Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013

Theo Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục chậm và chưa thực sự bền vững do tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chậm lại và sự phục hồi của Eurozone cùng Nhật Bản chưa thực sự vững chắc. Tuy nhiên, kinh tế thế giới trong năm 2014 được kỳ vọng cải thiện hơn năm 2013.

Kinh tế Mỹ tiếp tục đà hồi phục với tăng trưởng GDP quý III ở mức 2,8%, cao hơn dự báo, làm tăng khả năng Fed giảm dần gói QE3 trong năm 2014. Tuy nhiên, lộ trình thu hẹp được dự báo sẽ không gây sốc. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục đối mặt với sự mất giá của đồng nội tệ, cầu nội địa yếu, thâm hụt cán cân thanh toán tăng cao và vấn đề cải cách kinh tế, do đó, dự báo khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2014. Điểm nổi bật trong tháng 11 là Trung Quốc đã đưa ra một loạt kế hoạch cải cách kinh tế trong Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI, trong đó chủ trương nâng cao vai trò thị trường, giảm sự can thiệp của chính phủ, tăng cường vai trò kinh tế tư nhân.

Kinh tế Việt Nam

Nhận định chung: Kinh tế vĩ mô năm 2013 đã từng bước ổn định. Tăng trưởng và sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực đi lên về cuối năm. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp, cân đối ngân sách còn nhiều thách thức và các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn là những vấn đề tiếp tục đặt ra cho năm 2014.

Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

Lạm phát tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng chậm lại, ở mức 0,34% so với tháng 10, tăng 5,5% so với tháng 12/2012 và tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11/2013 đã chậm lại ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây (chỉ sau năm 2009).

Nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khiến cho mức tăng giá của các tháng cuối năm nay tăng thấp, trái với thông lệ thường thấy trong 10 năm gần đây. Lạm phát năm 2013 bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố chi phí đẩy (điều chỉnh giá dịch vụ công và giá các nhóm hàng cơ bản do Nhà nước quản lý) (Hình 1). Dự báo cả năm, lạm phát sẽ không quá 6,3%, mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn so với năm ngoái là hoàn toàn khả thi.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013 - Ảnh 1


Cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ USD. Trong đó, cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm, là năm thứ 2 liên tiếp thặng dư sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối đạt khá. Vốn FDI tăng mạnh6 thể hiện việc tái lập niềm tin trong trung hạn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam. Điều này góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.

Thị trường tiền tệ - ngoại hối ổn định. Tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với năm ngoái. Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ phía các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó đã giúp tháo gỡ khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Sản xuất có dấu hiệu cải thiện

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện vào cuối năm nhờ xuất khẩu tăng khá. Chỉ số IIP (so với cùng kỳ) tăng dần qua các quý: quý I tăng 4,5%, quý II tăng 5,2%, quý III ước tăng 6%. Tính chung 11 tháng đầu năm, IIP tăng 5,6% (cùng kỳ năm ngoái là 5,1%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 7,1%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số PMI tháng 10 cũng đạt trên 50 điểm liên tiếp trong 2 tháng sau khi dưới 50 điểm trong 4 tháng trước đó, chủ yếu nhờ lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 16,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cũng có chuyển tích cực hơn. Sản xuất cải thiện đã làm hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng khá trở lại, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2013 - Ảnh 2

Doanh nghiệp bớt khó khăn hơn với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng dần qua từng tháng (so với cùng kỳ) và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã tăng thấp hơn so với các tháng trước.

Cơ cấu tín dụng tích cực hơn khi tập trung phục vụ cho sản xuất và hỗ trợ thị trường. Cụ thể là một số lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng có mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tính đến hết cuối tháng 9/2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tăng khoảng 13-15%. Tín dụng tiêu dùng và bất động sản cũng tăng cao hơn mức tăng của nền kinh tế phù hợp với định hướng chính sách hỗ trợ thị trường của Chính phủ. 

Mặc dù sản xuất được cải thiện nhưng nền kinh tế vẫn còn khó khăn:

Sức mua của người dân chậm cải thiện, thể hiện qua mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng như vận chuyển hàng hóa tăng chậm hơn cùng kì năm trước.

Sản xuất và doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Mức tăng chỉ số IIP cả năm 2013 dự kiến chỉ bằng năm 2012 (5.8%) và vẫn thấp hơn so với các năm 2011 và 2010. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ (11 tháng tăng 8,4%) và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp vẫn giảm (11 tháng giảm 15,4%). Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước tăng trưởng thấp hơn nhiều (tăng 3,6%) so với khu vực FDI (23,5%)

Tín dụng cho nền kinh tế tăng chậm trong bối cảnh tổng cầu thấp. Tính đến 31/10/2013, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế mới đạt 7,18%, mới đạt xấp xỉ 60% kế hoạch cả năm. Tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế: tín dụng công nghiệp phụ trợ và tín dụng cho xuất khẩu tăng thấp và tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng âm.

Thu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Lũy kế đến tháng 11 thu ngân sách nhà nước ước đạt 701.760 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mới đạt 86% dự toán. Dự kiến cả năm 2013, thu ngân sách nhà nước đạt 97% dự toán năm; đưa mức bội chi ngân sách nhà nước lên mức 5,3% GDP, cao hơn 0,5% GDP so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung hạn16.

Kiến nghị

Quan điểm chính sách

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát, chính sách điều hành cần tiếp tục chủ trương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường như đã đề ra trong Nghị quyết 02, để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Trong trung hạn, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng là các nhân tố quan trọng cho phát triển của nền kinh tế nước ta.

Chính sách tài khóa

Cân đối ngân sách nhà nước sẽ là vấn đề cần xử lý từ nay đến 2015. Đối với thu ngân sách nhà nước, bên cạnh công tác chống thất thu thuế và chuyển giá cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo nguồn thu bền vững. Đối với chi ngân sách nhà nước, cần rà soát nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, tiết kiệm cho quản lý hành chính và hạn chế chính sách, chế độ làm tăng chi.

Xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn (trong 3 năm) để vừa đảm bảo kỷ luật tài khóa, vừa tăng tính linh hoạt cho chính sách tài khóa.

Chính sách lãi suất – tín dụng

Tiếp tục triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong 2014.

Đẩy nhanh và mở rộng quy mô xử lý nợ xấu của VAMC thông qua sự hỗ trợ và tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách xử lý các tài sản đảm bảo tiền vay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Chính sách tỷ giá

Chính sách tỷ giá cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát. Tuy nhiên, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể là, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới.