AI sẽ giúp ngăn chặn tội phạm trong hoạt động ngân hàng

Phạm Thanh Nhật

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp ngăn chặn tội phạm mạng trong tương lai với các biện pháp an ninh mạng tăng cường. Để đưa AI thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong phát hiện và ngăn chặn gian lận thì cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và triển khai các giải pháp hữu ích tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên thế giới

Citibank đã đầu tư chiến lược vào Feedzai, một doanh nghiệp khoa học dữ liệu hàng đầu thế giới hoạt động trong việc xác định và loại bỏ gian lận trong các ngân hàng trực tuyến và trực tiếp.

Các công ty như Teradata và Datavisor cung cấp các giải pháp phát hiện gian lận tài chính dựa trên AI chuyên biệt cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng của Hoa Kỳ phát hiện việc gian lận trong các đơn vay.

HSBC (Hong Kong) đã hợp tác với Quantexa phát triển phần mềm AI nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền. Ngân hàng OCBC (Singapore) đã phát triển hệ thống xác định chính xác các giao dịch liên quan đến lừa đảo. OCBC cũng triển khai hệ thống chống phần mềm độc hại tài chính, hệ thống này có thể xác định các dịch vụ ngân hàng của họ được truy cập từ thiết bị nào.

Tại Việt Nam

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đã áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ và xác thực giao dịch thương mại điện tử 3D Secure nhằm bảo vệ chủ thẻ. Đồng thời, triển khai cơ chế chống giả mạo trên ngân hàng điện tử, trang bị công nghệ bảo mật IBM Trusteer dành cho thiết bị và điểm truy cập đầu cuối để tăng thêm lớp bảo mật cho các ứng dụng thanh toán.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng AI vào hoạt động ngân hàng và dùng AI để tự động phân tích dữ liệu hành vi khách hàng. Hệ thống LiveBank đã giúp khách hàng đăng ký vân tay và nhận diện khuôn mặt nhanh chóng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam dùng AI trong việc nhận diện khuôn mặt để giảm thiểu rủi ro gian lận. Khi nhận diện và xác định được nhu cầu của khách hàng, hệ thống ki-ốt sẽ tự động chuyển đến giao dịch viên.

Một số đề xuất

Từ năm 2022 trở đi, dữ liệu kỹ thuật số sẽ có nhiều nguy cơ bị tấn công và lừa đảo. AI và các công nghệ tiên tiến sẽ hỗ trợ bộ phận bảo mật chống lại các hoạt động độc hại trong mọi lĩnh vực đặc biệt là phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, gian lận trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. AI sẽ giúp ngăn chặn tội phạm mạng trong tương lai với các biện pháp an ninh mạng tăng cường.

Để có thể đưa AI thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong phát hiện và ngăn chặn gian lận thì cần thực hiện những đề xuất sau:

Một là, cần đưa vào một số quy định trong Luật các tổ chức tín dụng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển của các ngân hàng Việt Nam chuyển đổi mô hình ngân hàng số theo xu hướng quốc tế. Chính phủ cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hỗ trợ thông tin cho ngân hàng nhằm đảm bảo đầu vào chất lượng cho các hệ thống AI hoạt động hiệu quả.

Hai là, các ngân hàng tăng cường hơn các mức bảo mật cho khách hàng, thay vì biện pháp bảo mật hiện tại như dùng mã pin, mã OTP,… có thể thay bằng nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay… tính bảo mật sẽ cao hơn để chống gian lận, tránh được tình trạng mạo nhận danh tính.

Nếu chỉ cần một sai sót rủi ro về gian lận thì đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ thiệt hại rất nhiều. Rủi ro về mặt gian lận là hành vi cố ý xuất phát từ khía cạnh chủ quan nên việc đưa AI vào hoạt động ngân hàng nhằm phát hiện và ngăn chặn gian lận là một phần, nhưng cũng phải nâng cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên. Đạo đức luôn nên đặt lên hàng đầu trong việc đào tạo, tuyển dụng của các ngân hàng.