Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014


Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 (WIR) công bố ngày 24/6/2014 của Văn phòng Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu đang trên đà tăng trưởng trở lại.

    FDI toàn cầu…

    Theo đó, sau khi giảm mạnh vào năm 2012, dòng vốn FDI đã tăng 9% trong năm 2013, đạt 1,45 nghìn tỷ USD. Dòng vốn FDI ghi nhận được cho thấy sự tăng trưởng ở tất cả các nhóm nước: Các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và đang chuyển đổi.

    Cụ thể, năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển vẫn đứng đầu thế giới về lượng vốn FDI chảy vào với số vốn lên đến 778 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn FDI toàn cầu. Trong khi đó, FDI chảy vào các nước phát triển tăng 9% lên 566 tỷ USD, chiếm 39% tổng FDI của thế giới. Các nền kinh tế chuyển đổi nhận được 108 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013.
                       Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 - Ảnh 1
                                                                                                                                    Nguồn: WIR 2014

    Xét theo khu vực thì châu Á vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới với dòng vốn FDI vào các nước châu Á đang phát triển đạt 426 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn FDI toàn cầu trong năm 2013. Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ đều thu hút được khoảng 250 tỷ USD.
       Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 - Ảnh 2

                                Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 - Ảnh 3
    Mỹ hiện là nước thu hút FDI lớn nhất thế giới. Mặc dù FDI vào Mỹ đã giảm dần từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính nhưng tổng số vốn FDI vào Mỹ năm ngoái vẫn là 188 tỷ USD (so với 161 tỷ USD trong năm 2012), cao hơn 50% so với mức của Trung  Quốc - nước thu hút FDI thứ hai thế giới (124 tỷ USD trong năm 2013, 121 tỷ USD trong năm 2012).

                                       Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 - Ảnh 4

    …đã dần chuyển hướng

    Theo UNCTAD, FDI vào các nước đang phát triển từng là xu hướng chính suốt hơn 10 năm qua nhưng xu thế đó đang thay đổi.

    Năm 2000, FDI vào các nước đang phát triển chỉ chiếm khoảng 19%, nhưng tới năm ngoái tỷ lệ này lên tới 54%. Theo UNCTAD, với việc kinh tế các nước phát triển đang hồi phục, xu hướng này sẽ sớm thay đổi. Ước tính FDI vào các nước giàu sẽ tăng 35% trong năm 2014 và năm 2016 sẽ chiếm tới 52% tổng FDI toàn cầu.

    FDI từ Trung Quốc đầu tư vào các nước trong năm 2013 lần đầu tiên vượt mức 100 tỷ USD và dự đoán còn tiếp tục tăng. Đầu tư ra ngoài của Trung Quốc sẽ sớm vượt FDI từ nước ngoài vào thị trường nội địa, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh mua các công ty nước ngoài và chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước như Campuchia, Myanmar và châu Phi.

    Triển vọng tươi sáng

    Về triển vọng FDI toàn cầu trong thời gian tới, theo các chuyên gia, khả năng tăng trưởng của FDI toàn cầu vẫn còn nhiều khi một vài nền kinh tế lớn trong Liên minh châu Âu (EU) bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục.

    UNCTAD dự báo, dòng vốn FDI sẽ tăng lên 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2014, trước khi tiếp tục tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD trong năm tiếp theo và 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2016, trong đó, phần lớn vốn FDI sẽ chảy vào các nước phát triển. Trong khi đó, lượng vốn FDI đổ vào một số thị trường mới nổi có thể sẽ giảm do kinh tế phục hồi yếu ớt, chính sách tài chính và chính trị bất ổn.