Hoạt động đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2018

Theo Tổng cục Thống kê

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Năm ước tính đạt 24,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4,5 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương 20,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 28,7% và tăng 5,5%), gồm có:

- Vốn trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 26,8% kế hoạch năm và giảm 6,5% so vớicùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 6.135 tỷ đồng, bằng 33,3% và giảm 42,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.619 tỷ đồng, bằng 20,1% và tăng 12,1%; Bộ Y tế 721 tỷ đồng, bằng 21,8% và giảm 41,6%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 360 tỷ đồng, bằng 24,3% và tăng 53,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 308 tỷ đồng, bằng 22,7% và tăng 37,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 216 tỷ đồng, bằng 28,8% và tăng 23%; Bộ Xây dựng 68 tỷ đồng, bằng 24,8% và giảm 61,7%; Bộ Công Thương 61 tỷ đồng, bằng 27,7% và giảm 18,6%; Bộ Khoa học và Công nghệ 54 tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 48,1%; Bộ Thông tin và Truyền thông 32 tỷ đồng, bằng 24% và tăng 19,7%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% kế hoạch năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,8% và tăng 11,8%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% và tăng 15,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% và tăng 14,7%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2018 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 11.446 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 6.243 tỷ đồng, bằng 15% và tăng 6,8%; Thanh Hóa 2.428 tỷ đồng, bằng 38,6% và tăng 38,2%; Hải Phòng 2.310 tỷ đồng, bằng 25,3% và tăng 62,8%; Quảng Ninh 2.204 tỷ đồng, bằng 38,9% và tăng 21,3%; Nghệ An 2.189 tỷ đồng, bằng 37,4% và giảm 0,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2.169 tỷ đồng, bằng 33,3% và tăng 22,1%; Vĩnh Phúc 2.109 tỷ đồng, bằng 35,4% và tăng 0,2%.

Nhìn chung, tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong 5 tháng đầu năm còn chậm. Các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, bảo đảm kế hoạch đề ra.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2018 thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4.657,4 triệu USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.492,7 triệu USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đạt 7.150,1 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 5 tháng năm 2018 còn có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,58 tỷ USD và 1.224 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

Trong 5 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 2.289,8 triệu USD, chiếm 49,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 898,2 triệu USD, chiếm 19,3%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 623,3 triệu USD, chiếm 13,4%; các ngành còn lại đạt 846,1 triệu USD, chiếm 18,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng năm nay đạt 4.452,3 triệu USD, chiếm 62,3% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 898,2 triệu USD, chiếm 12,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 806,5 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 993,1 triệu USD, chiếm 13,9%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 729 triệu USD, chiếm 26,5% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ đạt 599 triệu USD, chiếm 21,8%; các ngành còn lại đạt 1.422,1 triệu USD, chiếm 51,7%.

Cả nước có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 5 tháng đầu năm, trong đó TP. Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 540,9 triệu USD, chiếm 11,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 525,6 triệu USD, chiếm 11,3%; Bình Dương 403,8 triệu USD, chiếm 8,7%; Đồng Nai 373,6 triệu USD, chiếm 8%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Ninh Thuận 327,6 triệu USD, chiếm 7%; Hà Nam 198,3 triệu USD, chiếm 4,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu 195,7 triệu USD, chiếm 4,2%; Quảng Ninh 176,6 triệu USD, chiếm 3,8%.

Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.019,5 triệu USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 904,8 triệu USD, chiếm 19,4%; Thái Lan 536,2 triệu USD, chiếm 11,5%; Xin-ga-po 503,1 triệu USD, chiếm 10,8%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 474,9 triệu USD, chiếm 10,2%; Trung Quốc 280,9 triệu USD, chiếm 6%; Hà Lan 186,6 triệu USD, chiếm 4%.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 5 tháng năm nay bên cạnh 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 144,7 triệu USD, còn có 14 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 5 tháng đầu năm 2018 đạt 184,7 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 57,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25,4 triệu USD, chiếm 13,7%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21 triệu USD, chiếm 11,4%.

Trong 5 tháng có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư; Cam-pu-chia chiếm 17,5%; Cu-ba chiếm 10,8%.