Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018

Theo Tổng cục Thống kê

Hoạt động thương mại dịch vụ năm 2018 có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước tính đạt 394,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với năm trước.

Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 296,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% và tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 11,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3% và tăng 3,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 12,8%.

Trong quý IV/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 873,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% và tăng 13,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 143,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% và tăng 11,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 7,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 10%.

Tính chung cả năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước (năm 2017 tăng 11%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (năm 2017 tăng 9,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm trước, trong đó doanh thu một số ngành hàng tăng: Đá quý, kim loại quý tăng 13,8%; hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 13,7%; lương thực, thực phẩm tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,3%; may mặc tăng 12,1%; phương tiện đi lại tăng 11,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,5%.

Một số địa phương có mức tăng khá: Vĩnh Phúc tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 13,9%; Thanh Hóa tăng 13,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 13,2%; Nghệ An tăng 13%; Hà Nội tăng 11%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2018 ước tính đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,1% so với năm 2017. Một số địa phương có doanh thu tăng khá: Hải Phòng tăng 16%; Bình Định tăng 14,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 13,4%; Tiền Giang tăng 13%; Lâm Đồng tăng 11,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 8,4%; Hà Nội tăng 7,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành năm nay ước tính đạt 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,1% so với năm trước. Nhu cầu du lịch trong và ngoài nước cùng với lượng khách quốc tế đến nước ta tăng mạnh góp phần tăng doanh thu cho hoạt động du lịch lữ hành.

Một số địa phương có doanh thu tăng khá: Hải Phòng tăng 21,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 17,8%; Bình Định tăng 16,2%; Kiên Giang tăng 14,8%; Quảng Bình tăng 11,1%; Khánh Hòa tăng 8,8%; Hà Nội tăng 7,9%.

Doanh thu dịch vụ khác năm 2018 ước tính đạt 509,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,8% so với năm 2017, trong đó doanh thu của một số địa phương như sau: Thanh Hóa tăng 12,7%; Đà Nẵng tăng 12,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 11,4%; Kiên Giang tăng 10,9%; Quảng Ninh tăng 10,4%; Quảng Bình tăng 10%; Thái Nguyên tăng 9,2%; Thừa Thiên - Huế tăng 8,5%; Hà Nội tăng 6,9%.