Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2015

Theo gso.gov.vn

Tháng Hai năm nay là thời điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi nên thị trường cung cầu hàng hóa trong nước sôi động, nhu cầu mua sắm cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Sức mua tăng mạnh ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm và một số sản phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai ước tính đạt 276,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 11,6%, trong đó khu vực kinh tế Nhà nước đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 237,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Hai đạt 210,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành hàng có mức tăng cao so với tháng trước: Lương thực, thực phẩm tăng 8,9%; hàng may mặc tăng 3,6%. Một số ngành hàng có mức tăng thấp: Phương tiện đi lại tăng 3,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,9%. Một số địa phương đạt mức doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng tăng cao so với tháng trước: Quảng Bình tăng 21,2%; Quảng Trị tăng 19,8%; Sơn La tăng 15,3%; Tây Ninh tăng 13,2%, Bình Dương tăng 12,7%; Hà Nội tăng 10,5%; Thanh Hoá tăng 10,3%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao so với tháng trước: Ðiện Biên tăng 51%; Long An tăng 22%; Gia Lai tăng 16%; An Giang tăng 11%; Nghệ An tăng 10%. Một số địa phương có doanh thu giảm nhiều: Lạng Sơn giảm 25,5%; Vĩnh Phúc giảm 22,5%; Hoà Bình giảm 13,4%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng thấp với 1,8% và Hà Nội giảm 0,8%.

Doanh thu hoạt động du lịch lữ hành đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao so với tháng trước: Lâm Đồng tăng 41,6%, Đồng Nai tăng 9,5%, Quảng Bình tăng 8,5%, Đà Nẵng tăng 3,2%, An Giang tăng 3,1%; Hà Nội tăng 1,2%.

Doanh thu hoạt động khác đạt 30,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao so với tháng trước: Quảng Bình tăng 15,5%; Gia Lai tăng 14,8%; Quảng Trị tăng 14%; Thanh Hóa và Quảng Nam cùng tăng ở mức 5%; Hà Tĩnh tăng 3%; Hà Nội tăng 2,8%; Hải Dương tăng 2,4%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 542,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 10,7%, cao hơn mức tăng 6,2% của cùng kỳ năm 2014. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng của khu vực kinh tế Nhà nước đạt 58,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng mức và tăng 2,3%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 467 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,1%, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% và tăng 11,4%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm, bán lẻ hàng hóa đạt 413,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức và tăng 10,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% và tăng 12,5%; du lịch lữ hành đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% và tăng 0,4%; dịch vụ khác đạt 60,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2% và tăng 16,5%.