Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản quý IV/2013 của Cushman & Wakefield

Kinh tế

Bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2013 có thể được xem là “ổn định”. Sự ổn đinh kinh tế vĩ mô có được là nhờ lạm phát được kiểm soát tốt và tăng trưởng GDP bền vững nếu như không muốn nói là rất ấn tượng. Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục theo đà đi xuống từ mức đỉnh điểm 22% vào tháng 9/2011 xuống mức kiểm soát 6,6% cuối năm 2013.

Điều này cùng với sự giảm nhẹ tăng trưởng tín dụng đã làm giảm áp lực lên VND với tỷ giá USD/VND vẫn dao động quanh mức trên 21.000. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 21,6 tỷ đô la Mỹ năm 2013, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014. Nền kinh tế vì thế dường như đã được cải thiện tốt hơn so với một năm trước đây.

Báo cáo video do chuyên gia Cushman & Wakefield thực hiện:


Mặt bằng văn phòng

Nguồn cung văn phòng cho thuê tại thị trường Hà Nội không thay đổi trong quý IV/2013 với tổng diện tích mặt bằng hạng A vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 330.000 m2 và hạng B là khoảng 589.000 m2. Giá thuê tại Hà Nội giảm nhẹ so với quý trước nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn ổn định. Khoảng 200,000m2 diện tích văn phòng được dự báo sẽ vào thị trường Hà Nội trong thời gian sắp tới. Nếu nhu cầu văn phòng không tăng lên, giá thuê được dự báo sẽ giảm. Những tòa nhà văn phòng mới bao gồm Tháp PVI, Tháp EVN, Tháp Apex, Tháp Handico và tổ hợp Lotte Center.

Thị trường văn phòng cho thuê TP. Hồ Chí Minh cũng không có thêm nguồn cung trong quý IV/2013 với tổng diện tích mặt bằng hạng A không đổi là 180.400 m2 và hạng B là 618.000 m2. Giá thuê tại TP. Hồ Chí Minh cho văn phòng hạng A ổn định trong khi giá thuê văn phòng hạng B giảm nhẹ. Tỷ lệ lấp đầy của cả hai hạng tăng gần 2% so với quý trước và diện tích thuê mới trong quý này là khoảng hơn 30.000 m2. Tại TP. Hồ Chí Minh tổng diện tích thuê mới văn phòng của các tòa nhà hạng A và hạng B trong năm 2013 đạt xấp xỉ gần 100.000m2 cao hơn so với hai năm trước đó. Tổng cầu tăng cùng với nguồn cung mới tăng chậm lại là dấu hiệu dự báo giá thuê sẽ ổn định thậm chí là tăng nhẹ trong ngắn và trung hạn.

Tỷ lệ lấp đầy của văn phòng hạng A đạt mức 90% khi những tên tuổi mới của năm 2013 như Times Square & Lim Tower vào thị trường cho thấy rằng các tòa nhà hạng A đang duy trì tỷ lệ lấp đầy tương đối ổn định và tại một số tòa nhà giá thuê đã tăng lên. Các khu vực trung tâm nội thành vẫn tiếp tục được khách thuê ưa chuộng khi giá thuê trong quá khứ ở mức thấp và được dự báo sẽ tăng lên trong trung hạn. Xấp xỉ 100.000 m2 diện tích văn phòng hạng A và hạng B được dự báo sẽ hoàn thiện vào năm 2014 để gia nhập thị trường mặc dù không có nhiều tác động đáng kể ảnh hưởng đến giá thuê.

Mặt bằng bán lẻ

Thị trường Hà Nội chào đón Tổ hợp Trung tâm Thương mại Times City ngay trước lễ giáng sinh cung cấp hơn 200.000 m2 diện tích sàn, đưa tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội lên hơn 1 triệu m2. Quý IV, Hà Nội tiếp tục chứng kiến xu hướng các chủ đầu tư tính giá thuê cho khách thuê dựa trên phần trăm chia sẻ doanh thu thay vì áp giá thuê cố định nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy. Các dự án chủ yếu đang trong giai đoạn xây dựng bao gồm Trung tâm Thương mại Chợ Mơ Plaza ở quận Hai Bà Trưng và Lotte Centre quận Ba Đình dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014. Khu Thương mại AEON cũng sẽ đi vào hoạt động năm 2015.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại Cantavil Parkson đã chính thức mở cửa cùng với Lucky Plaza cung cấp thêm khoảng 32.000 m2 đưa diện tích mặt bằng bán lẻ của toàn thành phố lên 820.000 m2. Thị trường bán lẻ tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sôi động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 89% và giá thuê trung bình không thay đổi so với quý trước. Tuy nhiên, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các khu vực cận trung tâm và ngoại thành lại tiếp tục xu hướng giảm.

Phân khúc mặt bằng bán lẻ năm 2013 chứng kiến sự gia nhập của những thương hiệu lớn vào Việt Nam như Starbucks hay McDonalds dự kiến sẽ vào thị trường đầu năm 2014. Xu hướng gia nhập Việt Nam của những thương hiệu lớn tại phương Tây và châu Á sẽ còn tiếp tục và dự kiến sẽ tăng manh vào năm 2015 khi mà các rào cản gia nhập đối với các thương hiệu quốc tế dần được gỡ bỏ. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần hiện đại hóa khi lượng dân số trẻ chiếm đa số ngày càng có thu nhập cao hơn và thị hiếu mua sắm cũng thay đổi, các khu chợ truyền thống ngày càng ít được ưa chuộng trong khi các trung tâm thương mại hay các cửa hàng trên phố chính ngày càng chiếm ưu thế.

Căn hộ bán

Với những thay đổi gần đây trong chính sách của các chủ đầu tư như điều chỉnh thời hạn thanh toán linh hoạt, giao nhà trước khi nhận tiền thanh toán từ khách hàng, giảm giá, miễn phí phí quản lý và dịch vụ hay bớt giá trực tiếp, thị trường đã có những dấu hiệu tốt hơn trong quý IV/2013.

Tháp Hoàng Thanh, một dự án hạng A nhờ có vị trí đắc địa và tiến độ thi công kịp thời đã có kết quả kinh doanh khá tốt vào quý này. Căn hộ hạng B và hạng C tiếp tục được bán tốt quý này với tỷ lệ bán gần 23% cho hạng B và 24% cho hạng C trong khi căn hộ hạng A chỉ bán được 6%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, căn hộ hạng C tiếp tục chiếm ưu thế với 83% nguồn cung được bán quý này trong khi tỷ lệ bán của hạng B là 12% và hạng A là 5%. Giá bán tại tất cả các hạng tiếp tục giảm với sự giảm mạnh nhất được ghi nhận ở căn hộ hạng A là 10%, hạng B giảm 9% và hạng C giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên cả nước, phân phúc căn hộ giá rẻ tiếp tục thu hút sự quan tâm, đặc biệt là những căn hộ có mức giá bán giao đông trong khoảng 15 – 18 triệu VND mỗi m2. Hy vọng rằng với những đề xuất gần đây của Bộ Xây Dựng mở rộng quyền cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, chúng ta có thể mong chờ vào một giai đoạn hưng thịnh trong phân khúc nhà trung và cao cấp mặc dù có thể những dự luật này không thể ngay lập tức thay đổi cục diện thị trường.

Mời download báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Cushman & Wakefield tại đây: Vietnam Marketbeat Q4 2013_VNS.pdf