Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê

Hoạt động thương mại dịch vụ 6 tháng đầu năm khá sôi động, công tác quản lý thị trường được các cấp, các ngành chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, hạn chế hàng giả và bình ổn giá góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trong nước, kích thích sức mua của người tiêu dùng. 

Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cung ứng lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 326,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 243,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.924,1nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 1.443,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 75% tổng mức và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6%; may mặc tăng 9,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại cùng tăng 8,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước tính đạt 237,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng mức và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng khá: Thanh Hóa tăng 20,3%; Long An tăng 17,1%; Bình Thuận tăng 13,2%; Đồng Nai tăng 13,1%; Cần Thơ tăng 13%; Hà Nội tăng 8,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,3%.

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm ước tính đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng mức và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Hà Nội tăng 13,8%; Cần Thơ tăng 11,5%; Bình Thuận tăng 10,4%; Thái Nguyên tăng 8,9%; Bắc Ninh tăng 5,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 2,5%.

Bên cạnh đó, một số địa phương doanh thu giảm mạnh: An Giang giảm 49,6%; Bình Phước giảm 17,9%; Yên Bái giảm 11,8%.

Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 226,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu của Quảng Trị tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 13,2%; Bắc Giang tăng 10,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,2%; Lào Cai tăng 7,4%; Thừa Thiên - Huế tăng 5,6%; Cần Thơ tăng 3,9%.