành cơ quan tham mưu “gác cửa pháp luật” của Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Vụ Pháp chế tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí đẩy mạnh phong trào thi đua để nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; xứng đáng với sự tin cậy mà lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các đơn vị đã dành cho trong những năm qua và chặng đường đi tới.