Hoạt động của doanh nghiệp 11 tháng năm 2014

Theo gso.gov.vn

Trong tháng 11, cả nước có 7767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% về số doanh nghiệp và tăng 20,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 5 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước. Số lao động của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 108,8 nghìn người, tăng 23,7% so với tháng trước.

Trong tháng 11/2014, cả nước có 1205 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với tháng trước; có 7033 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, giảm 1,5%, bao gồm 931 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 1104 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 4998 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 67790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 391,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng là 992 nghìn người, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2014 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Xu hướng thanh lọc diễn ra mạnh mẽ từ năm 2013 đến nay đã sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, trong 11 tháng, có 20,8 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 544,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2014 là 935,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm 391,3 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 544,6 nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp thay đổi tăng vốn.

Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 60340 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 8661 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 10147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 41532 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Trong 11 tháng, cả nước có 14208 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tình hình đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp trong 11 tháng năm nay theo ba xu hướng chính:

- Ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 (Hoạt động dịch vụ khác tương ứng tăng 8,3% và giảm 18,7%...).

 - Một số ngành có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tăng 8,6% về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; giáo dục và đào tạo tăng 8,1% và tăng 38,7%; kinh doanh bất động sản tăng 29,3% và tăng 1,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 30,2% và tăng 6,7%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 66,4% và tăng 24,5; sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 4,9% và tăng 17,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 2,36% và tăng 9,0%; thông tin và truyền thông tăng 9,2% và tăng 20,8%; vận tải kho bãi tăng 10,5% và tăng 17,3%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 5,9% và tăng 23,8%.

- Một số ngành vẫn gặp khó khăn: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 13,8% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 12,7% về số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 0,6% và tăng 9,3%; khai khoáng giảm 0,8% và tăng 19,6%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác giảm 3,2% và tăng 9,5%; xây dựng giảm 6,0% và tăng 7,7%.