Hoạt động dịch vụ 9 tháng năm 2016

Theo Tổng cục Thống kê

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ 9 tháng năm nay tuy gặp khó khăn do người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, nhưng với nỗ lực của các đơn vị sản xuất và phân phối, sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhìn chung doanh thu kinh doanh dịch vụ đạt khá so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước tính đạt 296,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 225,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 10,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 15,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,7% và tăng 4,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 10,5%.

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2605,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% (thấp hơn mức tăng 10,2% cùng kỳ năm 2015), nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2015 tăng 9,2%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước tính đạt 1984,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng: Lương thực, thực phẩm tăng 13,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,1%; may mặc tăng 9,5%; phương tiện đi lại tăng 7,6%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 2,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng ước tính đạt 300 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Hà Nội tăng 9,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,9%; Bắc Giang tăng 7,2%; Lạng Sơn tăng 7%.

Một số địa phương doanh thu giảm: Hòa Bình giảm 16,4%; Hà Tĩnh giảm 13,5%; Phú Thọ giảm 9,1%; Lai Châu giảm 5,5%; Nghệ An giảm 4,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay ước tính đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 13,3%; Ninh Bình tăng 10,5%; Bình Thuận tăng 8,4%; Hà Nội tăng 6,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,8%.

Một số tỉnh doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh: Lạng Sơn giảm 25%; Trà Vinh giảm 19,4%; Hà Tĩnh giảm 11,7%; Lâm Đồng giảm 8%.

Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước tính đạt 297,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó một số địa phương có doanh thu tăng khá: Bình Phước tăng 19,1%; Thanh Hóa tăng 19%; Phú Yên tăng 15,9%; Quảng Nam tăng 15,6%; Bình Thuận tăng 15,5%; Bắc Ninh tăng 14,1%.

Vận tải và bưu chính, viễn thông

Vận tải hành khách tháng 9 ước tính đạt 302,3 triệu lượt khách, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước và 14,7 tỷ lượt khách.km, tăng 12,9%. Tính chung 9 tháng, vận tải hành khách đạt 2710,3 triệu lượt khách, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và 128,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5%, trong đó vận tải hành khách đường bộ đạt 2544,1 triệu lượt khách, tăng 9,7% và 85,7 tỷ lượt khách.km, tăng 8%; đường biển đạt 4,5 triệu lượt khách, tăng 3,6% và 226,3 triệu lượt khách.km, tăng 1,6%. Vận tải bằng đường hàng không tăng mạnh, đạt 29,9 triệu lượt khách, tăng 28,1% và 37,2 tỷ lượt khách.km, tăng 20,4% do các hãng hàng không trong nước tiếp tục tăng cường khai thác thị trường nội địa, đồng thời khai trương thêm một số đường bay quốc tế. Vận tải đường sắt đạt 7,8 triệu lượt khách, giảm 11,3% và 2,8 tỷ lượt khách.km, giảm 17,1% do thời gian đi lại chưa cải thiện nhiều, giá vé chưa cạnh tranh được với hàng không giá rẻ và vận tải đường bộ.

Vận tải hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 108,4 triệu tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và 20,2 tỷ tấn.km, tăng 4,4%. Tính chung 9 tháng, vận tải hàng hóa đạt 937,6 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và 179 tỷ tấn.km, tăng 3,8%, trong đó vận tải trong nước đạt 913 triệu tấn, tăng 9,7% và 81,8 tỷ tấn.km, tăng 6,6%; vận tải ngoài nước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 2,6% và 97,2 tỷ tấn.km, tăng 1,5%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 728,8 triệu tấn, tăng 10,9% và 44,1 tỷ tấn.km, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 160,3 triệu tấn, tăng 6,2% và 33,2 tỷ tấn.km, tăng 5,9%; đường biển đạt 44,6 triệu tấn, tăng 3,6% và 98,9tỷ tấn.km, giảm 0,2%. Riêng vận tải đường sắt đạt 3,7 triệu tấn, giảm 25,3% và 2,3 tỷ tấn.km, giảm 25% chủ yếu do hệ thống hạ tầng, phương tiện chậm đổi mới, trong khi cơ sở giao thông, cầu đường bộ phát triển nhanh, thuận lợi nên một lượng lớn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt chuyển sang vận chuyển bằng đường bộ.

Doanh thu lĩnh vực viễn thông 9 tháng năm 2016 ước tính đạt 285,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính đến cuối tháng 9/2016, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 134,8 triệu thuê bao, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 129 triệu thuê bao, tăng 6%; thuê bao cố định đạt 5,8 triệu, giảm 6,5%. Thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt 8,8 triệu thuê bao, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 9 ước tính đạt 813 nghìn lượt người, giảm 9,6% so với tháng trước (do đang là thời điểm cuối mùa du lịch hè ở Việt Nam) nhưng tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á tăng 30,8%; từ châu Âu tăng 25,1%; từ châu Mỹ tăng 12,4%; từ châu Úc tăng 11,6%; từ châu Phi tăng 17,3%.

Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7265,4 nghìn lượt người, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 6109 nghìn lượt người, tăng 29,7%; đến bằng đường bộ đạt 1045,2 nghìn lượt người, tăng 10,8%; đến bằng đường biển đạt 111,2 nghìn lượt người, giảm 13,7%.

Trong 9 tháng năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 5264,1 nghìn lượt người, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính, nhất là 2 thị trường chiếm tỷ trọng lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục tăng mạnh: Khách đến từ Trung Quốc đạt 1987,6 nghìn lượt người, tăng 57,7%; Hàn Quốc 1134 nghìn lượt người, tăng 39,9%; Nhật Bản 555,2 nghìn lượt người, tăng 11,4%; Đài Loan 382 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Ma-lai-xi-a 287,8 nghìn lượt người, tăng 14,9%; Thái Lan 189,4 nghìn lượt người, tăng 34,1%; Xin-ga-po 180,6 nghìn lượt người, tăng 9,1%.

Yếu tố mùa vụ đã tác động mạnh đến lượng khách châu Âu trong tháng 9, tuy nhiên chính sách gia hạn miễn thị thực cho công dân của 5 nước Tây Âu (Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa I-ta-li-a) theo Nghị quyết số 56/NQ-CP ngày 20/6/2016 của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả khi lượng khách đến từ châu Âu trong 9 tháng năm 2016 đạt 1157,2 nghìn lượt người, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng năm nay, khách đến từ Vương quốc Anh đạt 189,9 nghìn lượt người, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước; Pháp 179,6 nghìn lượt người, tăng 13,8%; Đức 125,6 nghìn lượt người, tăng 18,6%; Tây Ban Nha 42,2 nghìn lượt người, tăng 27,9%; I-ta-li-a 38,3 nghìn lượt người, tăng 31,1%; Liên bang Nga 299,1 nghìn lượt người, tăng 26,5%; Hà Lan 48,4 nghìn lượt người, tăng 24,4%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 548,3 nghìn lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 421,7 nghìn lượt người, tăng 14,5%.

Khách đến từ châu Úc đạt 275,9 nghìn lượt người, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách đến từ Úc đạt 243,5 nghìn lượt người, tăng 6,6%. Khách đến từ châu Phi đạt 19,9 nghìn lượt người, bằng 97,6% cùng kỳ năm 2015.