Diễn biến chính sách tài khóa tiền tệ, ngân hàng thế giới 9 tháng đầu năm 2013

Theo ncseif.gov.vn

Diễn biến chung

Tình hình tài khóa tiền tệ thế giới trong 9 tháng đầu năm 2013 diễn biến theo xu hướng tích cực hơn song vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Rủi ro tài khóa trong ngắn hạn đã giảm đáng kể nhờ các động thái chính sách và các điều kiện thị trường được cải thiện đáng kể, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. Đối với chính sách tài khóa, hầu hết các Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì thực hiện chính sách ổn định tài khóa dù cán cân ngân sách đã được cải thiện. Ở khu vực Eurozone, việc điều chỉnh tài khóa vẫn theo các cam kết chặt chẽ từ trước đây, nhưng mức độ thắt chặt đang dần được giảm và thay vào đó, các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và đặc biệt là thất nghiệp đang được nhiều quốc gia xem xét.

Trong khi đó, rủi ro ngân sách đối với Mỹ có xu hướng tăng cao hơn vào năm 2013 do nền kinh tế này vẫn chưa giải quyết triệt để “vách đá tài chính”. Mỹ đã đặt mục tiêu sẽ giảm 1,75% GDP chi tiêu ngân sách trong năm 2013, lớn hơn mức 0,5% GDP của năm 2012.  Việc nâng trần nợ công cũng đã được gia hạn đến tháng 10 tới. Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với tình hình ngân sách không chắc chắn khi "sở hữu" mức nợ công cao nhất thế giới và Chính phủ nước này vẫn tiếp tục thực thi một loạt các chương trình kích thích kinh tế mạnh tay trong thời gian qua nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Lĩnh vực ngân hàng của thế giới vẫn đang trong tình trạng suy yếu và mong manh dễ đổ vỡ, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Khủng hoảng ngân hàng trong thời gian qua tại Cộng hòa Síp đã gây ra cơn địa chấn trên toàn khu vực châu Âu, gia tăng nguy cơ khu vực này trở lại khủng hoảng và khiến các thị trường toàn cầu trở nên hoảng loạn sau khi Chính phủ Síp manh nha kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân để cứu hệ thống ngân hàng phá sản. Bên cạnh đó, bong bóng tài chính đến từ hệ thống “ngân hàng mờ” (shadow banking)  đang đe dọa hệ thống tài chính thế giới. Theo Ủy ban ổn định tài chính (FSB) của IMF, quy mô của “ngân hàng mờ” trên toàn cầu đã gia tăng rất nhanh ngay trước khủng hoảng tài chính 2008-2009 và tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây cho dù tốc độ tăng phần nào đã chậm lại.

IMF dự báo thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 4,7% GDP, của các nền kinh tế đang nổi là 2,2% GDP vào năm 2013. Nhật Bản sẽ là nước có thâm hụt ngân sách lớn nhất, chiếm 9,8% GDP, năm 2014 giảm còn 7,0% GDP. Tuy nhiên, nợ công cao vẫn đòi hỏi từng nền kinh tế riêng lẻ vẫn phải duy trì các điều chỉnh nhằm ổn định tài khoá trong dài hạn. Mối lo ngại về vấn đề nợ nần hiện đang tập trung chủ yếu ở các nền kinh tế phát triển, khi tỷ lệ nợ/GDP trung bình của toàn cầu được dự báo cho năm 2013 sẽ chỉ là 79,3% thì con số này với các nền kinh tế phát triển được dự báo là 109,3% .  Dự báo tỷ lệ nợ/GDP ở nhiều nước sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2014,  dù các nước đã nỗ lực cắt giảm ngân sách để giảm mức thâm hụt, đặc biệt nhiều nước phát triển vẫn đang đứng trước một chặng đường dài, khó khăn và không có gì chắc chắn để có thể ổn định về tài chính.

Diễn biến chính sách tài khóa tiền tệ, ngân hàng thế giới 9 tháng đầu năm 2013 - Ảnh 1

Diễn biến tại một số nền kinh tế chủ chốt

Với mức nợ công cao và khó khăn của “vách đá tài khóa”, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính. Đầu tháng 3/2013, Mỹ đã cắt giảm 85 tỷ USD ngân sách tài khóa năm 2013 theo chương trình cắt giảm tự động theo thỏa thuận năm 2011. Động thái này đã kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới chịu  nhiều sức ép và việc dừng các biện pháp miễn giảm thuế khiến nhiều người Mỹ phải đóng thuế cao hơn.

Chính phủ Mỹ chi tiêu hơn 3,5 nghìn tỷ USD/ năm, hiện nợ công của Mỹ khoảng 16,7 nghìn tỷ USD và tiếp tục tăng do chính phủ chi nhiều hơn thu. Ước tính đến giữa tháng 10/2013, Bộ Tài chính sẽ chỉ còn khoảng 50 tỷ USD và số tiền này không đủ để trang trải các chi tiêu thêm một thời gian dài nữa. Nếu không nâng trần nợ, chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào giữa tháng 10/2013. Mỹ đã đặt mục tiêu sẽ giảm 1,75% GDP chi tiêu ngân sách năm 2013, lớn hơn mức 0,5% GDP của năm 2012.

Tuy nhiên vấn đề mà cả thế giới quan tâm hiện nay đó là chương trình nới lỏng định lượng QE3 của nền kinh tế đứng đầu thế giới này. Việc Mỹ phát tín hiệu sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình 85 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm 2013 và sẽ dừng hẳn vào năm 2014 vào tháng 6/2013 ngay sau đó đã tác động lên thị trường chứng khoán và đẩy giá đôla Mỹ tăng. Tuy nhiên, FOMC đã quyết định giữ nguyên chương trình này vào ngày 18/9/2013. Quyết định này đã có tác động rất mạnh tới triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới.

Sau 3 năm thực hiện chính sách tài khóa “thắt lưng buộc bụng”, tình hình ngân sách của hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Âu đã bắt đầu đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên bên cạnh đó, những hệ lụy đến từ các chính sách tài khóa nghiêm ngặt cũng vô cùng lớn. Tăng trưởng trì trệ kéo dài, thất nghiệp cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trong bối cảnh này, các quốc gia đã buộc phải tìm hướng đi mới. Mặc dù vẫn còn thận trọng đối với chính sách tài khóa, song ở nhiều quốc gia, thay vì cắt giảm ngân sách hoặc tăng thuế, các nước đang bắt đầu hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Một số quốc gia tiên phong trong xu hướng này là Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

Cụ thể, mới đây, Tây Ban Nha đã công bố gói ngân sách trị giá 3,5 tỷ EUR (tương đương 4,6 tỷ USD) với 100 biện pháp nhằm tạo việc làm cho thanh niên. Cuối tháng 4/2013, Chính phủ Tây Ban Nha đã từng bước cụ thể hóa kế hoạch trên thông qua chương trình cải cách mới trong vòng 3 năm tới và tập trung chủ yếu đến các vấn đề lương hưu, việc làm và khu vực ngân hàng.

Kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu trong dài hạn của Tây Ban Nha đề cập đến nội dung hạn chế nghỉ hưu sớm và nâng tuổi nghỉ hưu; cải cách lương trong khu vực công. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề việc làm, Chính phủ Tây Ban Nha đã thành lập quỹ đào tạo việc làm trị giá 3,5 tỷ Euro tới năm 2016. Trong ngành ngân hàng, Chính phủ tập trung vào những cải cách để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tín dụng, quốc tế hóa các công ty.

Bên cạnh đó, nhằm cải thiện tính cạnh tranh và tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Tây Ban Nha đã đề xuất thay đổi cơ chế thuế, giảm thuế đầu tư, giới thiệu thuế xanh, sửa đổi các loại thuế đặc biệt liên quan đến xăng dầu, rượu, thuốc lá, điện và chi phí vận tải.

Ngày 15/6/2013, Chính phủ Italia cũng đã thông qua một gói các biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 3 tỷ Euro dưới hình thức tài trợ cho các dự án công trình công cộng với mục đích tạo ra 30.000 việc làm mới cho người lao động trong năm 2013 và đưa thâm hụt ngân sách về mức 2,9% GDP. Trong đó, khoảng 600 triệu Euro sẽ chi cho việc cải thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, 300 triệu Euro cho việc duy trì các tuyến đường hầm và cầu, 300 triệu Euro để cải thiện các công trình trường học, và 100 triệu Euro nhằm vào các dự án cộng đồng nhỏ. Ngoài ra, gói các biện pháp của Italia còn xa dần chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng dự định giảm chi phí điện năng cho các hộ gia đình với tổng giá trị lên tới 550 triệu EUR.

Cùng với các quốc gia trên, ngày 20/6, Chính phủ Pháp đưa ra kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu nhằm đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách đến năm 2020. So với mục tiêu cắt giảm ngân sách mới của Pháp cho năm 2014 được thông qua vào ngày 8/3, kế hoạch cải cách trên chứng tỏ xu hướng điều hành chính sách mới của Pháp. Theo đó, Pháp sẽ dần chấm dứt chính sách tài khóa thắt chặt hà khắc và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.

Đáng chú ý nhất là động thái của Uỷ ban châu Âu khi đề xuất một số biện pháp có tính khả thi cao nhằm tác động kịp thời đến tỷ lệ thất nghiệp, trong đó phải kể đến gói hỗ trợ việc làm cho thanh niên trị giá 6 tỷ EUR đã được thông qua vào tháng 4/2012. Tiếp đến, trong tháng 6/2012, Liên minh các thành viên thuộc khu vực Eurozone đã tìm ra hướng giải quyết đối với hai trở ngại lớn là tăng trưởng và thất nghiệp mà mỗi quốc gia đang phải đối mặt hiện nay bằng thỏa thuận hỗ trợ thất nghiệp và ngân hàng giai đoạn 2014 - 2020 trị giá 96 tỷ EUR từ ngân sách của 27 quốc gia thành viên và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2014.

Theo đó, Quỹ này sẽ trở lại với “Sáng kiến việc làm thanh niên” nhằm cung cấp cơ hội việc làm cho những người lao động dưới 25 tuổi. Các thỏa thuận giải cứu ngành ngân hàng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế trong phạm vi toàn khu vực sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Đó là các quy định mới nghiêm ngặt hơn về thâm hụt ngân sách cũng như giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động chi tiêu.

Đến cuối năm 2013, ngân hàng trung ương châu Âu sẽ giám sát chung 6.000 ngân hàng toàn châu Âu trong giai đoạn đầu thành lập liên minh ngân hàng nhằm ngăn chặn khủng khoảng tài chính, sau đó sẽ mở rộng kế hoạch đảm bảo hoạt động tiền gửi chung. Dự báo, kế hoạch này sẽ tác động rất lớn đến tình hình tăng trưởng và việc làm không chỉ với EU27 mà còn đối với các quốc gia và khu vực khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của khu vực châu Âu vẫn được tiếp tục duy trì. ECB hiện nay đang duy trì mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục 0,5% vừa mới được cắt giảm từ mức 0,75% trong tháng 5/2013. Lãi suất tiền gửi tại ECB cũng ở mức thấp chưa từng có, 0,0%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngay bản thân thành viên của Hội đồng ECB  và một số chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất từ mức 0,5% như hiện nay xuống mức 0,25%.

Nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát 2% năm 2013, Nhật Bản đã thực hiện một loạt các chính sách nới lỏng tiền tệ “không giới hạn” và các chương trình kích thích kinh tế mạnh tay trong 9 tháng đầu năm 2013. Trong 10 tháng trở lại đây, Chính phủ Nhật Bản đã duy trì chính sách đồng Yen thấp. Tháng 1/2013 và tháng 4/2013, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các gói kích thích trị giá lần lượt là 117 tỷ USD và 1,4 nghìn tỷ USD với kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng với GDP tăng 2 điểm phần trăm năm 2013 và tạo ra 600.000 việc làm. Theo đó, BOJ đã  tăng cung tiền cho nền kinh tế thêm 60.000-70.000 tỷ Yen/năm (tương đương 683 tỷ USD/năm).

Bên cạnh đó, nhằm ổn định tài khóa và giảm nợ công, tháng 8/2013, Chính phủ Nhật Bản cam kết thực hiện những bước cắt giảm chi tiêu tới 83 tỷ USD - tương đương hơn 4% mức chi tiêu hàng năm của Nhật Bản - trong hai năm (trong giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016) . Ngày 15/9/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định sẽ tăng thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện nay lên 8% từ tháng 4/2014 và tăng lên mức 10% kể từ tháng 10/2015. Tuy nhiên cùng với kế hoạch tăng thuế này, Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến sẽ tung ra một gói kích cầu trị giá khoảng 5.000 tỷ Yen (50 tỷ USD) để giảm bớt tác động bất lợi của việc tăng thuế. Kế hoạch này sẽ được thông báo chính thức vào ngày 1/10/2013.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính tiền tệ. Tính đến hết tháng 6/2013, những khoản nợ không sinh lời (NPL) của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã lên tới 539,5 tỷ NDT (khoảng 88 tỷ USD), chạm mức cao kỷ lục kể từ quý II/2009. NPL của các ngân hàng tăng 13 tỷ NDT so với quý I/2013 và tỷ lệ NPL trên tổng số nợ chưa trả là 0,96%, tương đương với quý I/2013 . Điều này cũng cho thấy, những khó khăn mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế suy giảm mạnh như hiện nay.

Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều nguồn tín dụng được cấp cho các công ty, sàn giao dịch thông qua các kênh tài chính không chính thống. Điều này dẫn tới việc tạo nên một "hệ thống ngân hàng mờ". Đầu tháng 4/2013, lần đầu tiên kể từ năm 1999, Fitch Ratings đã hạ bậc tín nhiệm các khoản nợ dài hạn phát hành bằng nội tệ của Trung Quốc từ AA- xuống A+ do lo ngại hoạt động của hệ thống ngân hàng này.

Ngoài ra, tình trạng "bong bóng" tín dụng đã trở lại và là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ năm 2009, nhằm khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Ngày 30/7/2013, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm gần 2,8 tỉ USD vào hệ thống tài chính để hỗ trợ các ngân hàng trong nước trước nguy cơ thiếu vốn. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2013, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bơm tiền cho các ngân hàng. Trước đó, Bắc Kinh từng cảnh báo, các hoạt động tài chính ngầm trên thị trường chợ đen có thể rút vốn của nền kinh tế. IMF cũng khuyến cáo, việc các tỉnh, thành của Trung Quốc liên tục vay nợ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Về chính sách tài khóa, để đạt được các mục tiêu ổn định tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện an sinh xã hội, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng trong năm 2013. Cụ thể: (1) Tăng bội chi ngân sách và nợ công ở mức vừa phải. Kế hoạch bội chi ngân sách của Trung Quốc năm 2013 tăng lên mức 1.200 tỷ NDT (tương đương khoảng 191 tỷ USD), cao hơn 400 tỷ NDT so với kế hoạch bội chi ngân sách của năm 2012. Trong đó, thâm hụt ngân sách trung ương là 850 tỷ NDT; (2) Kết hợp với chế độ cải cách thuế để hoàn thiện chính sách giảm thuế mang tính cơ cấu; (3) Nỗ lực tối ưu hóa cơ cấu chi tiêu tài ngân sách. Tiếp tục tăng chi cho lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực yếu kém khác. Đầu tư của ngân sách trung ương chủ yếu vào các công trình nhà ở mang tính xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực nông nghiệp, thủy lợi…; (4) Tiếp tục tăng cường quản lý nợ của chính quyền địa phương.